Giảm gần 35 ngàn vụ TNGT
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2015, cả nước xảy ra 22.404 vụ, làm chết 8.671 người, làm bị thương 20.556 người; so với năm 2014, giảm 2.918 vụ (-11,52%), giảm 325 người chết (-3,61%), giảm 3.861 người bị thương (-15,81%). Năm 2015 là năm thứ 2 liên tiếp số người chết vì TNGT giảm xuống dưới 9.000 người, là năm thứ 18 liên tiếp không để xảy ra tai nạn hàng không.
Nhìn lại toàn cảnh bức tranh ATGT của đất nước trong 5 năm qua để thấy những nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người dân với nỗ lực kéo giảm TNGT được chuyển biến từ nhận thức đến hành động. Sau nhiều năm, số người chết do TNGT luôn duy trì ở mức trên 12.000 người mỗi năm, năm 2010 là năm đầu tiên số người chết được kéo giảm xuống mức dưới 12.000 người. Kéo giảm TNGT được thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ, cả trước mắt và lâu dài với mục tiêu kéo giảm mỗi năm từ 5 - 10%, năm nào cũng là Năm ATGT với từng chủ đề cụ thể. Năm 2014 là năm đánh dấu số người chết do TNGT ở mức dưới 9.000 người.
Đặt trong bối cảnh khó khăn chung về kinh tế, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT cùng các bộ, ngành, địa phương đạt được nhiều kết quả to lớn trong đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT), đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm thiểu tai nạn, UTGT, thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn” theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Các công trình giao thông hoàn thành vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai, các trục giao thông hướng tâm, đường cao tốc, đồng thời phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn, cầu treo dân sinh.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, có được kết quả này là nhờ chúng ta đã bắt đúng “bệnh”, từ đó có những giải pháp hiệu quả, đồng bộ nhằm kéo giảm TNGT trên tất cả các lĩnh vực. Sau 5 năm triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT và 4 năm thực hiện Nghị quyết số 88-NQ/CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ, được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Bí thư, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong việc thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT và chống UTGT nên công tác bảo đảm TTATGT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có nhiều chuyển biến tốt, trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ được nâng cao, bước đầu thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm TTATGT trên phạm vi cả nước và chống UTGT ở hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tình hình TTATGT đã được kiềm chế, TNGT giảm liên tục cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương so với giai đoạn trước.
“Tính từ năm 2011 đến 2015, TNGT giảm trên 50% số vụ (-19,5%/năm), 23,7% số người chết (-7%/năm), 60% số người bị thương (-25%/năm), trong điều kiện dân số, nhu cầu đi lại và phương tiện cơ giới gia tăng nhanh (ô tô tăng 9,4%/năm và mô tô tăng 7,14%/năm). Điều đó khẳng định các giải pháp mà Chính phủ đã ban hành, nhất là các giải pháp trọng tâm trong Chỉ thị 18-CT/TW và Nghị quyết số 88-NQ/CP được triển khai thực hiện là phù hợp với thực tiễn, mang tính khả thi cao, cần phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ hơn trong các năm tiếp theo”, ông Hùng nhấn mạnh.
Kéo giảm 50% số người chết do TNGT
Đây là mục tiêu mà Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia chỉ đạo trong 5 năm tới với 7 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện. Theo đó, cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT; Chiến lược quốc gia về bảo đảm TTATGT đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Nghị quyết của Liên hợp quốc về "Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ giai đoạn 2011 đến 2020".
Đẩy mạnh kiểm soát kinh doanh vận tải |
Trong giai đoạn tới, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL; bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy chế độ, chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học - công nghệ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ, chú trọng các khâu quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, thanh tra, tuần tra, kiểm soát.
Bên cạnh đó, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ để bảo đảm tiến độ, siết chặt quản lý chi phí và chất lượng các hoạt động đầu tư xây dựng, bảo trì KCHTGT; nghiên cứu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; nghiên cứu xây dựng kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường thủy nội địa; tiếp tục rà soát, lắp đặt hệ thống biển báo giao thông phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ; thường xuyên rà soát và khắc phục kịp thời các điểm đen, vị trí mất ATGT.
Đối với lĩnh vực vận tải cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ và giảm giá cước vận tải đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không, giảm áp lực cho vận tải đường bộ; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh; đẩy nhanh tiến độ phát triển vận tải hành khách công cộng kết nối các đô thị trung tâm tỉnh với trung tâm huyện, các khu công nghiệp, cụm dân cư nông thôn, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị, xe buýt nhanh tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT; tập trung xử lý các vi phạm về hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, tải trọng phương tiện vận tải, an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo đảm ATGT của KCHTGT; các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông có nguy cơ cao dẫn đến TNGT.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm để kéo giảm TNGT là đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT tới mọi thành phần trong hoạt động GTVT, trong đó chú trọng vào tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho người thực thi công vụ; phổ biến quy định pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông đối với chủ xe, lái xe kinh doanh vận tải, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng và người điều khiển phương tiện cá nhân, đặc biệt là nhóm những người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; đẩy mạnh công tác giáo dục, phổ biến quy định pháp luật về TTATGT cho đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, đồng bào nghèo; xây dựng và triển khai thực hiện tuyên truyền vận động bảo vệ hành lang ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
Tăng cường thực hiện các giải pháp đồng bộ phòng, chống UTGT tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông đô thị; khuyến khích sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.