Hàng hóa tại cảng Thốt Nốt, Cần Thơ. Ảnh: Hòa Hội. |
“Hiện dịch vụ và lượng hàng hóa qua các cảng của vùng ĐBSCL chỉ 20%, tương đương 9 triệu tấn/năm, còn lại 80% hàng hóa phải chuyển tiếp lên các cảng ở TPHCM và Đông Nam bộ bằng đường bộ”- ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết tại hội nghị thu hút đầu tư, kinh doanh logistics vùng ĐBSCL, diễn ra hôm qua, 9/1, tại Cần Thơ.
Ông Hiệp cho hay, chi phí vận chuyển còn quá cao, chiếm trên 20,9% GDP (bình quân chi phí này của thế giới chỉ khoảng 14% GDP). Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, 1/3 chuyến xe tải sau khi giao hàng thì quay về bằng xe không. “Đây là sự lãng phí rất lớn”- ông Hiệp nói.
Thiếu kết nối với thị trường xuất nhập khẩu
Theo ông Hiệp, hệ thống cảng phân tán, nhỏ lẻ trong khi thiếu sự đồng bộ trong vận hành giữa các phương thức vận tải đa phương tiện. Năng lực các cảng biển hiện nay còn rất hạn chế, quy mô cầu bến cảng, luồng tàu vào cảng thiếu đồng nhất về năng lực. Cầu trên các trục đường nối đến cảng bị hạn chế trọng tải, hệ thống dịch vụ logistics còn yếu kém, chưa hình thành trung tâm logistics, ít doanh nghiệp lớn chuyên về dịch vụ logistics hoạt động trên địa bàn. Thủ tục hành chính tại các cửa khẩu, bến cảng chưa được thuận lợi. Chất lượng nguồn nhân lực liên quan logicstics còn thấp. Cũng theo ông Hiệp, khả năng khai thác của Sân bay Quốc tế Cần Thơ còn hạn chế. “Nói là quốc tế nhưng chỉ khi Tết mới rước cháu ngoại và cô dâu Việt về nước thôi. Vấn đề này đặt ra nhiều suy nghĩ về phát triển logistics của vùng ĐBSCL” - ông Hiệp nói.
Đồng quan điểm với ông Trần Hữu Hiệp, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch VLA chỉ ra 3 thách thức lớn hiện nay của vùng ĐBSCL. Thứ nhất là đang đối mặt tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thách thức về nguồn nước sông Mê Kông; thứ hai có 37 cảng nhưng đều có quy mô nhỏ, chưa khai thác hiệu quả vận tải container đường thuỷ, chưa có quy hoạch trung tâm logistics để đóng vai trò kết nối lưu thông hàng hoá và thứ ba là thiếu đội ngũ nhân sự có chuyên môn.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nói rằng, trong vùng phần lớn đều là cảng tổng hợp địa phương, chủ yếu phục vụ nhu cầu luân chuyển hàng hóa trong nước cho các khu công nghiệp tại địa phương. Hàng hóa thông qua hệ thống cảng chủ yếu là hàng rời như nông sản, phân bón, xi măng, than đá phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện trong khu vực. Bên cạnh đó, sản lượng hàng hóa container thông qua hệ thống cảng này chiếm tỷ trọng thấp, khoảng 0,8-0,9% trong tổng lượng hàng container của cả nước. Tốc độ tăng trưởng hàng hóa container bình quân giai đoạn 2008-2013 là 11,28%/năm. Ông Hải cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu do thiếu kết nối giữa ĐBSCL với thị trường xuất nhập khẩu qua hệ thống luồng hàng hải, cảng biển. Đồng thời, khả năng liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp trong xây dựng, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics còn yếu.
Xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi
Theo Bộ Công Thương, dự báo lượng hàng qua cảng ĐBSCL từ nay đến 2030 là rất lớn, khoảng 25-28 triệu tấn/năm vào năm 2020 và từ 66,5 đến 71,5 triệu tấn/năm đến năm 2030. Điều đó cho thấy vùng ĐBSCL có nhu cầu rất cao trong đầu tư phát triển hoạt động logistics, cả về đầu tư cơ sở hạ tầng logistics cũng như phát triển doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, để phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển lưu thông, phân phối hàng hóa trong vùng và liên vùng, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu. Hiện cần đầu tư vào nhiều hạ tầng logistics mới như hệ thống trung tâm logistics vệ tinh, hệ thống cảng biển, cảng sông, cảng cạn (ICD), kho bãi, trong đó chú trọng phát triển các dịch vụ logistics cho các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của vùng như kho chuyên dùng, kho lạnh phục vụ hoạt động chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản.
Chủ trì hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ ngành liên quan tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan hiện hành để tiếp tục cụ thể hóa, sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm khắc phục những chồng chéo, chưa thống nhất; tiếp tục tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ logistics. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, hiện Thủ tướng Chính phủ đang xem xét phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương tập trung triển khai kế hoạch này sau khi được Thủ tướng phê duyệt. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan lập kế hoạch hành động chung của vùng về phát triển cơ sở hạ tầng logistics và dịch vụ logistics.Trong đó nghiên cứu đề xuất việc xây dựng quy hoạch phát triển logistics chung của vùng ĐBSCL trên cơ sở liên kết hài hòa với các địa phương, tiểu vùng và hành lang giao thông vận tải huyết mạch.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.