Hơn 92.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng thuộc các dự án BOT, BT giao thông

Tác giả: L. Chi

saosaosaosaosao
Chính trị 06/11/2023 14:54

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tính đến ngày 30/9, có 22 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, tổng dư nợ 92.319 tỷ đồng.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều nay (6/11), tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Tại phiên chất chiều nay, các Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục trả lời các câu hỏi cũng như làm rõ các vấn đề đang tranh luận liên quan đến nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp: gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng.

Hơn 92.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng thuộc các dự án BOT, BT giao thông - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) đặt câu hỏi chất vấn

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) cho biết, các dự án hạ tầng giao thông có tổng mức đầu tư lớn bởi bên cạnh nguồn vốn ngân sách, cần huy động thêm các nguồn lực khác để thực hiện. Tuy nhiên, các dự án giao thông lớn, trọng điểm hiện nay chủ yếu đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công.

"Một trong các nguyên nhân là do huy động nguồn vốn tín dụng ngân hàng còn gặp khó khăn", đại biểu Thắng nêu và đề nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp để tháo gỡ, thu hút các nguồn vốn tín dụng cho đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trong thời gian tới.

Hơn 92.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng thuộc các dự án BOT, BT giao thông - Ảnh 2.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, chính sách vốn cho các dự án về cơ sở hạ tầng giao thông cần phải huy động nhiều nguồn lực tài chính khác, kể cả là trong nước và nước ngoài

Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhu cầu và khối lượng vốn cần cho các dự án về cơ sở hạ tầng giao thông rất lớn và với kỳ hạn dài. Trong khi đó, tính chất nguồn vốn của hệ thống tổ chức tín dụng là nguồn vốn huy động ngắn hạn nên việc cho vay với khối lượng lớn và dài hạn cũng bị ràng buộc. Bởi tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng vừa qua cho thấy, nếu huy động bằng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có thể dẫn tới rủi ro và hệ lụy cho ngân hàng.

"Tính đến ngày 30/9, có 22 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, tổng dư nợ 92.319 tỷ đồng", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin.

Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, điều đáng chú ý là trong tổng dư nợ 92.319 tỷ đồng, nợ xấu chiếm 3,83%, còn nợ nhóm 2 chiếm đến 26,52%. Nợ nhóm 2 là nhóm nợ sát với nợ nhóm 3 - nợ xấu. Nguyên nhân chủ yếu là các phương án tài chính của các dự án thường không đúng như với phương án tài chính xây dựng ban đầu.

"Do vậy, chính sách huy động vốn cũng cần phải huy động nhiều nguồn lực tài chính khác, kể cả là trong nước và nước ngoài", bà Hồng cho hay.

Trước đó, cũng liên quan đến các dự án giao thông, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đặt vấn đề, với cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có 4 làn xe, có nên nghiên cứu đầu tư tiếp tục đối với tuyến đường này hay không bởi hiện nay đang ách tắc và không có đường tránh. Đại biểu đề xuất tiếp tục kêu gọi đầu tư bằng hình thức PPP để đáp ứng nhu cầu giao thông của người dân.

Về việc đầu tư tuyến Sài Gòn – Trung Lương, Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ đảm bảo đồng bộ theo thiết kế, theo Bộ trưởng Bộ  Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải để tìm nhà đầu tư theo hình thức PPP, mở rộng hoàn chỉnh tuyến đường lên 6 làn hoàn chỉnh và 8 làn hoàn chỉnh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn toàn đồng tình chủ trương này.

Ý kiến của bạn

Bình luận