Phụ nữ dân tộc Thái rạng rỡ đón nhận MBH Tằng cẩu tại Yên Bái

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 20/09/2016 06:22

Ngày 20/9, Ủy ban ATGT Quốc gia đã trao tặng 1.000 MBH Tằng cẩu Hitech cho phụ nữ dân tộc Thái Đen trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

 

DSC00768
Ủy ban ATGT Quốc gia trao tặng 1.000 MBH Tằng cẩu cho đồng bào dân tộc Thái tại Yên Bái.

Tối ngày 20/9, Liên hoan Diễn xướng dân gian dân tộc Thái khu vực Tây Bắc năm 2016 đã được tổ chức long trọng tại sân vận động thị xã Nghĩa Lộ. Trong khuôn khổ của Liên hoan, Ủy ban ATGT Quốc gia đã trao tặng 1.000 mũ bảo hiểm (MBH) do Công ty Công ty cổ phần kỹ thuật Hi (Hitech) thiết kế và sản xuất cho phụ nữ đồng bào dân tộc Thái.

Theo phong tục của đồng bào dân tộc Thái, phụ nữ sau khi kết hôn bắt buộc phải búi tóc Tằng cầu trên đỉnh đầu. Điều này khiến việc đội MBH khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện không hề có tác dụng bảo vệ, thậm chí là gây ra sự khó chịu và bất tiện khi chấp hành Luật Giao thông. Đây cũng chính là “thách thức” rất lớn đối với phụ nữ dân tộc Thái khi vừa phải tuân thủ quy tắc giao thông, vừa giữ trọn vẹn bản sắc dân tộc mình.

DSC00726
Đại tá Nguyễn Hữu Biên - Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái đón nhận 1.000 MBH cho người dân tộc Thái từ Ủy ban ATGT Quốc gia.

Hiện nay, Công ty cổ phần kỹ thuật Hi (Hitech) đã thiết kế và sản xuất thành công loại MBH dành cho phụ nữ dân tộc Thái có búi tóc Tằng cẩu. Đây là loại mũ đầu tiên được thiết kế và được các cơ quan chức năng chứng nhận về quy chuẩn, đồng thời được sự bảo hộ từ các cơ quan quản lý nhà nước. 

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty Hitech cho biết, việc thiết kế loại MBH Tằng cẩu dựa trên tình yêu đối với dân tộc Thái. Trên hết là mong muốn góp phần giảm thiểu hậu quả đáng tiếc do TNGT gây ra cũng như tạo dựng nét văn minh một cách toàn diện trong việc tham giao thông.

DSC00751
Ông Bùi Danh Tú - Phó Giám đốc Sở GTVT, Ủy viên thường trực Ban ATGT tỉnh Yên Bái trao MBH tằng cẩu cho phụ nữ dân tộc Thái.

Chị Đồng Thị Quyên – người dân tộc Thái Đen tại phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ, trước đây, việc lựa chọn MBH rất khó khăn vì phải chọn loại mũ to, quai đeo dài để có thể đội chùm qua búi tóc Tằng cẩu. Tuy nhiên, ngay cả khi chọn được loại mũ ưng ý nhất thì việc đội MBH vẫn rất khó khăn.

“Chúng tôi thực sự không muốn đội MBH bởi nó rất bất tiện và vướng víu. Những chiếc MBH trước đây không chắc chắn khi đội vì thường bị lật, bị vẹo, thậm chí là chùm ra trước mặt khi lái xe. Nhưng không đội MBH thì sẽ vi phạm Luật Giao thông và bị CSGT xử phạt”, chị Quyên chia sẻ.

Cầm trên tay chiếc MBH Tằng cẩu, chị Quyên bày tỏ: “Chiếc mũ này rất đẹp, rất ấm khi trời lạnh và có thể đảm bảo an toàn. Nhất là mũ có thiết kế riêng cho búi tóc Tằng cầu nên việc đội rất chắc chắn và tiện lợi, hoàn toàn khác hẳn so với những loại MBH trước đây. Tôi rất vui vì loại mũ này giúp xóa đi những khó khăn trong việc đảm bảo an toàn và chấp hành Luật Giao thông.

DSC00782
Phụ nữ dân tộc Thái rạng rỡ với chiếc MBH Tằng cẩu

Theo ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, nhằm hướng tới mục tiêu toàn dân chấp hành đội MBH đạt chuẩn khi tham gia giao thông, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp sản xuất MBH và các chuyên gia đã tổ chức đã thiết kế thành công loại MBH dành riêng cho phụ nữ dân tộc Thái.

 “Việc nghiên cứu thành công và đưa vào áp dụng loại MBH Tằng cầu dành cho phụ nữ dân tộc Thái là giải pháp đảm bảo TTATGT thiết thực và cụ thể. Đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng núi phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn đã có được điều kiện tốt nhất khi chấp hành quy định bắt buộc đội MBH”, Phó Chủ tịch Khuất Việt Hùng khẳng định.

Cũng theo Phó Chủ tịch Khuất Việt Hùng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã giúp tình hình TTATGT có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là TNGT đã giảm mạnh cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm thiệt hại về người do TNGT chính là quy định bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay quy định này đã đi vào cuộc sống.

Từ năm 2011 đến nay, số người chết vì TNGT giảm gần 12.500 người so với giai đoạn 2006-2010. Trong 6 tháng đầu năm nay, TNGT tiếp tục được kéo giảm cả 3 tiêu chí. Cụ thể, toàn quốc xảy ra 10.227 vụ, làm chết 4.362 người, làm bị thương 8.939 người. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 952 vụ (-8,52%), giảm 116 người chết (-2,59%), giảm 1.213 người bị thương (-11,95%).

Ý kiến của bạn

Bình luận