KH&CN góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Ứng dụng 24/10/2019 10:36

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) bắt nguồn từ Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn", một trong các nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 26-NQ/TW chỉ rõ: “Phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn...”.

 

1
Toàn cảnh Hội nghị.

Vừa qua, tại Nam Định, Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2021; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ưởng Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ưởng Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo của các Ủy ban của Quốc hội; Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các nhà khoa học; các điển hình tiên tiến trong xây dựng NTM,... Về phía Bộ KH&CN, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã tham dự Hội nghị.

4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia nêu rõ: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM bắt nguồn từ Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn" đề ra mục tiêu "Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Ðảng được tăng cường".

Một trong các nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 26-NQ/TW đã chỉ rõ: Tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ để nông nghiệp sớm đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực; ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học để chọn, tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình nuôi trồng, bảo quản, chế biến, tạo đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Xây dựng các chính sách đãi ngộ thỏa đáng để khai thác, phát huy tốt các nguồn lực khoa học - công nghệ, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ; thu hút thanh niên, trí thức trẻ về nông thôn, nhất là các ngành nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hoá. Tăng cường năng lực của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thú y, bảo vệ thực vật và các dịch vụ khác ở nông thôn; xây dựng các vùng sản xuất nông sản an toàn, công nghệ cao…

Để thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Bộ Chính trị đã giao Ban Bí thư chỉ đạo "xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và thông qua Ðề án về chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới, giao cho Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai thực hiện. Đề án đã lựa chọn 11 xã điểm tại 11 tỉnh, thành phố, đại diện cho các vùng khác nhau của đất nước để tổ chức triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sau chín năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM; 08 tỉnh, thành phố có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM (Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ); 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM...; chương trình hoàn thành trước gần hai năm so với chỉ tiêu Đảng, Quốc hội giao.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, thảo luận nhằm đánh giá những thành tựu, kết quả nổi bật của chương trình trong thời gian vừa qua, nhất là nhìn nhận, đánh giá lại công tác chỉ đạo triển khai, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới từ Trung ương đến cơ sở; đánh giá vai trò và sáng tạo của người dân; kinh nghiệm tuyên truyền, vận động thu hút, lôi cuốn người dân, giúp người dân thấy được quyền và lợi ích chính đáng của mình, từ đó sẵn sàng chung sức, đồng lòng tham gia xây dựng nông thôn mới. Từ đó chỉ ra những bài học kinh nghiệm, các giải pháp, cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ phù hợp với thực tiễn, thiết thực và hiệu quả hơn, để phát triển nông thôn hài hòa, hướng tới chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân ngày càng tốt hơn, trong đó tập trung vào xây dựng khung khổ chính sách cho xây dựng nông thôn mới của cả nước giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030; lựa chọn các nội dung để đưa vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng các cấp… 

3
Thủ tướng chủ trì Hội nghị. 

Xây dựng NTM là phong trào rất trúng, rất đúng

Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, xây dựng NTM là phong trào rất trúng, rất đúng, đi vào lòng người, khai thác được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị kết hợp sức mạnh của từng người dân, tạo nên thành tích to lớn, toàn diện, lịch sử. Chúng ta đã vượt kế hoạch đề ra và sớm hơn 1 năm rưỡi so với Nghị quyết 26. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thực sự đã tạo ra một bước đột phá lịch sử, làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên chúng ta đưa 3 nội dung (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) vào trong một nghị quyết nhằm thống nhất cao về nhận thức, tập trung sức chỉ đạo, huy động tổng thể nguồn lực cho phát triển 3 nội dung then chốt này với 3 mục tiêu khái quát, bao trùm. Đó là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, cải thiện nhanh chóng đời sống nông dân và xây dựng NTM giàu đẹp, bản sắc.

Thủ tướng cũng chỉ ra một số điểm tồn tại, hạn chế trong triển khai phong trào xây dựng NTM ở một số địa phương như việc chỉ đạo chưa đồng bộ, có lúc có nơi cấp ủy, chính quyền chưa sát sao, chưa quyết liệt, làm cho bức tranh phát triển không đồng đều, thậm chí ngay ở những nơi có điều kiện hay trong cùng những điều kiện giống nhau nhưng kết quả lại rất khác nhau; Các chỉ tiêu phát triển sản xuất, chăm lo môi trường sống cho người dân, củng cố chính quyền ở cơ sở chưa có được kết quả đồng bộ với kết quả phát triển hạ tầng; việc xử lý rác thải chưa được triển khai hiệu quả, đặc biệt là rác thải nhựa;…

“Chúng ta phải nhìn nhận những thách thức, nguy cơ đó để quyết tâm hơn, có biện pháp cụ thể hơn, nhất là trước nguy cơ biến đổi khí hậu. Phải tận dụng tối đa các cơ hội phát triển, hạn chế đến mức thấp nhất các nhân tố bất lợi, biến nguy cơ thành cơ hội”, Thủ tướng đề nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị trong thời gian tới các địa phương cần tục coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là thế mạnh, còn rất nhiều dư địa, là lợi thế trong tiến trình phát triển và hội nhập; Phải mạnh dạn, quyết tâm, dám đặt mục tiêu cao hơn. Các địa phương phải đi tiên phong để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đặc thù, xây dựng một vùng nông thôn xanh, sạch, đẹp và bản sắc, đáng sống. Xây dựng NTM không chỉ ở đồng bằng mà cả miền núi, làng bản, xã đảo. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phát động, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”.

Ý kiến của bạn

Bình luận