Tăng trưởng ở mức hai con số
Trong điều kiện cơ sở vật chất của ngành Hàng không còn “chật hẹp” thì thị trường HKVN năm 2018 vẫn tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định ở mức hai con số. Theo đó, sản lượng hành khách thông qua ước đạt 104 triệu lượt hành khách (tăng 10,4%) và sản lượng hàng hóa ước đạt 1,5 triệu tấn hàng hóa (tăng 8,9%) so với năm 2017. Vận chuyển của các hãng HKVN đạt trên 50 triệu hành khách (tăng gần 11%) và gần 410 nghìn tấn hàng hóa (tăng 28%) so với năm 2017.
Hiện tại, trên mạng lưới đường bay đi và đến Việt Nam có sự tham gia khai thác của 68 hãng hàng không nước ngoài từ 25 quốc gia/vùng lãnh thổ và 4 hãng HKVN là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific Airlines và VASCO. Tại thị trường quốc tế, 68 hãng hàng không nước ngoài và 3 hãng HKVN đang khai thác gần 130 đường bay quốc tế giữa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hải Phòng và 28 quốc gia/vùng lãnh thổ. Đối với thị trường nội địa, 4 hãng HKVN hiện đang khai thác 48 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh với 18 sân bay địa phương theo hệ thống mạng đường bay trục-nan, liên vùng, nội vùng rộng khắp toàn quốc.
Bên cạnh hoạt động thường lệ, các hãng HKVN và nước ngoài cũng mở rộng hoạt động khai thác thuê chuyến quốc tế theo từng thời điểm tới Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Thanh Hóa, Đồng Hới, đồng thời một số hãng hàng không Nga, Trung Quốc đang nghiên cứu mở đường bay quốc tế đến Đà Lạt, Tuy Hòa, Quy Nhơn và Vân Đồn trong năm 2019, phù hợp với chủ trương tăng cường khai thác các đường bay quốc tế tới các cảng hàng không quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là các cảng hàng không quốc tế mới được đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới.
Không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ
Từ sự cố gắng, nỗ lực của các cảng vụ hàng không và thực tiễn hoạt động của các hãng hàng không, Tổng công ty Cảng HKVN (ACV), các đơn vị cung cấp dịch vụ, có thể đánh giá chất lượng dịch vụ hàng không năm 2018 được duy trì và nâng cao so với năm 2017. Năm 2018, ACV đã tập trung xây mới, mở rộng và nâng cấp hạ tầng cảng hàng không, đầu tư trang thiết bị tại 21 cảng hàng không, nâng cấp dịch vụ và tiện ích cho hành khách, đặc biệt là hành khách là người khuyết tật. Các hãng HKVN cũng đã có những chuyển biến tích cực trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ với sự thay đổi, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, trong đó có việc duy trì tỷ lệ chuyến bay đúng giờ. Đặc biệt, năm 2018 Vietnam Airlines tiếp tục được nhận Chứng chỉ “Hãng hàng không 4 sao” cũng như sự đánh giá tích cực của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đối với chất lượng dịch vụ hạng Thương gia và hạng Phổ thông. Bên cạnh đó, Vietjet Air cũng đạt được sự tin tưởng của hành khách khi được vinh danh “Hãng hàng không được khách hàng lựa chọn nhiều nhất” do chương trình Tin & Dùng Việt Nam bình chọn.
Đối với công tác kiểm soát chậm, hủy chuyến, lãnh đạo Cục HKVN cho biết, Cục HKVN đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức đánh giá, phân tích các nguyên nhân, giải pháp tăng OTP nhằm giảm chậm, hủy chuyến. Đồng thời, Cục khuyến cáo các hãng hàng không xây dựng lịch bay với thời gian bay (block time) phù hợp theo cảng hàng không, giai đoạn cao điểm, thấp điểm; chỉ đạo các hãng hàng không đánh giá, chấn chỉnh tình trạng chậm, hủy chuyến trong những tháng có các chỉ số này tăng cao. Từ năm 2019, Cục quán triệt sẽ công bố thông tin về chậm, hủy chuyến của tháng trước chậm nhất vào ngày mồng 02 của tháng kế tiếp, đồng thời kịp thời đưa ra các khuyến cáo, chấn chỉnh khi có các bất thường.
An ninh, an toàn hàng không luôn là ưu tiên số 1
Năm 2018, lĩnh vực an ninh hàng không đã triển khai tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT. Do đó, công tác bảo đảm an ninh hàng không được giữ vững, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm 30/4, 2/9, các sự kiện chính trị, xã hội trong nước, các hoạt động đón tiễn các đoàn khách quốc tế đến tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN)...
Hoạt động kiểm soát chất lượng an ninh hàng không đã được triển khai đúng tiến độ, tuân thủ các thủ tục, quy trình, nội dung theo quy định của pháp luật, đồng thời có danh mục kiểm tra đầy đủ, chi tiết. Qua đó, lực lượng chức năng đã phát hiện các sơ hở, thiếu sót và khuyến cáo khắc phục kịp thời, hệ thống an ninh hàng không được đảm bảo. Tất cả các cảng hàng không, sân bay, hãng HKVN, hãng hàng không nước ngoài khai thác tại Việt Nam, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay đã xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, quy chế an ninh hàng không, được Cục HKVN phê duyệt, chấp thuận.
Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục HKVN cho biết: “Công tác đảm bảo an toàn hàng không luôn là nhiệm vụ quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong công tác quản lý nhà nước về hàng không dân dụng. Đối với những sự cố uy hiếp an toàn bay, Cục HKVN đã có chỉ đạo thực hiện quyết liệt, liên tục nhiều giải pháp liên quan đến công tác đánh giá, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác của các hãng hàng không, các cơ sở bảo dưỡng và đào tạo nhân viên hàng không. Đối với các sự cố nghiêm trọng (mức B) và sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C) xảy ra trong năm 2018, Cục HKVN đã khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp và các yếu tố ảnh hưởng nhằm đưa ra các biện pháp khắc phục, phòng ngừa; chú trọng đến giám sát công tác khắc phục sau khi xảy ra sự cố của các tổ chức, đơn vị”.
Rõ ràng, HKVN đang tiến những bước dài trên con đường phát triển và hội nhập. Những giá trị mà hàng không mang lại có ý nghĩa quan trọng cho một “quốc gia khởi nghiệp” như Việt Nam, ở đó có nhiệt huyết, lòng dũng cảm, sự quyết đoán và khát khao cống hiến, chinh phục. Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn đã hiện diện đầy thuyết phục và chúng ta tiếp tục chờ đón Cảng Hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai. Trên bầu trời HKVN mai đây sẽ có thêm nhiều cái tên mới, đó là tín hiệu vui nhưng cũng là thách thức đối với ngành HKVN.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.