ª ThS. NCS. Nguyễn Văn Tươi Trường Cao đẳng Giao thông vận tải II ª GS. TS. Phạm Huy Khang Trường Đại học Giao thông vận tải ª TS. Nguyễn Văn Hướng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng Người phản biện: GS. TS. Ngô Trí Viềng TS. Huỳnh Phương Nam |
Tóm tắt: Tấn công sun-phát và ăn mòn clorua là những nhân tố chính đối với độ bền và tuổi thọ của công trình bê tông cốt thép tồn tại trong môi trường biển. Clorua tác động đến độ bền bởi sự ăn mòn cốt thép và sun-phát ảnh hưởng đến độ bền bởi sự phá hoại bê tông. Bài báo tập trung nghiên cứu hiệu quả của pu-zơ-lan tự nhiên đối với độ bền của bê tông tồn tại trong môi trường biển. Để đạt được mục tiêu này, một lượng pu-zơ-lan tự nhiên sẽ được thay thế cho xi măng ở các mức 0%, 5%, 10% và 15% theo khối lượng của chất dính kết. Các mẫu bê tông hình trụ được đúc và ngâm trong các thùng nước biển. Kết quả cho thấy, sau thí nghiệm được đã làm rõ tính hiệu ích của pu-zơ- lan tự nhiên đối với sự giảm độ bền của bê tông ngâm trong nước biển.
Từ khóa: Bê tông, độ bền, môi trường biển, sun-phát, pu-zơ-lan.
Abstract: Sulphate-induced attack and chloride-induced corrosion are the main factors in durability and service life of the reinforced concrete structures exposed to marine environment. Chlorides affect durability by corrosion of the reinforcement steel and sulphates affect durability by deteriorating the concrete itself. The paper focuses on the effect of the natural pozzolan on durability of concrete exposure in a marine environment. For this purpose, a natural pozzolan was used as a partial replacement additive of Portland cement at 0%, 5%, 10% and 15% by the weight of binder. Cylindrical specimens were concreted and submerged in the seawater tanks. The results highlighted the significant efficacy of natural pozzolan on durability of concrete immersed in the seawater.
Keywords: Concrete, durability, marine environment, sulphate, pozzolan.
1. Giới thiệu
Bê tông là loại vật liệu được tiêu thụ nhiều thứ hai sau nước, lượng tiêu thụ bê tông mỗi năm trên thế giới khoảng 10 tỷ m3, tương ứng mỗi người sử dụng khoảng 1,5m3 bê tông mỗi năm [1]. Bê tông có mặt hầu hết các bộ phận của công trình hạ tầng xây dựng: Móng, tường chắn, sàn, trụ cầu, cầu tàu, cừ, đập bê tông... Các bộ phận này có thể tồn tại trong môi trường hoặc/và bản thân nó có chứa các tác nhân làm giảm độ bền, thậm chí bị phá hoại [2].
Tiếp xúc với môi trường biển (nước biển và không khí biển) là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến sự giảm độ bền của công trình bê tông. Sự giảm độ bền của bê tông trong môi trường biển nói chung là do sự có mặt của các loại muối trong nước hoặc hơi nước biển. Trung bình, nước biển chứa lượng muối hòa tan (clorua và sun-phát) khoảng 3,5% theo khối lượng, độ pH khoảng 8.2 [3]. Bê tông tồn tại trong nước biển có thể bị phá do sự tác động của quá trình hóa lý (tấn công sun phát, ăn mòn clorua, phản ứng kiềm - cốt liệu, sự rữa trôi portlandite, sự kết tinh muối, đông và tan băng, xói mòn và mài mòn do sóng, vi sinh vật...), tùy thuộc vào tính chất của tác động, sự phá hoại có thể từ hồ xi măng, cốt liệu, vật liệu gia cường hoặc phá hoại đồng thời [4]. Trong đó, ăn mòn clorua và tấn công sun-phát là những nhân tố chính đối với độ bền và tuổi thọ của công trình bê tông cốt thép tồn tại trong môi trường biển. Clurua tác động đến độ bền bởi sự ăn mòn cốt thép và sun phát ảnh hưởng đến độ bền bởi sự phá hoại bê tông. Bài báo chỉ nghiên cứu về sự tác động của nước biển đến độ bền của bê tông (không cốt thép) đối với công trình hoặc bộ phận của công trình bê tông ngâm hoàn toàn trong nước biển.
Sun phát tấn công bê tông thông thường là do sự hình thành ettringite (sulfoaluminate hydrate: 3CaO.Al2O3.3CaSO4.32H2O) và thạch cao (gypsum: CaSO4.2H2O) gây ra sự trương nở và có thể dẫn đến sự nứt và phá hoại kết cấu bê tông [2, 5, 6]. Theo ACI 318-83 [6], sự tấn công sun-phát bởi nước biển được được phân loại ở mức trung bình (exposure class S1: moderate). Do sự có mặt của các iôn clorua nên các phản ứng hóa học giữa sun-phát trong nước biển khác với dung dịch chỉ có sun-phát, cụ thể bê tông trong môi trường biển ít gây ra sự trương nở, kết quả của sự tấn công hóa học của nước biển đối với bê tông là tạo thành Mg(OH)2, CaCO3, SiO2.aq, 4MgO.SiO2.8H2O, CaSO4.2H2O và etringite dẫn đến sự mềm hóa của hồ xi măng và giảm cường độ của bê tông [2, 7, 8]. Từ các nghiên cứu của Palin et al. [10], hướng [11] và các nghiên cứu khác [12, 13, 14], chúng tôi khái quát hóa quá trình tấn công của nước biển đối với bê tông như sau: Nước biển chứa các thành phần hóa học tấn công làm tổn hại độ bền của bê tông. Cụ thể, Mg2+, SO42-, Cl-... và CO2 tấn công sản phẩm hyđrat của xi măng (Ca(OH)2, CaO.Al2O3.CaSO4.18H2O, C-S-H) được diễn giải theo các phản ứng dưới đây:
- MgSO4 phản ứng với Ca(OH)2 hình thành brucite Mg(OH)2 và thạch cao CaSO4.2H2O theo phương trình (1):
MgSO4 + Ca(OH)2 ® Mg(OH)2 + CaSO4.2H2O (1)
và phản ứng với monosulfoaluminate hydrate tạo thành ettringite theo phương trình (2):
MgSO4 + Ca(OH)2 + CaO.Al2O3.CaSO4.18H2O
® Mg(OH)2 + 3CaO.Al2O3.3CaSO4.32H2O (2)
- MgCl2 phản ứng với Ca(OH)2 hình thành brucite và calcium chloride CaCl2 theo phương trình (3):
MgCl2 + Ca(OH)2 ® Mg(OH)2 + CaCl2 (3)
- Carbon dioxide CO2 hòa tan trong nước biển tác dụng với Ca(OH)2 tạo thành aragonite CaCO3 theo phương trình (4), calcium bicarbonate theo phương trình (5) và thạch cao theo phương trình (6):
CO2 + Ca(OH)2 ® CaCO3 + H2O (4)
CaCO3 + H2O + CO2 ® Ca(HCO)2 (5)
CO2 + Ca(OH)2 + CaO.Al2O3.CaSO4.18H2O
® 3CaO.Al2O3.CaCO3.xH2O + CaSO4.2H2O (6)
Thạch cao, calcium chloride và calcium bicarbonatetan tan trong nước biển, do đó dễ dàng dẫn đến sự chiết tách (leaching) từ bê tông dẫn đến tăng độ rỗng, thấm và giảm cường độ [12]. Mặc dù nồng độ sun-phát trong nước biển đủ lớn để hình thành ettringite theo (2) nhưng do có sự hiện diện của ion Cl- nên bản chất trương nở của etringite giảm đáng kể [13]. MgSO4 và MgCl2 tác dụng với sản phẩm hyđrat của xi măng theo các phương trình (1), (2) và (3) cho đến khi Ca(OH)2 cạn kiệt, sau đó MgSO4 khử canxi (decalcify) từ các gen C-S-H (chất tạo nên dính kết chủ yếu của hồ xi măng) chuyển thành magnesium silicate hydrate MgO.SiO2.H2O kém bền theo phương trình (7), đây là tác nhân chính dẫn đến sự mềm hóa của hồ xi măng và giảm cường độ của bê tông trong môi trường biển [2, 12]:
xCaO.SiO2.aq + 4Mg2+ + 4SiO42- + (4-x)Ca(OH)2nH2O ® 4MgO.SiO2.8H2O + 4CaSO4.2H2O (7)
Với việc xây dựng phương án thí nghiệm trong phòng thí nghiệm sao cho gần với thực tế đối với bê tông ngâm hoàn toàn trong nước biển trong thời gian một năm, các nội dung thí nghiệm bao gồm: Giám sát quá trình phát triển cường độ theo thời gian cùng với các thí nghiệm nâng cao như quan sát vi cấu trúc bằng kính hiển vi điện tử (Scanning Electron Microscope: SEM) và phân tích nhiệt trọng lượng (Thermogravimetric Analysis: TGA). Kết quả chỉ ra rằng: Trong điều kiện thí nghiệm cụ thể này, với mức độ thay thế 15% pu-zơ-lan tự nhiên, Quảng Ngãi có khả năng chống lại sự tấn công của nước biển đối với bê tông ngâm hoàn toàn trong nước biển.
2. Nghiên cứu thực nghiệm
2.1. Vật liệu thí nghiệm và cấp phối mẫu thí nghiệm
- Vật liệu dùng cho thí nghiệm gồm: Xi măng (XM) Sông Gianh PC40, tính chất hóa - lý của nó phù hợp với TCVN 2682:2009. Đá và cát: Sử dụng đá dăm 1x2 của mỏ đá Hốc Khế tại Hòa Nhơn - Đà Nẵng và cát sông Túy Loan tại Hòa Phong - Đà Nẵng, hai loại cốt liệu này phù hợp với TCVN 7570:2006. Nước (N) dùng để trộn bê tông, trộn vữa, rữa cốt liệu và bảo dưỡng bê tông là nước thủy cục, loại nước này phù hợp với TCVN 4506: 2012; nước biển (SW) lấy trực tiếp từ biển Xuân Thiều, TP. Đà Nẵng. Phụ gia khoáng (PZ) là puzơlan Núi Đầu Voi - IDICO, được sản xuất bằng cách khai thác đá tự nhiên tại mỏ đá núi Đầu Voi - Quảng Ngãi, sau đó nghiền mịn rồi đóng bao. Chúng tôi đã tiến hành phân tích thành phần hóa học tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 (QUATEST 2), kết quả về thành phần hóa học của puzơlan Núi Đầu Voi, nước biển như ở Bảng 2.1 và Bảng 2.2. Phụ gia hóa học: Sử dụng phụ gia hóa dẻo Lotus_R201 loại D & G của Công ty Cổ phần Hóa chất Hoa Sen, phù hợp theo Tiêu chuẩn ASTM C494.
- Các cấp phối bê tông được xây dựng trên cơ sở: Chất kết dính (CKD) được xem là tổng khối lượng của xi măng và pu-zơ-lan; phụ gia hóa dẻo và giảm nước dùng loại R_201 với liệu lượng 1 lít cho 100kg hỗn hợp chất kết dính. Đối với mẫu cấp phối đối chứng (OPC), chất kết dính là 100% xi măng. Cấp phối OPC được xây dựng trên cơ sở đạt được cường độ ở 28 ngày khoảng 450daN/cm2 và hỗn hợp bê tông có độ sụt 11cm ± 1cm. Để nghiên cứu hiệu quả của pu-zơ-lan tự nhiên Quảng Ngãi đối với tấn công của nước biển, chúng tôi đã đưa ra 3 tỷ lệ thay thế (5%, 10% và 15% theo khối lượng của chất kết dính). Lượng nước dùng cho các cấp phối dùng pu-zơ-lan phải thay đổi sao cho đạt độ sụt tương đương cấp phối OPC là 11cm ± 1cm. Chi tiết thành phần của bốn cấp phối bê tông như ở Bảng 2.3.
Bảng 2.1. Thành phần các iôn chính có trong nước biển
Bảng 2.2. Thành phần hóa học của pu-zơ-lan Núi Đầu Voi
Bảng 2.3. Bảng thiết kế cấp phối bê tông (1m3 bê tông)
Ghi chú: Lượng nước ghi trong Bảng 2.3 đã bao gồm lượng nước trong cát (độ ẩm 5%) và lượng nước trong đá (độ ẩm 0,4%).
2.2. Thiết bị và dụng cụ thí nghiệm
Các thiết bị và dụng cụ chính phục vụ cho thí nghiệm gồm: Máy trộn bê tông dung tích 250 lít; bộ thiết bị côn thử sụt bê tông loại N1; khuôn bê tông hình trụ tròn D150 x H300; máy thử nén bê tông loại UNIT TEST AD 300/AL; máy phân tích nhiệt - trọng lượng (ThermoGravimetric Analysis: TGA) PerkinElmer STA 6000, với giải phân tích 15°C÷1000°C); máy hiển vi điện tử (Scanning Electron Microscopes: SEM) JEOL JSM-6010PLUS. Nghiên cứu được thực hiện tại Phòng thí nghiệm LAS-XD73 - Trung tâm Kỹ thuật Đường bộ 3 (RTC3), Phòng Thí nghiệm Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Trường Cao đẳng GTVT II.
2.3. Dưỡng hộ mẫu
Qui trình đúc và dưỡng hộ mẫu trong thời gian 28 ngày được thực hiện theo TCVN 3015:1993; Ngay sau 28 ngày, 42 mẫu OPC được ngâm vào nước thủy cục (ký hiệu OPC-W), 42 mẫu OPC còn lại ngâm trong nước biển (ký hiệu OPC-SW), các cấp phối PZ5, PZ10 và PZ15 mỗi loại 42 mẫu được ngâm trong nước biển. Để đảm bảo nước biển ngâm mẫu gần tương đương với tự nhiên, chúng tôi đã thay đổi nước biển ngâm mẫu 7 ngày một lần trong suốt quá trình thí nghiệm.
3. Kết quả và thảo luận
Các kết quả của thí nghiệm bao gồm: Quan sát bề mặt bên ngoài của bê tông bằng mắt thường, theo dõi sự thay đổi cường độ nén theo thời gian, sự thay đổi thành phần khoáng của hồ xi măng, nghiên cứu vi cấu trúc bằng SEM.
- Quan sát bằng mắt thường: Mặc dù bốn cấp phối nghiên cứu có thành phần khác nhau, tuy nhiên các mẫu bê tông sau khi tháo khuôn có đặc điểm chung: Mặt ngoài mẫu láng nhẵn có màu xám - vàng (Hình 3.1a); các mẫu OPC-W theo thời gian màu sắc chuyển dần sang màu xám - xanh và bề mặt mẫu vẫn láng nhẵn; mẫu OPC-SW sau khoảng 45 ngày ngâm trong nước biển bắt đầu xuất hiện những đốm nhỏ màu trắng phân bố đều trên bề mặt, theo thời gian các đốm này lớn dần. Ở thời điểm 360 ngày, các đốm này có đường kính trung bình khoảng 4mm phân bố trên khắp mặt mẫu (Hình 3.1b); mẫu PZ5-SW và PZ10-SW tương ứng sự xuất hiện các đốm chậm hơn về thời gian ít hơn về mật độ và nhỏ đường kính, trong khi mẫu PZ15-SW bề mặt mẫu gần như không xuất hiện các đốm này cho đến thời điểm 360 ngày (Hình 3.1c).
Hình 3.1: Bề mặt mẫu ở thời điểm ban đầu (3 ngày) và sau khi ngâm nước biển (360 ngày) hinh31 |
- Cường độ nén: Kết quả cường độ nén của bốn mẫu ở các thời điểm 3, 28, 90, 180, 270 và 360 ngày của các cấp phối bê tông được thể hiện như trên Hình 3.2. Kết quả cho thấy, đối với mẫu ngâm trong nước ngọt OPC-W, sự phát triển cường độ diễn ra một cách bình thường. Cụ thể: Trong 28 ngày đầu, cường độ phát triển nhanh, sau đó cường độ tiếp tục phát triển với tốc độ chậm, điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Hewleftt [9]. Đối với các mẫu còn lại ngâm trong nước biển (OPC-SW, PZ5-SW, PZ10-SW và PZ15-SW): Ở thời đoạn 28 ngày đầu (chưa ngâm nước biển) xu hướng phát triển cường độ là tương tự như trên, tuy nhiên mẫu PZ5 và PZ10 cường độ nén ở thời điểm 28 ngày cao hơn mẫu OPC tương ứng là 3,2% và 2,2%, ngược lại, đối với mẫu PZ15 cường độ giảm 12,4%. Kết quả này đã được chúng tôi bình luận ở bài báo trước [10]. Ở thời đoạn sau 28 ngày (mẫu bắt đầu ngâm nước biển) ngoại trừ PZ15-SW, các mẫu còn lại OPC-SW, PZ5-SW và PZ10-SW đều bị giảm cường độ, cụ thể độ giảm cường độ ở thời điểm 360 ngày so với ở 28 ngày tương ứng là 48,5%, 39,1% và 15%, trong khi đó mẫu PZ15-SW cường độ tăng 9%.
Hình 3.2: Cường độ nén theo thời gian (3, 28, 90, 180, 270 và 360 ngày) |
- Phân tích nhiệt trọng lượng: Để dễ dàng nhận thấy sự thay đổi thành phần khoáng do tấn công nước biển, chúng tôi đã chọn vị trí lấy các mẫu thí nghiệm ngay sát bề mặt mẫu bê tông. Kết quả phân tích nhiệt trọng lượng trên ba mẫu OPC-W, OPC-SW và PZ15-SW ở thời điểm 360 ngày được thể hiện bởi hai họ đường cong (họ đường thể hiện giảm khối lượng mẫu: TGA và họ đường thể hiện tốc độ thay đổi khối lượng mẫu DTG) như ở Hình 3.3. Kết quả cho thấy rằng: Đối với họ đường TGA, khi gia nhiệt độ khối lượng mẫu sẽ giảm. Đây là kết quả của quá trình mất nước và phân hủy các sản phẩm của hồ xi măng, điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Hướng [15]. Đối với họ đường DTG: Các mẫu OPC-W và PZ15-SW có dạng đường tương đương nhau (sau 135oC xuất hiện 2 điểm cực trị (peak) ở khoảng 420oC và 6650C, các píc này tương ứng thể hiện sự phân hủy của Ca(OH)2 và CaCO3 [16]). Mẫu OPC-SW ngoài xuất hiện hai píc như trên còn xuất hiện thêm một píc ở khoảng 365oC, píc này được xem là do sự phân hủy của bruite (sinh ra bởi các phương trình (1), (2) và (3)) [16, 17]. Đến đây, chúng ta đặt ra nghi vấn là tại sao mẫu PZ15-SW cũng ngâm trong nước biển lại không xuất hiện peak ở 3650C. Tuy nhiên, kết quả này là hết sức phù hợp bởi 15% PZ là lượng đủ để tiêu thụ cạn kiệt Ca(OH)2 thông qua phản ứng pu-zơ-lan-nic [6]. Điều này góp phần giải thích tại sao PZ có khả năng chống lại sự tấn công của nước biển đối với bê tông.
Hình 3.3: Kết quả phân tích nhiệt trọng lượng ở thời điểm 360 ngày |
- Kết quả vi cấu trúc SEM: Để giải thích hiệu quả của PZ đến tấn công của nước biển đến bê tông, chúng tôi đã tiến hành thực hiện các thí nghiệm vi cấu trúc bởi SEM. Tương tự như phân tích nhiệt trọng lượng các mẫu thí nghiệm lấy ngoài bề của mẫu bê tông (chụp trên mẫu fracture có tráng bạch kim). Kết quả các ảnh SEM được thể hiện ở Hình 3.4. Đối với mẫu OPC-W (Hình 3.4a và 3.4b) thể hiện những tinh thể hình thoi phân bố trên nền các sản phẩm hyđrat của xi măng. Các tinh thể hình thoi được cho là tinh thể calcite (sản phẩm của quá trình các bon nát hóa bê tông). Trong khi đó, đối với mẫu OPC-SW (Hình 3.4c và 3.4d), các đốm nhỏ (Hình 3.1b) được xác định là aragonite được hình thành theo phương trình (4) và bề mặt mẫu bị phá vỡ dẫn đến tăng khả năng trao đổi iôn làm nối tiếp và thúc đẩy sự ăn mòn bê tông. Trong trường hợp này, trên mặt mẫu hình thành aragonite chứ không phải calcite là do sự tồn tại của iôn Mg2+ trong nước biển [18]. Đối với mẫu PZ15-SW, chúng ta dễ dàng nhận thấy bề mặt mẫu không bị phá hủy và đặc sít hơn so với OPC-W (Hình 3.4e). Ngoài ra, Hình 3.4f (chụp trong lõi mẫu), không nhận thấy sản phẩm portlandite và hiện diện chủ yếu là các gen C-S-H phân bố dày đặc (tăng cường độ, làm mịn hóa sự phân bố lỗ rỗng dẫn tới giảm độ thấm). Kết quả này một lần nữa khẳng định hiệu quả của PZ thông qua phản ứng pu-zơ-lan-nic tiêu thụ porlandite ngăn ngừa sự tấn công của nước biển theo quá trình như đã diễn giải trên.
Hình 3.4: Kết quả chụp ảnh SEM ở thời điểm 360 ngày |
4. Kết luận
Từ các kết quả thực nghiệm đạt được kết hợp với tổng hợp các nghiên cứu khoa học đã được công bố, bài báo đưa đến những kết luận sau:
- Sự tấn công của nước biển đối với bê tông là một quá trình hóa - lý phức tạp. Hậu quả của nó là làm thay đổi thành phần hóa học của hồ xi măng dẫn đến sự tách lớp, chiết tách sản phẩm hyđrat, làm mềm hóa đá xi măng, thay đổi vi cấu trúc đến tăng độ rỗng, giảm độ bền cơ học dẫn đến giảm độ bền (giảm tuổi thọ) thậm chí làm phá hủy công trình.
- Pu-zơ-lan tự nhiên ở núi Đầu Voi - Quảng Ngãi với một tỷ lệ hợp lý (trong điều kiện cụ thể của nghiên cứu này là 15%) có khả năng làm giảm (đẩy lùi), thậm chí ngăn chặn tác động tiêu cực của bê tông ngâm trong trường biển. Kết quả này là do hiệu quả tổng hợp của việc tiêu thụ portlandite bởi phản ứng pu-zơ-lan-nic, sự hình thành các gen C-H-H thứ cấp làm mịn hóa cấu trúc lổ rỗng và hiệu quả lấp đầy lổ rỗng bởi các hạt pu-zơ-lan tự nhiên.
Tài liệu tham khảo
[1]. J. H. Sharp, E. M. Gartner, D. Macphee (2010), Novel cement systems (sustainability), Session 2 of the Fred Glasser Cement Science Symposium, Advances in Cement Research, Vol. 22(4), p. 195-202.
[2]. Nguyễn Văn Hướng (2015), Tổng quan về tấn công sun-phát bên ngoài đối với bê tông, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Đà Nẵng, số 3(88), p. 42-45.
[3]. G.M. Marion, F.J. Millero, M.F. Camões, P. Spitzer, R. Feistel, C.-T.A. Chen (2011), pH of seawater, Marine Chemistry, vol. 126, p.89-96.
[4]. ACI (2008), Guide to Durable Concrete, American Concrete Institutes, Farmington.
[5]. Zhang M., ChenJ., Lv Y., Wang D., Ye J. (2013), Study on the expansion of concrete under attack of sulfate and sulfate-chloride ions, Construction and Building Materials, vol. 39, p. 26-32.
[6]. Huong N.V, Leklou N., Aubert J.E., Mounanga P. (2013), The effect of natural pozzolan on delayed ettringite formation of the heat-cured mortars, Construction and Building Materials, vol. 48, p. 479-484.
[7]. ACI 318-83 (2008), Building code requirements for reinforced concrete, with design applications, American Concrete Institutes. Farmington.
[8]. Richardson M.G. (2004), Fundamentals of durable reinforced concrete, Taylor & Francis Group, London and New York, 254p.
[9]. Hewlett P.C. (2004), Lea’s chemistry of cement and concrete, Elsevier Science & Technology Books, Fourth Edition, 1056p.
[10]. Nguyễn Văn Hướng, Nguyễn Thị Lộc, Nguyễn Văn Tươi, Phạm Cường (2015), Nghiên cứu dùng phụ gia khoáng pu-zơ-lan Quảng Ngãi để thay thế cho một phần xi măng trong bê tông, Tạp chí Khoa học & Công nghệ Đại học Đà Nẵng, số 7(92), trang: 11-15.
[11]. Palin D., Wiktor V., Jonkers H.M. (2015), Autogenous healing of marine exposed concrete: Characterization and quantification through visual crack closure, Cement and Concrete research, vol. 73, p.17-24.
[12]. Mehta P.K. (2003), Concrete in the Marine Environment, Taylor & Francis, 214p.
[13]. Al-Amoudi O.S.B., Rasheeduzzafar, Maslehuddin M., Abduljauwad S.N. (1994), Influence of chloride ions on sulphate deterioration in plain and blended cements, Magazine of Concrete Research, vol. 46(167), p. 113-123.
[14]. Skalny J., Marchand J., Odler I. (2003), Sulfate Attack on Concrete, Taylor & Francis, 220p.
[15]. Nguyễn Văn Hướng (2013), Định lượng sản phẩm hyđrat của xi măng bằng phương pháp nhiệt - trọng lương, Tạp chí Khoa học & Công nghệ Đại học Đà Nẵng, số 1(62), trang 35-41.
[16]. Divet L., ArnaudS., Derobert X., FasseuP., Faure R.M., Larive C., Naquin B., Olivier G. (2005), Présentation des techniques de diagnostic de l’état d’un béton soumis à un incendie, Méthodes d’essais n°62, Laboratoire Central des Ponts et chaussées.
[17]. Unluer C., Al-Tabbaa A. (2015), The role of brucite, ground granulated blastfurnace slag and magnesium silicates in the carbonation and performance of MgO cements, Construction and Building Materials, vol. 94(30), p. 629-643.
[18]. Berner R. (1975), The magnesium in the crystal growth ò calcite and aragonite from seawater, Geochimica et Cosmochimica Acta, Vol. 39(4), p. 539-504.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.