Hơn 100 xe khách bị từ chối phục vụ tại các bến Hà Nội

18/04/2019 12:22

Không thực hiện đủ 70% số chuyến đăng ký, nhiều nhà xe bị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội "cắt suất" vào bến xe.

 

ben-xe-giap-bat-1865-154355220-6258-3693-155550984
Bến xe Giáp Bát luôn chật cứng xe khách liên tỉnh dịp lễ tết. Ảnh: Ngọc Thành.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa yêu cầu Công ty Cổ phần bến xe Hà Nội  từ chối phục vụ một tháng với hơn 100 ôtô khách. Nguyên nhân là các nhà xe này đăng ký chạy tuyến cố định nhưng không thực hiện đủ 70% số chuyến đã được phê duyệt.

Ngày 17/5, ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP bến xe Hà Nội (đơn vị quản lý bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm) cho biết, về bản chất các xe khách này đã dừng hoạt động, không ra vào bến nhiều tháng nay nên việc từ chối phục vụ hay cắt lốt chỉ mang tính hình thức, văn bản.

Ông Toàn lý giải thêm "do có quá nhiều nhà xe cùng đăng ký một tuyến nên cung vượt quá cầu".

Theo thống kê của Công ty CP bến xe Hà Nội, trong hai tháng cao điểm (12/2018 và 1/2019), Bến xe Giáp Bát có 66 đơn vị vận tải với hơn 100 xe đăng ký có số chuyến hoạt động dưới 70% quy định. Trong số này, gần 30 đơn vị vận tải không hoạt động trong nhiều tháng.

Tại bến xe Nước Ngầm, tình trạng nhà xe bỏ bến phổ biến hơn. Hai tháng cao điểm, bến xe này có 266 tuyến vận tải của hơn 100 doanh nghiệp không hoạt động. Điển hình như Công ty Cổ phần Quốc tế Mỹ Đình có hàng chục xe đã đăng ký nhưng không hoạt động, không khai thác vận tải khách; Công ty TNHH TM và VT Hoàng Sơn chạy tuyến Nước Ngầm - Minh Lộc bỏ bến từ tháng 9/2018...

Đầu năm 2017, để tránh ùn tắc giao thông nội đô, Hà Nội đã điều chuyển hàng chục nhà xe chạy tuyến Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An...từ bến Mỹ Đình (đường vành đai 3 Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm) sang đón trả khách tại bến Nước Ngầm (đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai), cách bến cũ gần 15 km.

Nhiều doanh nghiệp sau khi chuyển sang bến Nước Ngầm, hoạt động kinh doanh sa sút nghiêm trọng. Từ chỗ đầy khách, sau khi chuyển địa điểm mỗi xe xuất bến chỉ có 2-3 khách. Do vắng khách, nhiều xe hoạt động cầm chừng, hoặc bắt khách dọc đường gây mất trật tự an toàn giao thông.

Bên cạnh việc từ chối phục vụ hơn 100 xe, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đề nghị các Sở Giao thông các tỉnh, thành khác thu hồi phù hiệu với hàng trăm xe của nhiều đơn vị vận tải; chỉ đạo các bộ phận liên quan giám sát hành trình nhằm phát hiện các xe cố tình chạy sai, dừng đỗ, đón trả khách, bốc xếp hàng hoá không đúng quy định để thu hồi phù hiệu.

Ý kiến của bạn

Bình luận