Du thuyền đi qua kênh Gyeong-in |
Lịch sử hình thành tuyến đường thủy Gyeong-in
Tuyến đường thủy Gyeong-in Ara (gọi tắt là kênh Gyeong-in) hình thành dựa trên con kênh dài 18km, rộng 80m và sâu 6,3m nối liền hạ lưu sông Hàn ở Seoul với biển Hoàng Hải. Dự án tuyến đường thủy Gyeong-in được “nhen nhóm” vào thế kỷ thứ 13 khi vua Cao Tông - vị vua thứ 26 của triều đại Joseon có tham vọng xây dựng con kênh đầu tiên để phục vụ việc vận chuyển cống phẩm từ các tỉnh cho triều đình. Tuy nhiên, việc xây dựng đã không thành công do những hạn chế về nhân lực, kỹ thuật.
Đến năm 1987, khi lưu vực sông Gulpo xảy ra một trận lụt kinh hoàng, gây thiệt hại nặng nề về người và của, một số chuyên gia đề xuất đào một con kênh dài khoảng 3,8km để thoát nước lũ từ sông Gulpo ra sông Hàn. Chính đề xuất này là nền tảng để hình thành nên kênh Gyeong-in ngày nay. Năm 1995, đề xuất xây dựng kênh Gyeong-in được đưa ra với mục tiêu phòng chống lũ lụt cho lưu vực sông Gimpo và phục vụ vận tải hàng hóa. Song, dự án đã vấp phải nhiều tranh cãi về hiệu quả kinh tế. Năm 2003, Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc đã yêu cầu xem xét lại dự án. Chính phủ Hàn Quốc đã thuê Công ty DHV của Hà Lan để đánh giá tính khả thi của dự án. Cuối cùng, dự án kênh Gyeong-in đã được DHV và Viện Phát triển Hàn Quốc công nhận tính hiệu quả kinh tế. Năm 2009, sau hơn 10 năm bị đình trệ, dự án kênh Gyeong-in chính thức được tái khởi động.
Vai trò của kênh Gyeong-in
Kênh Gyeong-in nối hạ lưu sông Hàn với biển Hoàng Hải |
Với tổng vốn đầu tư 2,25 tỷ won, kênh Gyeong-in được thiết kế để có thể tiếp nhận tàu hàng có trọng tải tối đa 4.000 tấn. Hai cảng hàng hóa quy mô được xây dựng tại khu vực Incheon (2,8 triệu m2) và Gimpo (02 triệu m2). Hoàn thành vào cuối năm 2011, dự án đường thủy này được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích trên nhiều lĩnh vực: GTVT, logistics, du lịch, văn hóa… với việc tạo ra hơn 25.000 việc làm và mang lại hiệu quả kinh tế hơn 2,3 tỷ USD.
Kể từ khi đưa vào khai thác, kênh Gyeong-in đã giúp giảm tải các dịch vụ vận tải đường bộ và tiết giảm chi phí logistics. Vùng Thủ đô Seoul là nơi thường xuyên phải chịu cảnh UTGT đường bộ khiến cho chi phí logistics leo thang. Sự xuất hiện của kênh Gyeong-in chính là một giải pháp hạn chế sự phụ thuộc vào vận tải đường bộ, đồng thời tăng cường kết nối ven biển từ Seoul tới Trung Quốc, Nhật Bản. Số liệu tính toán của Viện Phát triển Hàn Quốc cho thấy, lượng hàng hóa vận chuyển một lần qua tuyến đường thủy này có thể tương đương với khối lượng vận chuyển của 250 xe tải. So sánh với việc di chuyển bằng cao tốc Seoul - Busan, khi vận chuyển hàng hóa từ cảng Busan đến Gimpo sẽ tiết kiệm được phí vận chuyển khoảng 60.000 won, tương đương 60 USD/container. Việc vận chuyển hàng hóa trên kênh Gyeong-in giúp tiết kiệm nhiên liệu gấp 2,5 lần so với vận chuyển bằng đường sắt và 8,7 lần so với vận chuyển bằng đường bộ. Ước tính đến năm 2030, kênh Gyeong-in sẽ phục vụ việc vận tải của hơn 25 triệu tấn hàng hóa.
Tuyến đường thủy Gyeong-in còn đóng vai trò hình thành một không gian văn hóa, du lịch, giải trí mới trong khu vực đô thị. Ước tính đến năm 2030, kênh Gyeong-in sẽ phục vụ việc di chuyển của 1,05 triệu hành khách, lượng hành khách di chuyển giữa Hàn Quốc, Trung Quốc và các quốc gia lân cận khác sẽ đạt 0,6 triệu người/năm. Kênh Gyeong-in cũng trở thành điểm tham quan hấp dẫn của Hàn Quốc và là địa điểm lý tưởng cho những người yêu thích đạp xe.
Kênh Gyeong-in còn được coi là một giải pháp để Hàn Quốc ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Dự án đường thủy Gyeong-in được đánh giá là thân thiện với môi trường vì ước tính đến năm 2020 sẽ giảm 74.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm (số liệu của Viện Phát triển Hàn Quốc).
Không ít khách du lịch trong và ngoài Hàn Quốc khi đến thăm sông Hàn đã từng đặt câu hỏi: Tại sao Hàn Quốc sở hữu một con sông lớn chảy qua thủ đô như thế này nhưng lại không sử dụng cho nhiều mục đích đa dạng giống như một số nước phát triển khác? Với Hàn Quốc, hiện tại chính là thời điểm để tạo ra “kỳ tích sông Hàn của thế kỷ 21” bằng cách kết nối biển Hoàng Hải với sông Hàn thông qua một tuyến đường thủy mang tên Gyeong-in
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.