Kêu gọi hỗ trợ MBH Tằng Cẩu dành riêng cho phụ nữ dân tộc Thái

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 28/02/2017 06:15

Ủy ban ATGT Quốc gia kêu gọi sự hỗ trợ MBH dành riêng cho phụ nữ đồng bào dân tộc Thái có hoàn cảnh khó khăn.

DSC00360
Ủy ban ATGT Quốc gia trao tặng MBH dành riêng cho phụ nữ đồng bào dân tộc Thái tại Họp báo Công bố chương trình “Vận động hỗ trợ MBH dành riêng cho phụ nữ dân tộc Thái có hoàn cảnh khó khăn”.

Ngày 27/2, Ủy ban ATGT Quốc gia đã tổ chức Họp báo Công bố chương trình “Vận động hỗ trợ mũ bảo hiểm (MBH) dành riêng cho phụ nữ dân tộc Thái có hoàn cảnh khó khăn” nhằm thiết kế, sản xuất và hỗ trợ các MBH phù hợp với phong tục tập quán cho phụ nữ Thái. Hoạt động này nằm trong chương trình vận độ hỗ trợ MBH “Trọn nghĩa đồng bào, ấm tình cha mẹ”.

Đồng bào dân tộc Thái có một phong tục tập quán là phụ nữ sau khi kết hôn bắt buộc phải để búi tóc trên đầu. Búi tóc Tằng Cẩu này là nét bản sắc dân tộc không thể làm trái của người Thái. Tuy phong tục tập quán này là một nét bản sắc tốt đẹp, nhưng việc phụ nữ dân tộc Thái đội MBH khi tham gia giao thông gặp lại tồn tại rất nhiều bất cập.

Phát biểu tại Lễ công bố, Ts. Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định: “Những chiếc MBH thông thường chắc chắn không thể đem lại an toàn bởi lòng mũ nông, trong khi búi tóc trên đầu lại quá cao”.

DSC00409
Ts. Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia kêu gọi sự hỗ trợ MBH dành riêng cho phụ nữ dân tộc Thái có hoàn cảnh khó khăn.

Cũng theo Phó Chủ tịch Khuất Việt Hùng, việc sáng tạo và nghiên cứu MBH Tằng Cẩu dành cho phụ nữ dân tộc Thái là một yêu cầu hết sức cấp bách. Tuy nhiên, vì là “sản phẩm độc nhất thế giới” nên việc tạo ra một chiếc mũ đạt chuẩn, đảm bảo tính an toàn nhưng vẫn tôn vinh vẻ đẹp bản sắc dân tộc của người Thái gặp rất nhiều trở ngại.

“Sau thời gian dài nỗ lực, bằng tâm huyết và sự quyết tâm mạnh mẽ, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ đã hợp tác có hiệu quả và thành công trong nghiên cứu và thiết kế mẫu MBH dành riêng cho phụ nữ dân tộc Thái. Chiếc MBH Tằng Cẩu của ngày hôm nay đã nhận được nhiều tình cảm từ đồng bào dân tộc Thái”, Phó Chủ tịch Khuất Việt Hùng chia sẻ.

DSC00374
MBH Tằng Cầu do Công ty cổ phần kỹ thuật Hi (Hitech) thiết kế và sản xuất có hình thức trang nhã, tôn vinh vẻ đẹp bản sắc dân tộc của phụ nữ dân tộc Thái.
DSC00452
Hoa văn của dân tộc Thái được trang trí trên chiếc MBH còn có tác dụng phản quang trong đêm.

Cũng tại Lễ Công bố, Ủy ban ATGT Quốc gia kêu gọi cộng đồng xã hội, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các doanh nghiệp ủng hộ các hoạt động của chương trình, góp phần bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện cho phụ nữ đồng bào dân tộc Thái.

“Chúng tôi hy vọng, với sự hưởng ứng của toàn cộng đồng, chương trình này sẽ góp phần nâng cao nhận thức xã hội, hỗ trợ những người dân có hoàn cảnh khó khăn trong việc thực thi quy định về đội MBH, giúp giảm thiểu hậu quả do TNGT, xây dựng môi trường giao thông tại Việt Nam văn minh, an toàn và thân thiện”, ông Khuất Viết Hùng kêu gọi.

Tại Lễ Công bố, Ủy ban ATGT Quốc gia đã trao tặng 4.000 MBH Tằng Cẩu do Quỹ An toàn đường bộ Anh Quốc (SRF) tài trợ. Đồng thời, trao mũ tượng trưng cho 5 phụ nữ đồng bào dân tộc Thái đến từ Hòa Bình.

DSC00346
Ủy ban ATGT Quốc gia đã trao tặng 4.000 MBH Tằng Cẩu do Quỹ An toàn đường bộ Anh Quốc (SRF) tài trợ

 

DSC00376
Phụ nữ đồng bào dân tộc Thái rạng rỡ với chiếc MBH Tằng Cầu đạt chuẩn.

Chương trình vận động hỗ trợ MBH “Trọn nghĩa đồng bào, ấm tình cha mẹ” của Ủy ban ATGT Quốc gia đã phát huy hiệu quả rất tích cực với một số lượng lớn MBH cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Năm 2016 vừa qua, Ủy ban ATGT đã vận động hỗ trợ hơn 100.000 MBH đạt  chuẩn, đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ giảm thiểu thương tích do TNGT trong những năm gần đây. Tất cả MBH này đã được hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em, người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Sau gần 10 năm kể từ khi quy định bắt buộc phải đội MBH khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện đi vào cuộc sống, có thể nói rằng, đây là một quy định pháp luật về TTATGT có hiệu lực mạnh mẽ và được toàn dân ủng hộ, nắm bắt và tuân thủ một cách triệt để.

Trên thực tế, tỷ lệ đội MBH ở Việt Nam hiện được đánh giá thuộc nhóm cao nhất trên toàn thế giới bởi các tổ chức Quốc tế trong lĩnh vực An toàn giao thông và Y tế như: Liên hợp quốc, Hiệp hội an toàn giao thông đường bộ toàn cầu (GRSP), Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (AIP Foundation) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)….

Ý kiến của bạn

Bình luận