Vận tải ở nước ta hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp thiết cho việc kết nối giữa các phương thức vận tải (đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt và đường thủy nội địa). Thực tế cho thấy, sự phát triển các loại hình vận tải chưa đồng bộ, đơn cử khoảng 76% hàng hóa luân chuyển tuyến Bắc - Nam được chuyên chở bằng đường bộ, trong khi vận chuyển bằng các phương thức vận tải khác chiếm tỷ lệ thấp; khoảng 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận chuyển bằng đường biển. Thực tế đó đòi hỏi kết nối phương thức vận tải là khâu đột phá để mở ra hướng phát triển kinh tế, gắn kết quy hoạch cảng biển và các phương thức kết nối hàng hóa sau cảng, tạo chuỗi liên thông đồng bộ để giải phóng hàng nhanh, chi phí vận tải thấp.
Thời gian qua, Tổng cục ĐBVN, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam đã phối hợp, tăng cường kết nối các phương thức vận tải nhằm góp phần đưa ra các giải pháp đồng bộ, kịp thời trong công tác kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa tới cảng biển.
Trên cơ sở đó, việc đánh giá những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc trong việc kết nối với các phương thức vận tải, góp phần thiết lập lại thị trường vận tải bình đẳng, có cơ cấu thị phần hợp lý giữa các phương thức vận tải, góp phần giảm áp lực cho đường bộ, giảm thiểu TNGT đường bộ, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và giải quyết các vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước...
Thời gian qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình khảo sát, đánh giá thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện vận chuyển, thuyền viên, người điều khiển phương tiện, nguồn hàng và tuyến hàng vận chuyển; thủ tục hành chính; chi phí vận chuyển và hiện trạng kết nối đồng bộ các phương thức GTVT ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam để rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, triển khai các văn bản chỉ đạo thực hiện kết nối các phương thức vận tải, tái cơ cấu vận tải; thực hiện rà soát, đánh giá, triển khai các quy hoạch cơ chế chính sách, thực hiện quy hoạch của các ngành Hàng hải, Đường bộ, Đường thủy nội địa và Đường sắt trong việc thực hiện, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tổng thể liên kết các vùng kinh tế trọng điểm.
Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo thực hiện kết nối các phương thức vận tải đã tổ chức 4 đoàn công tác với thành phần các cảng vụ hàng hải, cảng vụ đường thủy nội địa, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tân Cảng Sài Gòn, các doanh nghiệp khai thác cảng biển đến làm việc với các sở GTVT các tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu chế xuất, cảng cạn (ICD) và các khu logistics; khảo sát hiện trạng cơ sở hạ tầng tại các cảng biển khu vực TP. Hồ Chí Minh (cảng Sài Gòn, cảng Cát Lái), Bà Rịa - Vũng Tàu (cảng Cái Mép - Thị Vải), cảng Cần Thơ (Cần Thơ) và Hải Phòng, Quảng Ninh (phía Bắc) và các điểm kết nối tại các nhà ga đường sắt (tại Hương Canh, Việt Trì, Yên Viên, Phả Lại, Cái Lân) và các cửa khẩu biên giới quốc tế (Lào Cai, Kim Thành - tỉnh Lào Cai), (Móng Cái - tỉnh Quảng Ninh), cảng bến thủy nội địa Việt Trì (Phú Thọ), các cảng cạn tại ICD Lào Cai, ICD Móng Cái...; khảo sát năng lực của các doanh nghiệp vận tải, sự phối hợp kết nối giữa các hình thức vận tải, nguồn hàng xuất, nhập khẩu và lưu thông nội địa phục vụ thị trường dân sinh trong nước.
Nhằm phát huy năng lực kết nối các phương thức vận tải để duy trì và triển khai công tác phối hợp kết nối các phương thức vận tải ngày càng đạt hiệu quả cao, các tổ công tác chủ động tham mưu và đề xuất với Ban Chỉ đạo thực hiện kết nối các phương thức vận tải xây dựng các tuyến vận tải kiểu mẫu như: Thiết lập 02 tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng với hình thức giảm giá thành vận tải trên tuyến, cải tiến kỹ thuật, giảm thời gian chạy tàu, nâng cao năng lực vận tải và dần thay thế bằng khổ đường ray đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tuyến vận tải thủy nội địa bằng sà lan từ cảng Quảng Ninh, Hải Phòng lên cảng Việt Trì (Phú Thọ).
Đối với các tỉnh phía Nam, nâng cao hiệu quả kết nối các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ; đẩy mạnh hiệu quả khai thác tuyến luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố nhằm đưa tàu có trọng tải lớn vào các cảng biển khu vực Cần Thơ; nâng cao hiệu quả khai thác tuyến luồng cho phương tiện thủy nội địa trên các tuyến luồng kết nối các cảng từ cảng Cần Thơ đến sông Soài Rạp; nghiên cứu triển khai xây dựng tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ đến năm 2020.
Để phát huy hiệu quả kết nối các phương thức vận tải, Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Bộ GTVT thực hiện cải tạo, khơi thông tuyến sông Hồng đoạn Việt Trì - Lào Cai để nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các cầu bến cảng thủy nội địa; tham mưu cho Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ nghiên cứu đầu tư nâng cấp 02 tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng với khổ tiêu chuẩn 1.435mm giúp nâng cao năng lực chạy tàu, đồng thời có nhiều chính sách ưu đãi đối với vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt.
Kết nối để phát huy tối đa tiềm năng TS. Bùi Thiên Thu Nếu muốn kết nối tốt các phương thức vận tải thì cần có các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp vận tải đa phương thức đủ mạnh..., bên cạnh đó là hệ thống hạ tầng (bến bãi, kho, cảng, luồng tuyến…) nhằm đáp ứng việc kết nối các phương thức vận tải. Để đẩy nhanh kết nối các phương thức vận tải đòi hỏi các cảng biển phải thực hiện tốt dịch vụ hậu cần sau cảng. Nếu tàu phải đợi bốc xếp hàng từ 3 đến 5 ngày thì hiệu quả luân chuyển sẽ rất kém. Vì vậy, dịch vụ hậu cần sau cảng rất quan trọng để xe vào giải phóng hàng nhanh, tiết kiệm cho chủ hàng, thời gian hàng nằm ở cảng càng ngắn càng tốt. Đơn cử như cảng Cái Lân (Quảng Ninh), tàu thường phải chờ đợi khá lâu để được bốc xếp hàng vì xe vào bốc xếp hàng rất chậm… Tàu bị “giam” hàng ở đây không phải là yếu tố năng lực của cẩu hay công nhân mà do kho bãi không có nên xe phải đợi… Vì một mắt xích bị lỗi mà cả một dây chuyền bị chậm, tất cả phải chờ đợi nhau. Vì vậy, các cảng phải bố trí được quỹ đất kho bãi của cảng. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.