Hậu Grab thâu tóm Uber: Taxi Việt tiếp tục lao đao!

Doanh nghiệp 26/08/2018 06:21

Sau khi Grab thâu tóm Uber, ngành taxi Việt không những không khởi sắc mà còn tiếp tục lao đao. Trong khi Vinasun vừa tiếp tục cắt giảm nhân sự, vừa chứng kiến lợi nhuận sụt giảm, thì Mai Linh phải tính đến phương án sáp nhập.

 

Hậu Grab thâu tóm Uber
Thương vụ Grab thâu tóm Uber được cho là có ảnh hưởng lớn tới thị trường vận chuyển hành khách.

Đầu quý 2 năm nay, thị trường rúng động trước thông tin Grab thâu tóm Uber. Thương vụ này được mổ xẻ ở nhiều khía cạnh như tính pháp lý và mức độ ảnh hưởng tới thị trường vận tải.

Tới nay, khi câu hỏi về tính pháp lý của thương vụ ‘‘thâu tóm’’ chưa có câu trả lời cuối cùng, dư luận đã nhìn ra viễn cảnh chung của ngành taxi thông qua những doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Vinasun vừa giảm nhân sự, vừa giảm lương thưởng

Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) là một trong các hãng taxi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ “cuộc đổ bộ” của taxi công nghệ cao. Trong năm 2017, Vinasun gây sốc khi sa thải gần 10.000 nhân viên. Đi cùng với đó là chi phí nhân công cắt giảm 1.000 tỷ đồng.

Sang quý 2/2018, bức tranh u ám vẫn tiếp diễn. Tại thời điểm 30/6/2018, Vinasun chỉ còn 7.021 người, giảm 96 người so với ngày 31/12/2017. Đà cắt giảm nhân sự này không sốc như năm 2017 nhưng cho thấy con đường hồi phục của ông lớn ngành taxi vẫn còn xa vời.

Trong năm qua, Vinasun đã “thắt lưng buộc bụng” tới mức tối đa vì vậy, trong kỳ các chi phí chính của hãng (chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp) vẫn dừng ở mức “đáy” 54 tỷ đồng và 35 tỷ đồng. Vinasun “gói ghém” chi phí ở mức khó có thể thấp hơn cũng không thể bù đắp được hao hụt quá lớn về doanh thu.

Doanh thu trong quý 2 của Vinasun chỉ đạt 530 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 810 tỷ đồng so với quý 2/2017, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 1.019 tỷ đồng, chỉ bằng già nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu cung cấp vận tải hành khách bằng taxi giảm từ 1.641 tỷ đồng xuống chỉ còn 439 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 1.202 tỷ đồng (73%).

Kết quả là lãi ròng của Vinasun tiếp tục lao dốc. Lợi nhuận sau thuế quý 2/2018 của hãng vỏn vẹn 13 tỷ đồng, giảm 33 tỷ đồng, tương ứng 72% so với quý 2/2017, lũy kế 6 tháng đạt 24 tỷ đồng, giảm 77 tỷ đồng, tương ứng 76% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả kinh doanh liên tục thụt lùi như vậy, Vinasun không còn dám chi 1 đồng nào cho quảng cáo. Ngoài ra, ngân sách dành cho lãnh đạo cũng phải co kéo. Trong kỳ, lương thưởng của Hội đồng Quản trị và Ban Tổng Giám đốc chỉ là 1,86 tỷ đồng. Trung bình, mỗi sếp Vinasun nhận được 109 triệu đồng/người/6 tháng, tương đương 18 triệu đồng/người/tháng.

Mai Linh rậm rịch sáp nhập

Trong khi Vinasun có bước đi lùi rõ nét, Mai Linh có bước lao dốc… rõ và mạnh hơn. Lợi nhuận giảm nhưng Vinasun vẫn chưa đến nỗi rơi vào tình cảnh thua lỗ. Mai Linh thì khác. Các công ty con và chính bản thân công ty mẹ giảm lợi nhuận hoặc phải gánh chịu những khoản thua lỗ không hề nhỏ.

Trong quý 1/2018, Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Trung gánh khoản thua lỗ 318 triệu đồng. Cùng kỳ năm ngoái, Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Trung lãi 3 tỷ đồng. Doanh thu sụt giảm từ 188 tỷ đồng xuống 126 tỷ đồng là nguyên nhân chính khiến Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Trung không giữ được lợi nhuận dương.

May mắn hơn Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Trung, Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Bắc (MLN) không thua lỗ nhưng vẫn phải chứng kiến lợi nhuận sụt giảm. Lợi nhuận sau thuế quý 1/2018 của Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Bắc chỉ đạt 5,2 tỷ đồng, giảm nhẹ từ mức 6,5 tỷ đồng hồi quý 1/2017.

Tuy nhiên, “thành tựu” nhỏ nhoi này của Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Bắc không hề bền vững. Lợi nhuận quý 1/2018 của Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Bắc chỉ có thể là con số dương khi chi phí tài chính bất ngờ được cắt giảm từ 14 tỷ đồng xuống gần 8 tỷ đồng. Chi phí tài chính “cứu” Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Bắc bởi trong kỳ doanh thu của hãng cũng giảm khá mạnh.

Trước những kết quả thê thảm này, Mai Linh phải tìm cách xoay xở. Phương án được đưa ra là sáp nhập. Cuối tháng 6 năm nay, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã chấp thuận việc hủy niêm yết cổ phiếu Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Trung để sáp nhập với Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Group).

Trước đó, Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Bắc cũng đã thông qua ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để hủy giao dịch cổ phiếu MLN trên sàn UpCOM ngày 29/6.

Sau khi tiến hành hợp nhất, Mai Linh Group, Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Bắc và Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Trung sẽ chuyển tòan bộ tài sản, quyền sở hữu và nghĩa vụ hợp pháp sang cho công ty hợp nhất và chấm dứt sự tồn tại của các công ty trên. Công ty cổ phần sau hợp nhất sẽ lấy tên là Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh và chuyển đổi mô hình kinh doanh từ truyền thống sang hiện đại, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng…

Ý kiến của bạn

Bình luận