Hàng hải “vượt sóng”để tăng trưởng

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 09/02/2016 16:20

Năm 2015, bức tranh Hàng hải Việt Nam (HHVN) đã có thêm nhiều gam màu tươi sáng với sự tăng trưởng khá toàn diện.

Đột phá với chính sách mạnh trong bộ luật mới

Trao đổi với Tạp chí GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đánh giá, trong năm 2015, HHVN đã nỗ lực vượt qua khó khăn một cách toàn diện và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Điểm “sáng” trong bức tranh Hàng hải 2015 chính là Bộ luật mới và sự tăng trưởng tương đối mạnh trên mọi lĩnh vực.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, Cục HHVN đã có sự chuyển biến tích cực so với những năm trước đây khi hoàn thành xuất sắc 100% nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, Bộ luật HHVN (sửa đổi) đã nhận được sự tán thành cao của Quốc hội (87,65%), được Chủ tịch nước công bố ngày 8/12 và sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ 01/7/2017.

Điểm đáng ghi nhận trong Bộ luật Hàng hải mới là việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật lĩnh vực Hàng hải theo hướng rõ ràng, minh bạch, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước và tạo sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn mới.

Nét nổi bật trong Bộ luật Hàng hải 2015 là quy định về “Ban quản lý và khai thác cảng” theo mô hình “Chính quyền cảng” đang được áp dụng phổ biến trên thế giới nhằm xây dựng một tổ chức quản lý thống nhất trong đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển, khu hậu cần cảng; khắc phục những bất cập, tồn tại hiện nay và nâng cao hiệu quả trong xây dựng và khai thác hệ thống cảng biển Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều điểm mới trong Bộ luật được đánh giá có nhiều đột phá, giúp đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân để đưa kinh tế biển Việt Nam lên vị trí số một như quy định về quyền vận tải biển nội địa cho đội tàu Việt Nam; khuyến khích phát triển logistics; quy định về thuyền viên và thuyền bộ theo đúng Công ước về Lao động Hàng hải...

Theo đó, Bộ luật sẽ đưa ra những chính sách mạnh, giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sức mạnh đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế hàng hải. Với Bộ luật mới, logistic cảng biển sẽ được thúc đẩy phát triển mạnh hơn và chắc chắn sẽ giúp lĩnh vực HHVN đột phá mạnh trong thời gian tới.

Vận tải biển tăng trưởng ấn tượng

Theo thống kê, năm 2013, vận tải biển đã ghi nhận sự sụt giảm 5% so với năm 2012. Tiếp đó, năm 2014, vận tải biển tăng trưởng trở lại 4% so với năm 2013.

Ông Bùi Thiên Thu - Phó Cục trưởng Cục HHVN cho biết, mặc dù hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện trong năm 2015 ước đạt 118,7 triệu tấn, tăng 9,5% so với năm 2014.

Hiện nay, đội tàu biển trong nước đang đảm đương 10 - 12% thị phần xuất, nhập khẩu qua đường biển và cơ bản đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển. Sau thời gian thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về hạn chế tàu nước ngoài tham gia vận tải nội địa, số lượng tàu container Việt Nam vận tải nội địa và kết hợp đi các cảng trong khu vực Đông Nam Á đã tăng lên 39 tàu. Tuy vậy, vận tải biển nội địa vẫn khó khăn do giá cước thấp, nguồn hàng khan hiếm và mất cân đối giữa hai chiều Bắc - Nam.

Bên cạnh đó, sau 1 năm triển khai tuyến vận tải ven biển (tính đến tháng 9/2015), lượng hàng hóa thông qua bến thủy nội địa, cảng biển đạt 6,1 triệu tấn, chủ yếu gồm: Than, xỉ than, đá, đất, sắt, phân bón, xi măng, quặng, dầu FO...

Hoạt động logistics với hơn 1.200 doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng tăng trưởng mạnh mẽ ở mức bình quân hàng năm từ 20 đến 25%. Theo xếp hạng năng lực quốc gia về logistics của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 48/155 nước.

Cùng với sự tăng trưởng của vận tải biển, năm 2015 ghi nhận sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam năm 2015 ước đạt 427,3 triệu tấn, tăng 14,6%, trong đó hàng container đạt 12 triệu TEUs, tăng 15,5% so với năm 2014.

Theo thống kê của Cục HHVN, sản lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam năm 2015 theo quy hoạch là 410 triệu tấn. Như vậy, lượng hàng năm 2015 đạt 104,1% so với quy hoạch.

Trong đó, các doanh nghiệp thuộc Vinalines hiện quản lý gần 16.000m dài cầu cảng (chiếm 1/3 cả nước), sản lượng hàng hóa thông qua năm 2015 ước đạt 80 triệu tấn (tăng 15% so với 2014), chiếm 18,7% so với cả nước.

Đặc biệt, đội tàu biển Việt Nam hoạt động trên các tuyến quốc tế đã quyết liệt thực hiện các công ước về an toàn, an ninh, bảo vệ môi trường và lao động Hàng hải. Đặc biệt, khi kiểm tra tại khu vực Tokyo MOU năm 2015, tỷ lệ tàu bị lưu giữ thấp nhất từ trước đến nay (2,8%). Qua đó, đội tàu biển Việt Nam tiếp tục duy trì trong danh sách đội tàu có độ an toàn cao của Tokyo MOU. Tình hình an ninh cảng biển tiếp tục được đảm bảo và Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn cho các tàu biển nước ngoài.

Đánh giá về thành tựu của lĩnh vực Hàng hải, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết, năm 2015, toàn ngành GTVT đã phát triển toàn diện, trong đó, việc tăng trưởng 9,5% của vận tải biển cho thấy sức phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này so với những năm gần đây.

Cải thiện hạ tầng giao thông, thúc đẩy sự tăng trưởng

Cang Hai Phong1-01.
Hàng hải Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực

Theo phân tích của Cục HHVN, hoạt động hàng hải tại cảng biển đang có hiện tượng quá tải bởi hàng hóa phân bổ không đều giữa các nhóm cảng và giữa các cảng biển trong nhóm.

Theo đó, nhóm cảng biển số 1 hiện đã quá tải. Tại nhóm cảng biển số 5, khu vực Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh có hiện tượng tắc nghẽn, trong khi một số cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải thiếu hàng, hoạt động cầm chừng. Để giải quyết tình trạng này cần cải thiện hạ tầng giao thông kết nối và các dịch vụ hỗ trợ để điều tiết hàng hóa trong các cảng biển thuộc nhóm cảng biển số 5, đồng thời đẩy nhanh tiến độ di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son.

Thực hiện chính sách cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, hiện Cục HHVN đang quản lý, cho thuê 4 bến cảng gồm: Cầu 5, 6, 7 cảng Cái Lân (Quảng Ninh), bến cảng ODA Thị Vải, bến cảng ODA Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) và bến cảng An Thới (Phú Quốc). Với chính sách này, Nhà nước sẽ thu hồi vốn đã bỏ ra để tái đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển.

Bên cạnh đó, trong năm 2015, Cục HHVN đã hoàn thành rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết các nhóm cảng  số 1, 2, 3, 4 và 6, trình Bộ GTVT phê duyệt nhằm quản lý có hiệu quả hệ thống cảng biển Việt Nam. Trong năm 2016, tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển phấn đấu đạt 470 triệu tấn (tăng 10% so với năm 2015), trong đó, hàng container tăng 11% đạt 13,3 triệu TEUs. Các chỉ tiêu tăng trưởng khác trong khai thác cảng biển phấn đấu tăng cao hơn so với năm 2015.

Ý kiến của bạn

Bình luận