Tổ chức IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Châu Á Thái Bình Dương trong năm nay lên 5,5%, cao hơn dự báo 5,4% trước đó khi cho rằng những chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa trên hầu hết các nền kinh tế sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Tuy nhiên, triển vọng ngắn hạn của khu vực này vẫn bị ảnh hưởng bởi các rủi ro biến động về chính sách bảo hộ cũng như chống đối tự do thương mại.
Cũng trong báo cáo vừa qua, IMF giữ dự báo tăng trưởng trong khu vực năm 2018 không thay đổi ở mức 5,4%. Trong khi đó vào năm 2016, khu vực này tăng trưởng ở mức kỷ lục 5,3%.
Báo cáo của IMF được đưa ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách tại nhiều nước đang phải vật lộn tìm cách đối phó với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như việc nâng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Theo IMF, Châu Á có giao dịch thương mại mở với nhiều nước trên thế giới và việc gia tăng chủ nghĩa bảo hộ cũng như những biến động trên thị trường tài chính sẽ khiến nền kinh tế khu vực này bị tổn thương.
Mới đây, chiến thắng của Tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đối thủ cực hữu Marine Le Pen được các chuyên gia đánh giá là một tin tốt tạm thời cho tự do thương mại và toàn cầu hóa.
Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của IMF, ông Changyong Rhee hy vọng một thỏa thuận gần đây giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về kế hoạch thương mại 100 ngày sẽ góp phần thúc đẩy thương mại toàn cầu hơn là giới hạn nó.
IMF cho rằng việc tiếp tục thắt chặt thị trường tài chính cùng chủ nghĩa bảo hộ sẽ gây ra biến động trong lưu chuyển dòng vốn. Trong trường hợp nền kinh tế Trung Quốc gặp phải trắc trở hơn dự kiến khi chuyển sang mô hình kinh tế tập trung tiêu dùng, thị trường Châu Á có thể gặp phải nhiều tác động lan truyền lớn.
Ông Rhee cho rằng IMF có thể phải nâng dự báo tăng trưởng năm 2017 của Trung Quốc từ mức 6,6% hiện nay sau khi những số liệu cho thấy nước này tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý I/2017. Tuy vậy, chuyên gia Rhee vẫn nghi ngờ về sự tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc liệu có được phân bổ một cách hiệu quả hay không.
Bên cạnh đó, IMF cũng cho rằng các chính sách can thiệp thị trường ngoại hối không nên được sử dụng để chống lại xu thế chung của thị trường tiền tệ, vốn phản ánh những nguyên tắc cơ bản trong thương mại toàn cầu hoặc thay thế cho các điều chỉnh trong chính sách vĩ mô.
Mặc dù vậy, sự can thiệp thị trường ngoại hối một cách thận trọng là có thể hiểu được trong những trường hợp nhất định. Ví dụ như khi thị trường trở nên hỗn loạn hoặc biến động tỷ giá đe dọa đến sự ổn định hệ thống tài chính và môi trường kinh doanh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.