Sở GTVT Khánh Hoà “cấm cửa” GrabCar người dân chịu thiệt. |
Trước những phát ngôn của ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hoà nhằm "cấm cửa" Grab tại địa phương các chuyên gia, đối tác tài xế và người dùng đưa ra với câu hỏi: Việc kiên quyết “cấm cửa” Grab trong quá trình thí điểm GrabCar tại địa phương có đi ngược với lợi ích kinh tế địa phương và nhu cầu mưu sinh chính đáng của các đối tác tài xế cũng như nhu cầu di chuyển tiết kiệm của người dùng Grab hay không?
Trong khi đó, doanh nghiệp tiếp tục “kêu trời” vì bị Sở GTVT Khánh Hoà “ngó lơ” khi không nhận được bất cứ công văn chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, thậm chí là thông báo từ Sở GTVT về các vi phạm tại địa phương…
Trong chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hoà bảo lưu quan điểm: “Nói không với Grab” vì theo vị lãnh đạo này, Grab không thực hiện báo cáo kết quả hoạt động; không có trụ sở và đại diện pháp lý hợp pháp tại Khánh Hòa để phối hợp với địa phương triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, từ phía doanh nghiệp, Grab cho biết chưa từng nhận được bất cứ công văn nào của Sở GTVT Khánh Hoà thông báo về các vi phạm theo như phát ngôn của lãnh đạo Sở GTVT. Về việc “không có trụ sở và đại diện pháp lý hợp pháp tại Khánh Hòa để phối hợp với địa phương triển khai thực hiện”, Grab cho rằng, Quyết định 24 của Bộ GTVT không có bất cứ yêu cầu bắt buộc nào là phải có chi nhánh tại địa phương triển khai thí điểm. Bên cạnh đó, Grab cũng đưa ra câu hỏi: Nếu địa phương có yêu cầu riêng như vậy, tại sao Sở GTVT tỉnh Khánh Hoà không đưa ra yêu cầu này để Grab thực hiện việc mở văn phòng chi nhánh để đảm bảo Sở GTVT cũng như các cơ quan quản lý chức năng có thể quản lý doanh nghiệp dễ dàng, đúng như mong muốn của địa phương.
Grab cũng chỉ ra rằng, trong thời gian họp với Bộ GTVT về triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng tại 5 thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hoà, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, các địa phương khác đều có những yêu cầu cụ thể cho doanh nghiệp để có thể cùng phối hợp triển khai nhanh nhất và hiệu quả nhất công tác thí điểm. Tuy nhiên, phía Sở GTVT tỉnh Khánh Hoà lại không hề có ý kiến gì cụ thể với Bộ GTVT về các yêu cầu đặc thù của Khánh Hoà với các doanh nghiệp tham gia thí điểm như Grab. Đồng thời, phía Grab cũng không nhận được yêu cầu đặc biệt nào từ Sở GTVT Khánh Hoà để doanh nghiệp có thể chủ động cung cấp thông tin, phối hợp triển khai thí điểm tại tỉnh Khánh Hoà như các địa phương khác.
Với vai trò là doanh nghiệp tiên phong đưa ra đề án và xin phép Chính phủ, Bộ GTVT triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, Grab cũng khẳng định, đơn vị đã, đang và sẽ luôn nỗ lực thực hiện cam kết đầu tư lâu dài tại Khánh Hoà nói riêng và thị trường Việt Nam nói chung. Doanh nghiệp luôn sẵn sàng lắng nghe mọi chỉ đạo của Sở GTVT tỉnh Khánh Hoà nói riêng và các cơ quan ban quản lý nói chung để hoàn tất trách nhiệm của doanh nghiệp như cam kết trong đề án thí điểm với Chính Phủ Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp cũng mong muốn được chỉ đạo công bằng, cởi mở, khách quan từ phía Sở GTVT tỉnh Khánh Hoà, để giúp doanh nghiệp có cơ hội nhanh chóng đưa GrabCar vào hoạt động rộng rãi, đúng pháp luật nói chung và quy định của địa phương nói riêng.
Theo anh Nguyễn Thắng, một đối tác tài xế GrabCar thì khách nước ngoài đa phần không biết tiếng Việt nhưng họ đã quen với ứng dụng nổi tiếng như Grab và dễ dàng tra địa điểm đến trên ứng dụng để biết rõ giá tiền cụ thể nên họ an tâm đặt xe. “Từ ngày đăng ký với HTX chạy them GrabCar, an hem tài xế tụi tôi bớt lo thiếu doanh thu. Vì lượng khách biết Grab, dung ứng dụng này nhiều, nhất là du khách nơi khác đến. Họ đi xe công nghệ quen rồi, lại yên tâm vì an toàn nên hay book xe qua app. Anh em tài xế có cơ hội gia tăng thu nhập nên tôi thấy thật khó hiểu khi Sở GTVT cho thí điểm trên các ứng dụng ít khách khác mà lại “nói không” với Grab. Cấm cửa Grab rồi có ai lo đời sống chúng tôi ra sao không. Thật không hiểu nổi.”, anh Thắng bức xúc đặt câu hỏi.
Nhìn nhận từ góc độ phát triển kinh tế du lịch, Luật sư Nguyễn Văn Thành - Tổng Thư ký Hiệp hội du lịch Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa lại đưa ra đánh giá khá tích cực về giá trị của dịch vụ xe công nghệ trong công cuộc thúc đẩy du lịch địa phương. Ông Thành cho rằng: “Đối với ngành du lịch, sự hài lòng của du khách là điều quan trọng nhất. Việc có thêm dịch vụ đặt xe công nghệ với hình thức hợp đồng điện tử cũng như các dịch vụ khác trên nền tảng thương mại điện tử là rất quan trọng trong thời hiện đại, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch. Hiệp hội du lịch hoàn toàn là ủng hộ mô hình di chuyển mới này và thấy rằng, xã hội cần thiết phải ghi nhận và ủng hộ xe công nghệ để gia tăng thêm sự hài lòng của du khách trong nước và quốc tế khi đến Nha Trang, Khánh Hoà. Di chuyển với xe công nghệ cũng làm cho du khách thấy được chất lượng dịch vụ du lịch qua phương tiện vận chuyển văn minh, minh bạch về lộ trình, giá cả và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh”.
Chị Hải Yến, một người dân địa phương tại Nha Trang cũng cho biết: “Chi phí di chuyển với loại hình này cũng khá tiết kiệm so với đi taxi nên mình có thể di chuyển thường xuyên hơn. Mình đi lại thuận lợi, tiết kiệm mà còn gia tăng công ăn việc làm cho người khác thì cũng nên chọn. Tôi không hiểu sao phía Sở GTVT tỉnh Khánh Hoà lại “cấm cửa” dịch vụ này? Nó chẳng khác gì đi ngược với thời đại, triệt tiêu các giá trị, lợi ích tiêu dùng và bỏ mặc nhu cầu di chuyển của người dân”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.