Khai thác hiệu quả các cảng biển đầu tư bằng vốn ngân sách

Tác giả: Hải Hà

saosaosaosaosao
Thị trường 06/09/2019 08:51

Những năm qua, trong chiến lược phát triển kinh tế biển, vai trò của phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (KCHT) hàng hải là hết sức quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của các ngành kinh tế diễn ra trên biển, góp phần phát triển ngành vận tải biển và dịch vụ hàng hải, trong đó đặc biệt giúp nâng cao năng lực xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.

 

cai mep 1

Cho thuê khai thác KCHT hàng hải nhằm phát huy hiệu quả đầu tư

Trước năm 2003, việc quản lý khai thác KCHT cảng biển được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, thực hiện theo phương thức giao quản lý khai thác, nghĩa là Nhà nước đầu tư, xây dựng KCHT cảng biển rồi giao cho các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc các bộ, ngành Trung ương trực tiếp quản lý KCHT cảng biển; trực tiếp tổ chức kinh doanh, khai thác; trực tiếp quản lý nguồn nhân lực; trực tiếp duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, mở rộng, nâng cấp KCHT; chủ động trong hoạt động tài chính, ví dụ như cảng Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng… Nguồn thu chủ yếu của Nhà nước đối với phương thức này là thuế. Chính vì vậy, phương thức này không phát huy được sức mạnh tổng hợp, không tận dụng được sức mạnh của các thành phần kinh tế phi nhà nước, không quản lý được tài chính của doanh nghiệp nên việc thu hồi vốn đầu tư là rất khó. 

Từ năm 2003 - 2006,  việc quản lý khai thác KCHT cảng biển được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, thực hiện theo hai phương thức là giao quản lý và thí điểm cho thuê quản lý khai thác, cụ thể là Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 228/QĐ-TTg ngày 06/11/2003 thí điểm cho thuê quản lý, khai thác KCHT cầu 5, 6, 7 bến cảng Cái Lân. Sau 4 năm thực hiện thí điểm, phương thức cho thuê này đã được Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá có tính ưu việt trong việc đầu tư và thu hồi vốn cho Nhà nước, phù hợp với cơ chế thị trường trong thời kỳ hội nhập, tách bạch được hoạt động quản lý và hoạt động kinh doanh. Vì vậy, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng chính thức. Ngày 22/4/2008, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 585/TTg-KTN đồng ý kết thúc giai đoạn thí điểm và giao Bộ GTVT căn cứ tình hình cụ thể của các bến cảng, cầu cảng được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, quyết định việc cho thuê khai thác theo đúng quy định hiện hành.

Việc cho thuê khai thác KCHT hàng hải do Nhà nước đầu tư đã được thể chế hóa, quy định cụ thể tại Nghị định số 71/2006/NĐ-CP ngày 25/7/2006, Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21/3/2012, Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 và mới đây là Nghị định số 43/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ đã bổ sung thêm phương thức khai thác KCHT hàng hải do Nhà nước đầu tư, quản lý, gồm: Thứ nhất, giao cho cơ quan được giao quản lý tài sản trực tiếp tổ chức khai thác tài sản; thứ hai, cho thuê quyền khai thác tài sản KCHT hàng hải; thứ ba, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản KCHT hàng hải.

Từ khi được phép thí điểm cho thuê khai thác KCHT hàng hải từ năm 2003 đến nay, Bộ GTVT đã quyết định cho thuê khai thác 4 bến cảng, cầu cảng là Cái Lân, Cái Mép, Thị Vải và An Thới. Qua 16 năm thực hiện cho thuê khai thác KCHT cảng biển cho thấy chủ trương này của Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, phương thức cho thuê quản lý khai thác KCHT cảng biển đã phát huy được những ưu điểm nổi bật mà phương thức giao quản lý khai thác KCHT cảng biển không có được, đó là:

µTách bạch được hoạt động quản lý đầu tư và hoạt động kinh doanh khai thác cảng. Nhà nước chủ động thực hiện nhiệm vụ quản lý, doanh nghiệp chủ động thực hiện kinh doanh khai thác cảng. Đây là điểm khác biệt so với phương thức giao quản lý khai thác (doanh nghiệp trích khấu hao và sử dụng để đầu tư kinh doanh), đó là doanh nghiệp không được quản lý đầu tư mà chỉ thực hiện kinh doanh, khai thác, duy tu bảo dưỡng và bảo quản tài sản thuê, còn Nhà nước sẽ thực hiện quản lý tài sản, đầu tư mở rộng, nâng cấp tài sản và tái đầu tư từ nguồn thu cho thuê khai thác cảng.

Tận dụng được sức mạnh của các thành phần kinh tế phi nhà nước (bao gồm các công ty cổ phần, tư nhân trong nước và nước ngoài, liên doanh...) tham gia vào quản lý khai thác cảng biển. Khác với phương thức truyền thống là chỉ có doanh nghiệp nhà nước được kinh doanh, khai thác KCHT cảng biển được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, điều này làm cho doanh nghiệp Nhà nước có tính trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, không chủ động sản xuất kinh doanh.

Ngoài khoản thu từ thuế (là nguồn thu chính của phương thức giao), Nhà nước còn thu được tiền cho thuê KCHT cảng biển bao gồm thu cố định (trên cơ sở khấu hao tài sản hàng năm, lãi vay ODA, chi phí quản lý của bên cho thuê) và thu biến đổi (thu một phần lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thuê KCHT cảng biển). Vì vậy, hiệu quả đầu tư tài sản bằng nguồn vốn nhà nước cao hơn, Nhà nước có thể thu hồi được vốn đầu tư xây dựng KCHT cảng biển và sử dụng nguồn này để tái đầu tư, hàng năm có nguồn thu cố định để chi trả khoản vay ODA. 

Thời gian thu hồi vốn đầu tư ngắn hơn so với thời gian khấu hao của tài sản. Ví dụ cầu 5, 6, 7 bến cảng Cái Lân, vốn Nhà nước bỏ ra là 615 tỷ đồng, thời gian khấu hao KCHT là 50 năm, tuy nhiên theo thống kê kết quả kinh doanh hiện nay thì chỉ khoảng 24 năm là Nhà nước thu hồi được vốn đầu tư ban đầu.

Giảm chi ngân sách nhà nước do kinh phí duy tu, bảo dưỡng KCHT cảng biển do bên thuê chi trả.

Việc lựa chọn bên thuê cảng được công khai thông qua hình thức đấu thầu (từ năm 2013 đến ngày 11/3/2018) và đấu giá (từ ngày 12/3/2018 đến nay), tạo sự cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng trong kinh doanh khai thác cảng; đảm bảo an ninh - quốc phòng, KCHT cảng biển vẫn thuộc sở hữu của Nhà nước.

Rút ngắn hơn so với thời gian khấu hao tài sản

cai mep

 kết 4 hợp đồng cho thuê khai thác KCHT cảng biển đầu tư bằng ngân sách nhà nước với Công ty TNHH MTV Cảng Quảng Ninh (nay là Công ty CP Cảng Quảng Ninh) cho thuê khai thác KCHT cầu 5, 6, 7 bến cảng Cái Lân; Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho thuê khai thác KCHT bến cảng container quốc tế Cái Mép; Liên danh Công ty CP Dịch vụ vận tải Sài Gòn - Công ty CP Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước cho thuê khai thác KCHT cảng biển An Thới, Phú Quốc; Liên danh Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn - Công ty CP Cảng Dịch vụ DK tổng hợp Phú Mỹ - Công ty CP Vinacommodities - Công ty CP Tập đoàn Muối Miền Nam - Công ty CP Dịch vụ Hàng hải Dầu khí Hưng Thái cho thuê khai thác KCHT bến cảng tổng hợp Thị Vải. Với tổng số tiền cho thuê KCHT nộp ngân sách nhà nước tính từ năm 2006 đến 2018 khoảng 698 tỷ đồng. Kết quả hoạt động kinh doanh khai thác các cảng cho thuê bằng hoặc vượt so với kế hoạch đã dự tính tại các hợp đồng thuê, vì vậy thời gian thu hồi vốn đầu tư sẽ rút ngắn hơn so với thời gian khấu hao tài sản.

Đối với doanh nghiệp thuê khai thác cảng đã thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm của bên thuê theo hợp đồng thuê đã ký kết; quản lý, khai thác hiệu quả các bến cảng, cầu cảng thuê của Nhà nước, sản lượng hàng hóa thông qua liên tục tăng trưởng ổn định, doanh thu năm sau cao hơn năm trước; nộp đầy đủ tiền thuê và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, người lao động; tạo công ăn việc làm và mức thu nhập ổn định cho CB, CNV và người lao động làm việc tại cảng; chủ động đầu tư hoặc thuê lại kho bãi, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm quản lý khai thác cảng để nâng cao hiệu quả kinh doanh khai thác và quản lý điều hành hoạt động sản xuất tại cảng an toàn; chủ động quảng bá, marketing, tìm kiếm thị trường, khách hàng vào khai thác, sử dụng dịch vụ tại cảng.

Cần tháo gỡ những nút thắt để mô hình phát huy tối đa hiệu quả 

Để phương thức này phát huy được tính hiệu quả hơn nữa thì Nhà nước cần tháo gỡ những vấn đề sau: Chỉ đầu tư xây dựng KCHT bến cảng, cầu cảng và hệ thống hạ tầng giao thông kết nối như luồng lạch, đường sắt, đường bộ; phần trang thiết bị xếp dỡ, trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh khai thác cảng cho bên thuê cảng tự đầu tư hoặc Nhà nước đầu tư trang thiết bị thì lấy ý kiến của các đơn vị kinh doanh khai thác cảng để phù hợp với điều kiện khai thác thực tế, tránh lãng phí. 

Nhất quán giữa chủ trương quy hoạch ban đầu và quá trình triển khai thực hiện quy hoạch. Việc này ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư và khai thác của các doanh nghiệp cảng biển vì nhà khai thác cảng và phân phối hàng hóa cần có sự chắc chắn và khả năng dự đoán cho việc ra quyết định của họ. Đối với các cầu cảng, bến cảng được đầu tư bằng ngân sách đề nghị tiếp tục thực hiện phương thức cho thuê để thu hồi vốn đầu tư. Bên cạnh đó, Bộ GTVT nghiên cứu, báo cáo Chính phủ cho phép nhân rộng mô hình để cho thuê khai thác các KCHT hàng hải khác ngoài bến cảng, cầu cảng như luồng hàng hải, khu chuyển tải, khu neo đậu... (như quy định tại Nghị định 43/2018/NĐ-CP). Ngoài ra, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư thêm KCHT hàng hải từ nguồn thu cho thuê và cho thuê khai thác nhằm phát huy ưu điểm của phương thức này.

Chính phủ cần sớm đầu tư và triển khai hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt kết nối với khu cảng Cái Mép - Thị Vải đã được quy hoạch, bao gồm: Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (ưu tiên đầu tư dự án thành phần số 1 đoạn Biên Hòa - Tân Thành - Cái Mép); đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu để kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải với các địa phương trong vùng; xem xét phương án đầu tư cầu Phước An nối với Nhơn Trạch và cao tốc Bến Lức - Long Thành... đảm bảo hàng hóa lưu thông, tăng khả năng cạnh tranh với các cảng trong khu vực

Ý kiến của bạn

Bình luận