Học sinh không đội MBH đi xe máy: Nỗi lo của toàn xã hội

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 06/07/2016 09:19

Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có ước mơ của riêng mình, những ước mơ đó được ươm và nuôi dưỡng theo sự phát triển của các em. Tuy nhiên, trong cuộc sống này, nhiều ước mơ đã bị bỏ dở, nhiều giấc mơ không được thực hiện vì TNGT mà nguyên nhân chủ yếu lại bắt nguồn từ chính bản thân các em học sinh.

176639_10153210848969591_255616526641451135_o-2
Thực trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm điều khiển xe đạp điện, xe máy điện vẫn còn diễn ra phổ biến tại Hà Nội (Ảnh Vũ Thành)

Nỗi lo của toàn xã hội

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, trên thế giới có trên 186.000 trẻ em tử vong do TNGT, cứ 4 phút có một trẻ em mất đi mạng sống. Tại Việt Nam, theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1.900 trẻ em tử vong vì TNGT, chiếm 25% tổng số trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích.

Trong đó, tỉ lệ trẻ tử vong khi đi bộ một mình chiếm 36%, bị nạn khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe đạp, xe mô tô, xe máy chiếm 20%. Tỷ lệ trẻ dưới 14 tuổi bị chấn thương sọ não do TNGT chiếm 13,4% trong đó, đa phần các em đều không đội mũ bảo hiểm (MBH) khi xảy ra tai nạn. Có thể nói, không đội MBH khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em. Chính vì vậy, phòng tránh TNGT cho trẻ em là một vấn đề cần thiết và cấp bách của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Trước thực trạng, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT cùng các bộ ngành liên quan đã tuyên truyền về đội MBH khi tham gia giao thông cho học sinh trung học và phát MBH cho các em tại một số trường học trên toàn quốc, đồng thời cũng tổ chức các cuộc thi ATGT và đưa ra cả những chế tài xử phạt. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng học sinh không đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe máy hay điều khiển xe đạp điện, xe máy điện vẫn còn rất phổ biến.

MJM_7997
Nhiều trường hợp các em học sinh được bố mẹ đưa đi học không đội mũ bảo hiểm mà cầm mũ trên tay
11157343_10153213831804591_4887203861052544764_o

Ghi nhận vào giờ đi học tại một trường cấp 3 trên đại bàn Hà Nội, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều các bạn học sinh đi xe máy, xe đạp điện nhưng không hề đội mũ bảo hiểm, thậm chí còn đi hàng hai, hàng ba và lượn lách đánh võng. Ngoài ra, còn một số trường hợp các em được bố mẹ đèo đến trường nhưng không hề đội mũ, có em thì cầm mũ trên tay còn có em khi đến cách cổng trường vài trăm mét thì bỏ mũ không đội nữa.

Trao đổi với phóng viên, chị T.A, bán hàng cạnh cổng trường chia sẻ “Bọn này (học sinh) không đội mũ bảo hiểm là chuyện thường ngày diễn ra, những hôm nào có cờ đỏ trực thì chúng nó đội chứ bình thường có đứa nào đội đâu, đi xe máy chúng nó còn chẳng đội nữa là xe đạp điện”.

Đặc biệt, trong một vài năm gần đây, xe đạp điện, xe máy điện ngày càng phổ biến và cho đến hiện nay, phương tiện này đã trở thành loại phương tiện yêu thích trong giới trẻ, đặc biệt là học sinh. Các bậc phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền mua cho con em mình sử dụng nhưng không hề chú ý đến việc nhắc nhở con em mình đội mũ bảo hiểm và loại phương tiện này có thể chạy đến vận tốc 35-40km/h, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất ATGT cao.

 Ông Khuất Việt Hùng – Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết theo một nghiên cứu về tỉ lệ trẻ em tử nạn vì giao thông tại TP. Hồ Chí Minh của Ủy ban, trong 3 năm 2013, 2014 và 2015, số người chết vì TNGT giảm dần, lần lượt là 775, 702 và 692, nhưng số trẻ em (dưới 18 tuổi) chết "tăng sốc", lần lượt là 35, 61, 111 và có chiều hướng gia tăng.

“Trong đó, có tới 70% trẻ em bị tử vong vì TNGT là học sinh cấp 3 và 80% số học sinh cấp 3 bị tử vong do tai nạn giao thông là tự điều khiển phương tiện, trong đó chủ yếu là đi xe đạp điện, xe máy. Với điều kiện kinh tế phát triển như hiện nay thì cơ hội các em tiếp cận với xe máy điện, xe đạp điện khá sớm và thậm chí có gia đình sẵn sàng mua cả xe phân khối lớn cho các em điều khiển trong khi các em dưới 18 tuổi về quy định chưa đc phép thi và cấp GPLX”, ông Hùng cho biết thêm.

Gia đình - Nhân tố quan trọng

Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thị Thu Hà - phó Hiệu trưởng trường THCS Trưng Vương chia sẻ nhà trường đã thực hiện rất nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục, giáo viên cũng nhắc nhở và thực hiện những biện pháp đánh vào thi đua, kỷ luật nhưng khi làm như chưa thực sự hiệu quả, các em học sinh đối phó rất nhiều.

Vấn đề khó khăn ở đây chính là sự phối hợp của phụ huynh học sinh. Bởi vì do cha mẹ không kiên quyết, nhắc nhở con mình đội mũ hay do quan niệm của cha mẹ học sinh nên các em chưa thật sự nghiêm túc, thể hiện ở một vài biểu hiện như cha mẹ học sinh đèo con đến trường chính bản thân mình lại không đội mũ, vì thế dẫn đến hiện tượng học sinh đối phó, khi đi trên đường không đội mũ và gần đến trường mới đội mũ.

DSC_2856-01.
Rất nhiều bậc phụ huynh vẫn thờ ơ trước sự an toàn của con em mình (Ảnh Vũ Thành)

“Nhà trường chỉ kiểm tra được trước khu vực cổng trường, còn cách đấy một đoạn xa rất là khó nhưng hiểm nguy luôn rình rập ở suốt một đoạn đường dài từ nhà đến trường, từ trường về nhà chứ không phải chỉ ở khu vực quanh cổng trường. Cha mẹ học sinh phải quyết liệt cùng nhà trường thì mới có hiệu quả, tuy nhiên từng có trường hợp khi chúng tôi trực ở cổng trường nhắc nhở học sinh tại sao không đội mũ bảo hiểm mà lại cầm ở tay thì ngay sau đó cha mẹ học sinh phản ứng, thậm chí là có những lời thiếu văn hóa với giáo viên ngay tại khu vực cổng trường trước mặt rất nhiều học sinh và phụ huynh khác”, cô Hà bày tỏ.

Theo cô Nguyễn Thị Thu Hà, để có thể quyết liệt hơn trong việc tuyên truyền, giáo dục học sinh chấp hành luật giao thông, đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, mô tô, xe đạp điện thì cần phải có sự phối hợp đồng bộ hơn giữa gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Nhà trường chỉ là một mắt xích trong việc thực hiện và vai trò của gia đình cực kỳ quan trọng trong việc giáo dục các em, để cho các em hiểu được rằng việc đội mũ bảo hiểm là bảo vệ an toàn cho chính các em chứ không phải đội để cho nhà trường kiểm tra thì kết quả sẽ cao hơn, góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn, thương vong do TNGT đối với các em học sinh.

Đồng thời, xem xét về mặt độ tuổi mà nói, ở nhóm tuổi thanh thiếu niên thì họ cũng có những đặc điểm riêng của độ tuổi với những thay đổi về tâm sinh lý, những thay đổi về mặt xã hội với chuyện các em đang học để đóng vai một người lớn. Các em rất thích khám phá bản thân, thích khẳng định mình bằng những việc làm khác biệt và càng dị biệt càng tốt và hơn hết là các em chưa ý thức được hậu quả hành động của mình. Để các em học sinh có thể thay đổi, nhận thức cao hơn về tầm quan trọng của việc đội MBH thì nên tác động đến cảm xúc và tác động cảm xúc mạnh mẽ nhất là cho các em xem bằng hình ảnh.

Theo đó, một trong những giải pháp là tạo ra những phần mềm máy tính để cung cấp cho nhà trường coi như đó là phương tiện, đồ dùng dạy học để cho học sinh thấy được vấn đề khi tham gia giao thông không có vấn đề gì xảy ra thì bình thường, nhưng khi có bất kỳ sự cố, có va đập nào đó thì sẽ có sự khác biệt rõ rệt giữa người sử dụng MBH và người không sử dụng MBH, để cho các em thấy được sự khác biệt.

“Chúng ta có thể cung cấp cho học sinh những hình ảnh về TNGT. Đây có thể là những hình ảnh rất ghê, nhìn rất sợ nhưng chúng sẽ làm cho các em thay đổi nhận thức, như tại bệnh viện việt đức, họ có treo các hình ảnh khi mình xem thấy rất sợ về TNGT khi uống rượu, bia. Với học sinh có lẽ nên xây dựng hình thức tương tự như vậy để tác động đến cảm xúc của các em một cách mạnh mẽ, để các em biết sợ khi không đội MBH”, cô Hà nhìn nhận.

Ngoài ra, trong thời buổi công nghệ hiện đại nên tạo ra những phần mềm có các tình huống, hiệu ứng về những yếu tố khách quan dẫn đến va chạm trên đường mặc dù không phải do bản thân các em học sinh gây ra để các em hiểu được rằng khi tham gia giao thông có rất nhiều rủi ro và mình phải làm rất nhiều cách để bảo vệ sự an toàn của bản thân, tránh được và giảm thiểu được rủi ro. Nếu có những phần mềm như vậy phục vụ cho tuyên truyền về vấn đề này này thì sẽ tốt và hiệu quả hơn.

Có thể thấy rằng, học sinh không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành luật giao thông là vấn đề luôn được các bộ ngành quan tâm trong thời gian qua. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn, thương vong do TNGT ở trẻ em vẫn gia tăng; vậy câu hỏi đặt ra ở đây đến bao giờ vấn đề này mới được giải quyết một cách hiệu quả? Câu trả lời phụ thuộc vào phụ huynh, nhà trường và cả xã hội.

Ý kiến của bạn

Bình luận