Cầu vượt Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Internet |
Cây cầu vượt lắp ghép đầu tiên được xây dựng ở các ngã tư trọng điểm đang ùn tắc đó chính là nút giao thông Láng Hạ - Thái Hà. Cầu vượt trên phố Láng Hạ, dài 189 m, gồm 8 nhịp dầm thép liên tục, tổng vốn đầu tư hơn 67 tỷ đồng. Cầu cao 4,75 m, rộng 9 m với 2 làn ôtô, 2 làn xe máy, cho phép xe dưới 3 tấn lưu hành với vận tốc 40 km/h.
Cây cầu vượt lắp ghép thứ hai được xây dựng tại ngã tư Chùa Bộc - Tây Sơn, dài 249 m, gồm 8 nhịp dầm thép liên tục, với tổng mức đầu tư 65,5 tỷ đồng. Cầu vượt Tây Sơn cũng cao 4,75 m, rộng 9 m với 2 làn ôtô, 2 làn xe máy, cho phép xe dưới 3 tấn lưu hành với vận tốc 40 km/h.
Tuy nhiên, khi mới đưa vào sử dụng không ít ý kiến còn nghi ngại về chất lượng, thẩm mỹ và hiệu quả của những những cây cầu này. Tôn trọng ý kiến của nhân dân và trả lời nhân dân bằng hành động thực tiễn. Sau 3 tháng thi công, vào ngày 26/4/2012, Hà Nội đón sự kiện hai cây cầu vượt lắp ghép đầu tiên đã thông xe tại Tây Sơn - Chùa Bộc và Láng Hạ - Thái Hà khiến cho các ngã tư này thông thoáng, cảnh ùn tắc đột nhiên “biến mất” như có phép mầu.
Tiếp nối những công trình cầu vượt lắp ghép, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục cho xây thêm 3 cây cầu vượt nữa tại các nút giao thông Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân và Bạch Mai - Lê Thanh Nghị. Tiếp sau đó, nhiều dự án cầu vượt lắp ghép tiếp nối nhau như cầu vượt tuyến đường Vành đai I đoạn Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái, nút giao Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân, nút giao thông Ô Chợ Dừa, tuyến đường vành đai I đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu và đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục, nút giao thông Cầu Giấy… Không những giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông tại các ngã tư trong Thành phố, cầu vượt còn giải quyết được sự ùn tắc tới các tuyến đường ra ngoại thành như tuyến đường vành đai I, Vành đai III....
Theo UBND Thành phố, việc xây dựng các cầu vượt lắp ghép chỉ là một trong nhiều giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông. Song song với việc triển khai thực hiện các cầu vượt lắp ghép, UBND Thành phố chỉ đạo Sở Giao thông vận tải thường xuyên phối hợp với Liên ngành để phân luồng, tổ chức giao thông, đảm bảo giao thông trên địa bàn Thành phố.
Có thể nói, trong 5 năm qua, cầu vượt lắp ghép đã trở thành cứu cánh cho giao thông của thành phố Hà Nội, điều đó cũng nói lên hướng đi đúng đắn của lãnh đạo Thành phố trong việc đưa ra các giải pháp cải thiện giao thông nội đô.
Anh Nicolas, một khách du lịch nước ngoài đã mang máy ảnh đi chụp khắp các cây cầu vượt ở Hà Nội với sự thích thú. Anh nói: “Hà Nội nhỏ bé nhưng có nhiều cầu vượt, Tôi thích những cây cầu vượt ở Hà Nội vì mỗi buổi sáng sớm trông chúng như những chiếc cầu vồng mọc lên dưới ánh mặt trời”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.