Hiện trạng và giải pháp cải tạo nút giao thông khu vực nội thành Hà Nội

Diễn đàn khoa học 26/11/2013 15:42

Abstract: It is necessary that the transportation system of the Ha Noi capital be ensured to be smoothly circulated and highly connected with the transportation system of the region and country. The clearance and traffic coordination in the city and the gateways to the road or on the belts depends much on the intersections, especially arterial intersections. In the following writing, the author will analyze the current situation of the available intersections in conjunction with the planned road network so as to propose the layout and type of intersections in the city of Hanoi.


ThS. BÙI THỊ THU HUYỀN
Đại học Thủy Lợi
Tóm tắt: Hệ thống giao thông của Thủ đô Hà Nội cần được đảm bảo thông suốt và kết nối cao với hệ thống giao thông chung của khu vực cũng như quốc gia. Việc giải tỏa và điều phối lưu lượng giao thông trong nội thành và các cửa ngõ ra vào hay trên các tuyến đường vành đai phụ thuộc rất nhiều vào các nút giao thông, đặc biệt là các nút giao thông huyết mạch. Trong bài viết này, tác giả sẽ phân tích hiện trạng nút giao sẵn có kết hợp với mạng lưới đường quy hoạch để đề ra các nguyên tắc tổ chức nút giao thông và loại hình nút nội thành Hà Nội.Từ khóa: Hà Nội, nút giao thông, ùn tắc giao thông, đường đô thị.

Key words: Ha Noi, intersection, traffic jam, urban roads.

Mạng lưới đường bộ khu vực Hà Nội được cấu thành bởi các trục đường giao thông liên tỉnh là những quốc lộ hướng tâm có dạng nan quạt và các trục đường đô thị bao gồm các đường vành đai, các trục chính đô thị và các đường phố. Chính vì vậy, Hà Nội có một mạng lưới các nút giao thông dày đặc với nhiều loại hình khác nhau.

Căn cứ vào loại hình nút, nút giao thông trong đô thị trung tâm thủ đô Hà Nội chia làm hai loại:

-       Nút giao cùng mức: Là nút giao phổ biến ở Thủ đô, các nút giao này có năng lực thông hành thấp, nhiều nút giao chưa có pha đèn để tách riêng dòng xe rẽ trái, chưa có đủ làn chờ. Hệ thống đèn tín hiệu hoạt động riêng lẻ tại mỗi vị trí lắp đặt, chưa có sự quản lý, điều hành tự động một cách tổng thể phối hợp điều tiết giữa các nút giao căn cứ theo quan sát tình hình giao thông thực tế nên chưa tối ưu hóa được việc di chuyển của dòng xe. Do vậy, tại vị trí các nút giao này thường xuyên xảy ra ùn tắc với mật độ cao như nút giao Trường Trinh – Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch – Chùa Bộc, Tôn Đức Thắng – Nguyễn Lương Bằng, Đê La Thành (từ ngã tư Ô Chợ Dừa đến Giảng Võ)…

-       Nút giao khác mức: toàn thành phố Hà Nội có hơn 1000 nút giao nhưng chỉ có khoảng 10% là nút giao khác mức. Để giải quyết bài toán giảm ùn tắc giao thông, trong những năm gần đây, Hà Nội đã xây dựng nhiều nút giao khác mức và bước đầu đã đạt được một số hiệu quả nhất định.

Căn cứ vào vị trí các nút giao thông có thể phân thành:

-       Mạng lưới các nút giao thông nằm trong các khu phố cổ, phố cũ. Đây là khu vực có mật độ nút và mặt bằng các nút ổn định với mật độ khoảng 100m/nút (mạng lưới bàn cờ), trong đó các nút quan trọng được lắp đặt đèn tín hiệu, vận tốc xe đi trong khu vực này chỉ đạt trung bình 20km/h. Trong khu vực này tình trạng ách tắc giao thông đô thị không nghiêm trọng như các khu vực cửa ô do có mật độ đường cao, phân bố đồng đều. Tuy nhiên, vẫn xảy ra ách tắc tại một số nút như ngã năm Hàng Bông – Cửa Nam, nút Lê Duẩn – Khâm Thiên…

-       Mạng lưới các nút nằm trên các đường vành đai, các trục hướng tâm, các cửa ô và khu vực đô thị hóa. Các nút này được xây dựng từ năm 1954 trở lại đây. Thực tế cho thấy tất cả các nút nằm trên đường vành đai như vành đai 1: nút Kim Liên – Ô Chợ Dừa, nút Láng Hạ – Giảng Võ… vành đai 2: nút ngã tư Vọng…, vành đai 3: nút Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi… luôn trong tình trạng quá tải và thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc giao thông vào giờ cao điểm cũng như ở các giờ khác. Để giải quyết vấn đề này, Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai xây dựng cầu vượt nhẹ tại một số nút giao quan trọng khi mà hệ thống vận chuyển hành khách công cộng khối lượng lớn chưa thể đưa vào khai thác. Với tổng mức đầu tư gần 2000 tỷ đồng, 7 cây cầu vượt nhẹ đã đưa vào sử dụng tại các nút giao thông trọng điểm bước đầu đã phát huy tác dụng, làm giảm thiểu ùn tắc và phương tiện lưu thông được thuận lợi. Tuy nhiên, vấn đề này cần được xem xét tổng thể mối quan hệ để có giải pháp trên toàn hệ thống, tránh tình trạng giải quyết được vị trí này lại gây ách tắc cho vị trí khác. Việc xây dựng các cây cầu cũng đang tồn tại một số nhược điểm về mặt gắn kết lưu thông giữa cầu và các tuyến đường xung quanh chưa hợp lý, dẫn đến ùn tắc ở các điểm kế cận. Điển hình như cầu vượt ở tuyến đường Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt có kết nối giữa các tuyến chưa hợp lý đã tạo ra ùn tắc ở một số điểm tại các tuyến phố sát bên.

Quy chuẩn Việt Nam về quy hoạch xây dựng QCXDVN 01:2008/BXD quy định chỗ giao nhau giữa các đường đô thị được tổ chức như sau:

-       Đường cao tốc, đường trục chính, đường chính cấp đô thị với đường đô thị khác phải giao nhau ở khác độ cao.

-       Ở vị trí quan trọng, đường cao tốc và đường chính cấp đô thị với đường phố liên khu vực và đường vận tải phải giao nhau ở khác độ cao. Ở hướng phụ cho phép các luồng giao thông cắt nhau.

-       Các loại đường khác cho phép tổ chức giao thông ở cùng độ cao.

Trên cơ sở đó, nguyên tắc tổ chức giao thông tại các nút giao của Thủ đô Hà Nội được đề xuất trong Bảng 1.

Bảng 1. Nguyên tắc tổ chức giao thông

Cấp đường

Đường cao tốc

Đường trục chính đô thị

Đường trục đô thị

Đường liên khu vực

Đường cao tốc

Khác mức

(liên thông)Khác mức

(liên thông)Khác mức

(liên thông)Khác mức

(trực thông)

Đường trục chính đô thị

Khác mức

 

(liên thông)Cùng mức điều khiển bằng đèn tín hiệu hoặc khác mức (trực thông)Cùng mức điều khiển bằng đèn tín hiệu hoặc khác mức (trực thông)Cùng mức điều khiển bằng đèn tín hiệu hoặc khác mức (trực thông)

Đường trục đô thị

Khác mức

 

(liên thông)Cùng mức điều khiển bằng đèn tín hiệu hoặc khác mức (trực thông)Cùng mức điều khiển bằng đèn tín hiệu hoặc khác mức (trực thông)Cùng mức điều khiển bằng đèn tín hiệu hoặc khác mức (trực thông)

Đường liên khu vực

Khác mức

 

(trực thông)Cùng mức điều khiển bằng đèn tín hiệu hoặc khác mức (trực thông)Cùng mức điều khiển bằng đèn tín hiệu hoặc khác mức (trực thông)Cùng mức điều khiển bằng đèn tín hiệu

Quyết định số 90/2008/QĐ-TTg ngày 09 tháng 07 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 định hướng về nút giao thông như sau: Cải tạo và xây dựng mới 46 nút giao lập thể trên các đường vành đai và trục chính đô thị chưa kể một số nút giao lập thể phát sinh khi xây dựng các đường cao tốc song hành, trong đó trên vành đai 2 và vành đai 3 có 24 nút (bao gồm cả trục đường cao tốc Ninh Hiệp – Đường Yên – Đồng Xuân – Nội Bài), vành đai giao thông đối ngoại có 18 nút, còn lại là các nút giao lập thể trên các đường trục chính đô thị. Cải tạo và mở rộng khoảng 150 nút trong nội đô.

Các nút giao trong nội đô từ vành đai 1 trở vào thực hiện theo quy hoạch mạng lưới giao thông các Quận đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt.

Các nút giao từ vành đai I trở ra quy hoạch thành các loại nút giao cùng mức và nút giao lập thể như sau:

-            Nút giao cùng mức: được áp dụng cho các nút giao trong những khu phố cổ, khu phố cũ. Tại những khu vực này không cải tạo loại hình nút mà chỉ cải tạo về mặt tổ chức giao thông như lắp đặt đèn tín hiệu, bố trí các đảo dẫn hướng. Đặc biệt, để tăng khả năng thông qua của nút có thể nghiên cứu sử dụng điều khiển nút có chu kỳ đèn thay đổi phù hợp với lưu lượng xe (với các nút đơn) và điều khiển theo làn sóng xanh, tức là hệ thống đèn trên một trục đường được nối về trung tâm điều khiển sao cho các xe trên trục luôn luôn gặp đèn xanh trên các nút và tổng thời gian chờ của các xe trên các trục đường phụ luôn là nhỏ nhất.

-            Nút giao lập thể: được áp dụng cho các nút là giao của các cao tốc đô thị, một số đường trục chính, đường vành đai.

Các nút giao lập thể ở nội thành được thống kê trong Bảng 2.

Bảng 2. Các nút giao lập thể nội thành Hà Nội

STT

Tên nút giao

Mô tả

Nút giao trên trục Đông Tây và trục đê Hữu Hồng

1

Nút nam Chương Dương

Là nút giao dạng hình xuyến giữa đường đầu cầu Chương Dương phía nam và đường Trần Nhật Duật

2

Nút hầm Trần Hưng Đạo

Giao giữa đê Hữu Hồng và đường Trần Hưng Đạo

3

Nút Kim Liên

Giao giữa đường Giải Phóng – Đại Cồ Việt – Đào Duy Anh

4

Nút Ô Chợ Dừa

Giao giữa đường Tôn Đức Thắng – Đê La Thành – Nguyễn Lương Bằng – Khâm Thiêm

5

Nút Nguyễn Chí Thanh – La Thành

Giao giữa đường La Thành – Nguyễn Chí Thanh

Nút giao trên đường Vành đai II

6

Nút Vĩnh Ngọc

Nút giao giữa Quốc lộ 5 kéo dài với đường đầu cầu Nhật Tân

7

Nút Đông Hội

Nút giao giữa Quốc lộ 5 kéo dài với đường dẫn cầu Tứ Liên

8

Nút Cầu Chui

Nút giao giữa Quốc lộ 5 kéo dài với Quốc lộ 1A cũ và tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn

9

Nút Sài Đồng

Nút giao giữa quốc lộ 5 kéo dài với đường đầu cầu Vĩnh Tuy

10

Nút nam cầu Vĩnh Tuy

Nút giao giữa đường đầu cầu Vĩnh Tuy và đê Hữu Hồng

11

Nút Ngã Tư Vọng

Nút giao giữa đường Giải Phóng – Trường Trinh – Đại La

12

Nút Ngã Tư Sử

Giao giữa đường Tây Sơn–Nguyễn Trãi–Láng–Trường Trinh

13

Nút Láng Hạ – Láng

Nút giao giữa đường Láng – Láng Hạ

14

Nút Nguyễn Chí Thanh – Láng

Nút giao giữa đường Láng – Nguyễn Chí Thanh

15

Nút Cầu Cót – Láng

Giao giữa đường Láng và đường trên cao dự kiến

16

Nút Cầu Giấy

Nút giao giữa đường Láng – Bưởi – Cầu Giấy

17

Nút Bưởi

Nút giao giữa đường Cầu Giấy – Nhật Tân với đường Hoàng Quốc Việt kéo dài

18

Nút tây Hồ Tây – Lạc Long Quân

Nút giao giữa trục tây Thăng Long và đường Lạc Long Quân

19

Nút Nam Nhật Tân

Nút giao giữa đường dẫn cầu Nhật Tân và đê Hữu Hồng

20

Nút Bắc Nhật Tân

Nút giao giữa đường dẫn cầu Nhật Tân và đê Tả Hồng

Nút trên Vành đai III

21

Nút Quang Minh

Nút giao giữa đường Vành đai III và đường Bắc Thăng Long – Nội Bài

22

Nút Mê Linh

Nút giao giữa trục trung tâm Mê Linh và đường Bắc Thăng Long – Nội Bài

23

Nút Nam Hồng

Nút giao giữa đường Nam Hồng và đường Bắc Thăng Long – Nội Bài

24

Nút Vân Trì

Nút giao giữa Bắc Thăng Long – Nội Bài với trục Phù Đổng – Yên Viên – Việt Hùng – Vân Nội – Tiền Phong – Đại Thịnh

25

Nút Kim Chung

Nút giao giữa Quốc lộ 5 kéo dài và đường Bắc Thăng Long – Nội Bài

26

Nút Bắc Thăng Long

Nút giao giữa đê Tả Hồng và đường Bắc Thăng Long – Nội Bài

27

Nút Đông Ngạc – Nam Thăng Long

Nút giao giữa đê Hữu Hồng và đường Bắc Thăng Long – Nội Bài

28

Nút Cổ Nhuế

Nút giao giữa đường Bắc Thăng Long – Nội Bài với đường phố chính khu vực cấp 2 thuộc khu đô thị mới Tây Hồ Tây

29

Nút Hoàng Quốc Việt

Nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt kéo dài và vành đai III

30

Nút Mai Dịch

Nút giao giữa Quốc lộ 32 và vành đai III

31

Nút Mễ Trì – Phạm Hùng

Nút giao giữa đường Phạm Hùng với đường Phú Đô – Yên Hòa

32

Nút Trung Hòa

Nút giao giữa đường Láng – Hòa Lạc với vành đai III

33

Nút Thanh Xuân

Nút giao giữa đường Nguyễn Trãi và đường Vành đai III

34

Nút Đại Kim

Giao giữa đường Tôn Thất Tùng và đường Nguyễn Xiển

35

Nút Pháp Vân

Nút giao giữa Quốc lộ 1A cũ với đường vành đai III

36

Nút Yên Sở

Nút giao giữa đường Tam Trinh với đường vành đai III

37

Nút Lĩnh Nam

Nút giao giữa đường đê Hữu Hồng với đường vành đai III

38

Nút Cự Khối

Nút giao giữa đường đê Tả Hồng với đường vành đai III

39

Nút Thạch Bàn

Nút giao giữa đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường vành đai III

40

Nút Cổ Bi

Nút giao giữa Quốc lộ 1A mới với đường vành đai III

41

Nút bắc Phù Đổng

Nút giao giữa đường vành đai III với trục Phù Đổng – Yên Viên – Việt Hùng – Vân Nội – Tiền Phong – Đại Thịnh

42

Nút nam Phù Đổng

Nút giao giữa đường vành đai III với trục Cổ Bi – Việt Hùng – Cổ Loa – Vân Nội

43

Nút Ninh Hiệp

Nút giao giữa đường vành đai III với đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn

44

Nút Đình Bảng – Yên Viên

Nút giao giữa đường vành đai III với Quốc lộ 1A cũ và tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn

45

Nút Việt Hùng

Nút giao giữa đường vành đai III với đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên

46

Nút Quốc lộ 3

Nút giao giữa đường vành đai III với Quốc lộ 3

47

Nút Bắc Hồng

Nút giao giữa đường vành đai III với cao tốc Nhật Tân – Nội Bài.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Trung tâm nghiên cứu phát triển bền vững (CSDP), chi phí tăng thêm do tiêu hao nhiên liệu và lãng phí công lao động vì ùn tắc giao thông ở nội thành Hà Nội khoảng 36,4 tỷ VNĐ/ngày (tức 12.812 tỷ VNĐ/năm).

Xây dựng các nút giao lập thể là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, góp phần quan trọng phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.

Tài liệu tham khảo

[1]. Quy chuẩn Việt Nam về quy hoạch xây dựng QCXDVN 01:2008/BXD.

[2]. Tiêu chuẩn Thiết kế nút giao thông đường ô tô.

[3]. Quyết định số 90/2008/QĐ-TTg ngày 09 tháng 07 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020.

[4]. Quy hoạch phát triển GTVT Thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 tầm nhìn 2030.

[5]. Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

[6]. Đường đô thị và tổ chức giao thông, PGS. TS. Bùi Xuân Cậy, NXB. GTVT, 2006.

[7]. Quy hoạch và Thiết kế công trình đô thị, GS. TSKH. Nguyễn Xuân Trục, NXB. Giáo Dục, 2011.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận