Ngày hội ATGT đồng bào các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc năm 2017 tại Quảng trường 26 tháng 3, Tp. Hà Giang, tỉnh Hà Giang. |
Cùng chung tay, nỗ lực hơn nữa trong công tác đảm bảo ATGT
Ngày 23/12, tại Quảng trường 26 tháng 3, Tp. Hà Giang, tỉnh Hà Giang đã diễn ra Ngày hội ATGT đồng bào các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc năm 2017 do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang, đồng hành cùng Quỹ ATGT và phát triển cộng đồng tổ chức.
Đây là sự kiện tuyên truyền trung tâm của Ủy ban ATGT Quốc gia cùng các địa phương. Chương trình gồm sự kiện kết hợp sân khấu hoá, giao lưu giữa những người tham dự với những tấm gương điển hình trong công tác bảo đảm TTATGT, chia sẻ đau thương với các gia đình nạn nhân TNGT có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh HGTV (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Giang) và tiếp sóng trực tiếp trên kênh HTV4 Đài Truyền hình Tp. Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói nhân dân Tp. Hồ Chí Minh VOH.
Đặc biệt, trong "Ngày hội ATGT" lần này có tổ chức tập huấn về sơ cứu TNGT; thi tìm hiểu pháp luật ATGT cho thanh, thiếu niên nhằm phổ biến và tạo sự lan toả những thông điệp kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc cùng chung tay thực hiện quy định pháp luật và xây dựng văn hoá giao thông.
Phát biểu tại Ngày hội, bà Hà Thị Minh Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang chia sẻ, TNGT đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, cướp đi mạng sống, ước mơ, tương lai của nhiều trẻ, hy vọng của hàng vạn gia đình, để lại gánh nặng, nỗi đau xót cho bản thân, gia đình và xã hội.
“Để công tác đảm bảo TTATGT đạt hiệu quả cụ thể thì đòi hỏi các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể chúng ta cần nỗ lực hơn nữa, phải luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và triển khai có hiệu quả cụ thể.
Tôi cũng đề nghị nhân dân trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, vận động người thân trong gia đình cùng nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, cùng nhau hành động có trách nhiệm với chính mình, với gia đình, người thân, bạn bè và toàn xã hội, chủ động phòng ngừa và hạn chế nguy cơ xảy ra TNGT, giảm tổn thất không đáng có về tính mạng và tài sản”, Phó Chủ tịch Hạnh nhấn mạnh.
Bà Hà Thị Minh Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang phát biểu Khai mạc Ngày hội đồng bào các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc 2017. |
Phát biểu chỉ đạo tại Ngày hội, Ts. Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, một hệ thống giao thông thuận lợi, an toàn là điều kiện tiên quyết để xây dựng đất nước Việt Nam nói chung, các tỉnh miền núi phía Bắc và tỉnh Hà Giang nói riêng phát triển văn minh, hiện đại, một xã hội nhân văn, thân thiện là điểm đến thân thiện, an toàn với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Để làm được việc này, mọi người dân cùng cần phải thực hiện, nhưng trước hết là những cán bộ, chiến sĩ CSGT, thanh tra giao thông, các anh,chị em lái xe kinh doanh vận tải, các bạn đoàn viên, thanh niên phải đi tiên phong trong thực hiện quy định pháp luật và tuyên truyền vận động gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cộng đồng cùng xây dựng văn hóa giao thông.
“Chúng ta hãy cùng thực hiện và vận động người xung quanh thực hiện những hành động rất cụ thể như: Đã uống rượu bia – Không lái xe; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; không lạng lách, đánh võng; không sử dụng điện thoại khi đang lái xe; mặc áo phao hoặc mang dụng cụ cứu sinh khi đi đường thuỷ;... để cùng chung tay xây dựng môi trường giao thông Việt Nam ngày càng an toàn, thân thiện hơn”, Ts. Khuất Việt Hùng kêu gọi.
Ts. Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu chỉ đạo tại Ngày hội, |
Không lơ là, chủ quan trong dịp Tết
Trước thềm năm mới 2018, đây cũng là thời điểm thường gia tăng TNGT do tăng đột biến nhu cầu tham gia giao thông, Phó Chủ tịch Khuất Việt Hùng đã yêu cầu Ban ATGT các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương tổ chức triển khai đồng bộ Công điện số 1882/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm TTATGT dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội xuân 2018 phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.
Trong đó, Ban ATGT các tỉnh phải lập và triển khai Kế hoạch Năm ATGT 2018 với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em”, lấy trẻ em là mục tiêu và là động lực để xây dựng văn hoá giao thông an toàn tại địa phương. Trước hết là tất cả người lớn, các bậc ông, bà, cha, mẹ, thầy cô, giáo luôn nêu tấm gương tốt về tham gia giao thông an toàn. Đồng thời, luôn quan tâm đội mũ bảo hiểm cho con em mình mỗi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; không để con, em mình điều khiển xe mô-tô khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe.
Đối với ngành GTVT và chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch yêu cầu tăng cường sự quan tâm để tổ chức giao thông an toàn trên các tuyến đường có trường học và các điểm vui chơi, sinh hoạt của trẻ em. Ngành giáo dục cần đẩy mạnh công tác giáo dục lý thuyết và thực hành về ATGT cho học sinh các cấp. Ngoài ra, các ngành chức năng, các địa phương hãy tăng cường siết chặt kỷ cương công tác sát hạch, cấp giấp phép lái xe, đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ; bảo đảm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa; bảo đảm TTATGT trên địa bàn nông thôn, miền núi.
Đặc biệt là tăng cường tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô xe máy, xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm giả, mũ kém chất lượng; tiếp tục vận động, tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm về nồng độ cồn; kiểm soát tải trọng, ngăn chặn, xử lý hành vi chở quá tải trọng, bảo vệ cầu, đường cho nhân dân đi lại an toàn, êm thuận.
Khu vực trung du miền núi phía Bắc có 15 tỉnh gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái và Hà Giang. Diện tích Khu vực này chiếm 30,5% tổng diện tích cả nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2016, dân số của khu vực này là hơn 13 triệu người, chiếm 14,1% tổng dân số cả nước. Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, tình hình TNGT tại Khu vực trung du miền núi phía Bắc liên tục được kéo giảm qua từng năm qua. Từ năm 2013 đến hết tháng 11 năm 2017, tổng số vụ TNGT tại khu vực này là 9.903 trên tổng số 117.530 vụ cả nước, chiếm 8%. Tổng số người chết là 4.740 người trên tổng số 43.382 người trong phạm vi toàn quốc, chiếm 10%. Tổng số người bị thương là 9.839 người trên tổng số 109.458 người, chiếm 8%. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.