Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 dự kiến được xây dựng (phần màu đỏ). Ảnh: Phạm Hùng |
Thêm lời giải cho bài toán giãn dân
Trong số 6 cây cầu nêu trên, cầu Trần Hưng Đạo được kỳ vọng góp thêm một lời giải cho bài toán giãn dân khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm) hóc búa lâu nay. Theo các chuyên gia, giải pháp duy nhất để khắc phục tình trạng quá tải hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cũng như để bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ được xác định là giãn dân cơ học. Trong Dự thảo Đề án giãn dân phố cổ, UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã đề xuất sử dụng quỹ nhà tái định cư thuộc khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên). Tuy nhiên, do cách xa nơi ở cũ đến 7km, việc đi lại, giao thương có thể gặp nhiều khó khăn, nên người dân phố cổ còn nhiều lo ngại, chưa tự nguyện di chuyển. Bên cạnh đó, khả năng lưu thông của cầu Chương Dương và Long Biên đã không còn đáp ứng được nhu cầu thực tế, ùn tắc giao thông (UTGT) xảy ra hàng ngày trong các giờ cao điểm. Cầu Vĩnh Tuy cách đó không xa cũng đang dần đuối sức trước áp lực giao thông lớn của cửa ngõ phía Bắc Thủ đô.
Để mở thêm hướng kết nối khu đô thị phía Bắc với trung tâm Hà Nội, mong thúc đẩy kế hoạch giãn dân cơ học khu vực phố cổ, TP đã lên kế hoạch xây dựng cầu Trần Hưng Đạo và tiếp tục hoàn thành giai đoạn 2 cầu Vĩnh Tuy. Trưởng phòng Thiết kế, Trung tâm tư vấn quốc tế (Tedi) Đặng Hoàng Hiệp nhận định: “Việc đầu tư một công trình vượt sông Hồng trong phạm vi 4 quận nội thành cũ như cầu Trần Hưng Đạo hết sức cần thiết và khả thi. Công trình này khi được hoàn thành sẽ mở thêm một lối lưu thông, kết nối thẳng vào trung tâm TP, giảm tải hiệu quả cho các cầu: Chương Dương, Long Biên và Vĩnh Tuy”.
Ông Hiệp thông tin thêm, việc hoàn thiện cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 theo kế hoạch phân kỳ đầu tư sẽ khép kín Vành đai 2, đáp ứng nhu cầu vận tải, đảm bảo ATGT; tạo điều kiện phát triển toàn diện cho các quận: Hai Bà Trưng, Long Biên nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía Bắc Thủ đô.
Thực tế, khu vực các phường Phúc Đồng, Phúc Lợi và Giang Biên (Long Biên) đã và đang được đầu tư hạ tầng để hình thành nhóm khu đô thị lớn. Khu vực này cũng được kỳ vọng sẽ góp phần kéo giãn dân thuộc khu vực trung tâm cũ của Hà Nội. Bên cạnh đó, cầu Vĩnh Tuy và tuyến đường đầu cầu đã đưa vào khai thác, một phần đường nối từ nút giao QL5 vào Khu đô thị Vincom Village đã được đầu tư xây dựng với quy mô mặt cắt ngang rộng từ 40 - 81m. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng tiếp cầu Giang Biên qua sông Đuống và đường dẫn hai đầu cầu nhằm hoàn thiện toàn bộ tuyến đường nối cầu Vĩnh Tuy đến Ninh Hiệp để thu hút lượng xe từ các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang… theo QL1A, qua cầu Vĩnh Tuy về Hà Nội là hết sức cần thiết.
Trục lõi khu Đông Vành đai 4
Ở hai phía Tây - Bắc Hà Nội, các cây cầu: Thượng Cát, Tứ Liên (bao gồm cả những tuyến đường dẫn 2 đầu cầu) được xem như những trục lõi để thúc đẩy sự phát triển cho khu vực đô thị phía Đông Vành đai 4 thuộc các quận, huyện: Đông Anh, Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đan Phượng và Hoài Đức.
Cầu Thượng Cát có một vai trò quan trọng nữa là lắp thêm một mảnh ghép liên kết Vành đai 3, 5, góp phần giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến Vành đai 3 trong tương lai; tạo trục lõi để phát triển đô thị phía Tây TP. Khi hoàn thành, cầu Thượng Cát sẽ đảm bảo các điều kiện về hạ tầng giao thông vận tải phục vụ chuỗi đô thị dọc tuyến đường.
Cầu Tứ Liên sẽ tạo nên một mối liên kết từ các điểm du lịch khu vực Hồ Tây đến Cổ Loa (Đông Anh), hình thành một trục không gian cảnh quan văn hóa đô thị đặc sắc. Cũng bởi lý do đó, việc xây dựng cầu Tứ Liên đã được UBND TP Hà Nội đề ra mục tiêu phải đảm bảo cả các yếu tố về thẩm mỹ để tạo nên một biểu tượng mới; cùng với cầu Nhật Tân trở thành điểm nhấn kiến trúc của Thủ đô.
Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga nhìn nhận: “Việc Hà Nội đổi đất các khu vực ngoại thành phía Bắc lấy cầu vượt sông là một bước đi chiến lược nhắm đến 2 mục đích chính. Một là phát triển hạ tầng giao thông, hai là phát triển đô thị ở những khu vực còn bỏ ngỏ do thiếu hạ tầng. Một khi có đường to cầu lớn, đi lại thuận tiện, đô thị phía Bắc sẽ nhanh chóng thu hút được dân cư, vừa giãn bớt áp lực cho trung tâm vừa thúc đẩy sự phát triển toàn diện của mọi khu vực trong TP”.
Các chuyên gia còn cho rằng, áp lực đô thị hóa trong khu trung tâm Hà Nội đang căng cứng như một dòng nước lũ bị ngăn vây bởi “dải đập” sông Hồng. Do đó, TP đang rất cần những cây cầu để khép kín các vành đai giao thông lớn, mở hướng phát triển về phía những vùng đất giàu tiềm năng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên…
Với sự hiện diện của 6 cây cầu: Tứ Liên, Thượng Cát, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Trần Hưng Đạo, Đuống 2 và Giang Biên, Hà Nội sẽ có thể hình thành những chuỗi liên kết đô thị liền lạc hai bên bờ sông Hồng, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện của Thủ đô. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.