Sản lượng hàng hóa tăng năm thứ 3 liên tiếp
Năm 2017, ngành GTVT đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được Đảng và Chính phủ đánh giá cao, đóng góp vào những thành tựu chung của Ngành, đặc biệt là lĩnh vực Hàng hải. Phát huy thành quả đạt được trong năm trước, năm qua tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động ngành Hàng hải đã đoàn kết, nhất trí với quyết tâm cao, hoàn thành tốt công việc, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Năm 2017 tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 519.297.000 tấn, tăng 6% so với năm 2016; trong đó, hàng container đạt 165.701.000 tấn, tăng 12% so với năm 2016. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, sản lượng vận tải tiếp tục tăng trưởng, tạo động lực cho sự phát triển.
Đối với hoạt động vận tải nội địa, đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển (trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời…). Riêng đối với tàu container của Việt Nam, hiện nay số lượng tàu vận tải nội địa đã tăng lên 42 chiếc. Trên tuyến vận tải biển Bắc - Nam, vận tải biển nội địa cơ bản đáp ứng với nhu cầu vận chuyển khối lượng lớn các loại hàng hóa như than, clinker, xi măng bao, vật liệu xây dựng, thép, thiết bị máy móc, container, xăng dầu, hàng hóa tổng hợp như gạo, phân bón, gỗ, hàng bách hóa…
Với lợi thế về giá cước so với các loại hình vận tải khác, với khoảng cách các tuyến vận tải từ 300 - 500km và từ các bến cảng thủy nội địa sâu trong sông kết nối với các cảng biển, phương thức vận tải ven biển đang phát triển mạnh, khối lượng hàng hóa được các tàu VR-SB vận tải thông qua cảng biển từ khi mở tuyến (6/2014) đến hết năm 2017 đạt 36,2 triệu tấn với hơn 41 nghìn lượt, mức tăng trưởng ngày càng cao. Năm 2017, tổng lượt tàu thông qua đạt hơn 22 nghìn lượt, tăng 67% so với năm 2016; khối lượng hàng hóa thông qua đạt 18,5 triệu tấn, tăng 56% so với năm 2016.
Theo ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam trong năm qua vẫn gặp nhiều khó khăn do số tàu vận tải nhiều, lượng hàng tăng trưởng không lớn, giá cước giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp vận tải biển tiếp tục gặp khó khăn. Đối với vận tải biển quốc tế, đội tàu biển Việt Nam hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Đội tàu biển Việt Nam hiện mới chỉ nắm được khoảng 10% thị phần vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam.
Hiện nay, trong khi vận tải biển đứng trước nhiều khó khăn, việc phát triển hoạt động logistics, container hóa cảng biển được xác định là hướng đi sống còn của ngành hàng hải quốc gia, nỗ lực định hình chỗ đứng trong chuỗi phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu. Cả nước hiện có khoảng 1.300 doanh nghiệp tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ hàng hải, logistics, có 8 trung tâm logistics và 19 ICD (cảng cạn) đã đi vào hoạt động. Trong đó, phần lớn các trung tâm logistics và ICD đều ở vị trí thuận lợi nên thời gian qua đã hỗ trợ khá hiệu quả cho việc rút hàng xuất, nhập khẩu qua các cảng biển đầu mối.
Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển
Theo Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang, một trong những nhiệm vụ của Ngành là tập trung khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng mà trực tiếp là điều chỉnh lại cách công bố luồng. Thay vì công bố theo tải trọng tàu thì luồng sẽ được công bố trên cơ sở thông số kỹ thuật của luồng như bề rộng luồng, độ sâu, bán kính cong… Trên cơ sở đó, các cảng vụ, chủ tàu, đại lý, hoa tiêu, bảo đảm hàng hải… căn cứ vào đó để xem xét cho các tàu lớn hơn đảm bảo ra vào. Với những giải pháp đó, vừa qua một loạt các tàu lớn ra vào cảng đều đảm bảo an toàn. Tàu lớn vào đã đem lại hiệu quả như giá cước giảm, cơ sở hạ tầng được khai thác hiệu quả, số thu từ phí cảng vụ và phí đảm bảo hàng hải tăng lên.
Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng 100% dự thảo văn bản QPPL. Đồng thời, Cục tiếp tục triển khai thực hiện các đề án, quy hoạch; tăng cường công tác kiểm tra đối với các đơn vị, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp cảng trong việc thực hiện công tác an ninh hàng hải, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm TTATGT, đặc biệt là tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo; tiếp tục phối hợp với các đơn vị triển khai công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tại cảng biển; tiếp tục triển khai Đề án duy trì đội tàu biển Việt Nam trong danh sách trắng và xám của Tokyo MOU; đôn đốc, kiểm tra các đơn vị triển khai nghiêm túc chế độ trực ban 24/7 để thu nhận và xử lý kịp thời tất cả các thông tin báo nạn, sự cố nhận được…
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Cục Hàng hải Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công nhấn mạnh, song song với việc hoàn thành công tác xây dựng, bổ sung, sửa đổi ban hành văn bản QPPL, Cục Hàng hải Việt Nam cần tiếp tục thực hiện giải pháp giảm chi phí; tổ chức đối thoại với doanh nghiệp cảng biển, các hiệp hội, doanh nghiệp hàng hóa nhằm thống nhất nguyên tắc điều chỉnh lại giá dịch vụ cảng biển theo hướng tăng để đảm bảo lợi ích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có điều kiện tái cơ cấu và khả năng đổi mới công nghệ.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng cần nhanh chóng phối hợp với Vụ Vận tải (Bộ GTVT) làm việc với doanh nghiệp vận tải biển tiến tới sử dụng 100% tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam để vận chuyển các loại hàng hóa còn đang phải nhờ sự tham gia của các tàu nước ngoài như: Xi măng rời, khí hóa lỏng… Ngoài ra, ngành Hàng hải cần nâng cao chất lượng đào tạo thuyền viên, đổi mới chương trình đào tạo, có cơ chế chính sách thu hút người lao động học về lĩnh vực hàng hải. Có như vậy thì hàng hải Việt Nam mới đủ tiềm lực về nhân lực và vật lực để tiếp cận kỹ thuật tiên tiến, đưa các cảng hiện đại như cảng Cái Mép - Thị Vải của Việt Nam tiếp tục là một trong những cảng có tốc độ hàng hóa thông qua lớn thuộc Top đầu trong các bến cảng trên thế giới.
“Có thể nói, kinh tế hàng hải của chúng ta trong những năm gần đây phát triển với tốc độ rất đáng mừng, đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đảm bảo an ninh - quốc phòng. Trên cơ sở chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Bộ GTVT đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt một loạt các văn bản QPPL, các chiến lược, quy hoạch, đề án, cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho ngành Hàng hải Việt Nam phát triển. Đặc biệt, chúng ta là thành viên có trách nhiệm của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), chúng ta đã và đang cập nhật tất cả quy định của IMO để áp dụng tại Việt Nam và hội nhập hoàn toàn 100% vào lĩnh vực hàng hải quốc tế”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nhấn mạnh
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.