Hiểm họa từ lấn chiếm quốc lộ

Ý kiến phản biện 04/07/2015 10:30

Nhiều vụ tai nạn thương tâm liên tiếp xảy ra gần đây do xe tải, xe ben mất lái lao vào nhà dân. Bên cạnh những nguyên nhân như chất lượng phanh xe, tài xế..., không thể bỏ qua mối nguy đã tồn tại lâu nay: nhà dân xây sát đường, hay lấn chiếm quốc lộ, vi phạm nghiêm trọng an toàn giao thông.

5b3170215dimg_0512_ygdw
Cơ sở vá vỏ ô tô chiếm lòng QL1 làm bãi đậu xe để hành nghề

Ngồi trong nhà cũng bị… xe tông

Mới đây, ngày 31.5, xe tải Howo biển kiểm soát 38C - 054.65 lưu thông trên QL1 hướng nam - bắc, khi qua thị trấn Diễn Châu (Nghệ An) đã tông vào đuôi ô tô 12 chỗ biển 29B-090.24. Cú tông mạnh đẩy ô tô 12 chỗ lao lên vỉa hè và cả 2 xe đâm vào nhà dân ven quốc lộ khiến hai người bị thương nặng phải đi cấp cứu.

Trước đó, ngày 21.5 tại TP.HCM, xe ben biển số 54T - 0996 chạy trên cầu Nhị Thiên Đường hướng từ Q.8 đi Q.5, khi đổ dốc cầu bị lạc tay lái về bên phải, đâm thẳng vào nhà dân bên đường. Căn nhà đổ sập, nhiều người trong nhà bị xe tông dẫn đến 2 người chết tại chỗ, 3 người bị thương.

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều vụ tai nạn khi người dân ngồi trong nhà - nơi tưởng an toàn nhất - cũng bị xe tông chết hoặc bị thương. Khảo sát thực tế cho thấy, việc các phương tiện mất lái, mất phanh… rất dễ lao thẳng vào nhà dân do nhiều ngôi nhà, công trình dân sinh nằm sát đường giao thông, kể cả quốc lộ (QL), thềm nhà cũng chính là lòng đường.

Mở cửa nhà là ra lòng đường

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, cho biết theo quy định phạm vi hành lang ATGT cách chân đường 7 m, nhưng hiện tình trạng nhà dân sát rạt chân đường rất phổ biến tại các QL, kể cả những tuyến huyết mạch. Xung quanh việc đảm bảo an toàn hành lang giao thông, Chính phủ đã nhiều lần có kế hoạch nhưng chưa thực hiện được bởi kinh phí quá lớn. Qua rà soát cách đây khoảng 5 năm cho thấy nhu cầu kinh phí để giải tỏa đã lên tới hơn 13.000 tỉ đồng, nhưng tới nay vẫn chưa thể triển khai do chưa có vốn. 

Tại Phú Yên, QL1A đi qua nhiều khu dân cư của các huyện Đông Hòa, Tuy An, TX.Sông Cầu và TP.Tuy Hòa. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hiện có hàng ngàn căn nhà nằm sát QL1A sau khi dự án nâng cấp mở rộng QL này được triển khai. Nhà ông Nguyễn Văn Hiếu ở thôn Bàn Thạch (xã Hòa Xuân Tây, H.Đông Hòa) nằm sát QL1A nên gia đình không khỏi bất an. “Trước đây, nhà tôi nằm cách xa đường 4 m, nhưng sau 2 lần mở rộng nâng cấp QL giờ nhà nằm sát đường. Mở cửa ra thì gặp đường ngay nên rất nguy hiểm, đặc biệt là trẻ nhỏ. Rủi mà xe lao vào nhà thì cũng chịu”, ông Hiếu lo lắng.

Trong khi đó, nhiều hộ dân sống trên QL1A gần những khúc cua cũng lo ngay ngáy. Ông Nguyễn Bảy, ở thị trấn Hòa Vinh (H.Đông Hòa) nói: “Chỉ cần xe ô tô nổ lốp trước thì xe lao vào nhà ngay. Hậu quả sẽ không thể nào lường hết được”. Cũng từ khi mở rộng, nâng cấp QL1A, nhiều tuyến đường dân sinh nối QL này bị khuất tầm nhìn rất nguy hiểm. “Bây giờ, đường vào thôn Bàn Thạch có độ dốc cao nhưng tầm nhìn bị che khuất nên phương tiện lưu thông trên tuyến này khi ra QL rất dễ xảy ra tai nạn. Đặc biệt là những lúc tan trường”, ông Hiếu nói.

Khắp nơi lấn chiếm quốc lộ

Theo Tổng cục Đường bộ VN, tình trạng nhà dân nằm trong hành lang ATGT có nhiều nguyên nhân, một phần do lịch sử để lại. Tuy nhiên, phần quan trọng khác là các vi phạm mới, trong đó chủ yếu là vai trò quản lý nhà nước của địa phương yếu kém, buông lỏng khiến người dâm bám vào mặt đường sinh sống, kinh doanh.

Thực tế, tình trạng vi phạm, lấn chiếm nghiêm trọng hành lang ATGT tại nhiều địa phương đã không được xử lý. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trên QL1 đoạn từ Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM hướng về chợ đầu mối Thủ Đức (thuộc Q.Thủ Đức, TP.HCM và TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương), hàng loạt điểm kinh doanh vá vỏ ô tô dọc hai bên đường hoạt động cả ngày lẫn đêm, lấn chiếm cả phần đường dành cho xe gắn máy lưu thông làm nơi đậu xe ô tô để thay vá vỏ xe. Phần lề đường, các cơ sở này dùng làm mặt bằng dựng bảng hiệu, chất vỏ xe thành những chồng cao gần 3 m. Theo nhiều người dân địa phương, tình trạng này tồn tại đã nhiều năm qua, gây mất ATGT, nhưng chưa thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra xử lý kiên quyết.

5b3170215dimg_0500_1_gmsi
Chợ công nhân tự phát, hoạt động trái phép trước cổng KCX Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM

Thậm chí, đoạn QL1 từ cổng KCX Linh Trung đến cầu vượt Linh Xuân (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) còn hình thành cả một khu chợ công nhân tự phát hoạt động từ khoảng 16 giờ đến tối, hàng hóa vô tư bày bán tràn xuống lòng đường. Lúc tan ca, hàng nghìn công nhân từ KCX đổ ra, dựng xe ngay dưới lòng đường để mua hàng, cũng là lúc lưu lượng phương tiện như ô tô, xe container… lưu thông dày đặc, mất ATGT nghiêm trọng. Tương tự, tuyến QL22, từ ngã tư An Sương (Q.12) đi H.Củ Chi và tỉnh Tây Ninh; QL13 đoạn từ ngã tư cầu vượt Bình Phước vào Bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh) hiện nay hành lang giao thông cũng bị lấn chiếm đủ kiểu, từ buôn bán hàng rong, làm bãi giữ xe, dựng biển hiệu, pano quảng cáo, đến làm bãi đổ vật liệu xây dựng trái phép...

"Chỉ cần ô tô nổ lốp trước thì xe lao vào nhà ngay. Hậu quả sẽ không thể nào lường hết được"

             Ông Nguyễn Bảy, thị trấn Hòa Vinh (H.Đông Hòa, Phú Yên)

Tại Kon Tum, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chánh thanh tra Sở GTVT, cho hay từ năm 2013 đến hết tháng 5.2015, đơn vị đã phát hiện 783 trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ. Ngoài việc phối hợp chính quyền địa phương đi vận động tháo dỡ, Thanh tra giao thông đã lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển giao cho UBND các huyện, xã ra quyết định xử phạt 441 trường hợp, còn lại có 315 trường hợp tự tháo dỡ vật kiến trúc xây dựng lấn chiếm. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, đến nay UBND các cấp xử phạt rất ít, lại kéo dài nhiều năm nên chưa có chuyển biến tốt hơn.

Tại tỉnh Bình Định, tình trạng các hộ kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường trên QL19, đoạn từ ngã tư cầu Gành (nơi giao nhau giữa QL1A và QL19) về đến cảng Quy Nhơn, ngày càng nghiêm trọng. Điểm nóng là đoạn từ Km 13+00 đến Km 15+180, thuộc xã Phước Lộc (H.Tuy Phước), nơi có nhiều hộ dân trưng bảng hiệu bán nem chua và các loại thực phẩm lấn ra sát lề đường. Tháng 10.2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản yêu cầu UBND H.Tuy Phước tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các mái hiên, tường rào, cổng ngõ và các vật kiến trúc khác mà các hộ dân đã tự ý xây dựng trong phạm vi hành lang bảo vệ QL19. Tỉnh cũng yêu cầu chính quyền huyện, xã thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra xử lý các hộ dân tự ý san lấp mặt bằng đấu nối vào QL19, lấn chiếm hành lang bảo vệ QL19… Nhưng đến nay, tình trạng lấn chiếm lòng lề QL19 ở Phước Lộc vẫn tiếp tục diễn ra.

Có thể nói, tình trạng lấn chiếm QL đang diễn ra ở khắp mọi nơi bất chấp nguy hiểm đến tính mạng con người.

Ý kiến của bạn

Bình luận