Khen thưởng học sinh cuối năm, chuyện không thể xem nhẹ

27/05/2019 06:06

Trường ở vùng khó khăn, lấy đâu ra kinh phí khen thưởng cuối năm? Trường ở vùng thuận lợi cũng không dễ vận động các khoản tài trợ

truong-loc-phat-9773-1558757829
Lễ phát thưởng cuối năm của trường THPT Lộc Phát năm học 2017-2018.

Thầy Nguyễn Hoàng Chương, Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát (Bảo Lộc, Lâm Đồng), chia sẻ góc nhìn về lễ phát thưởng cuối năm.

Mấy năm gần đây, trường tôi tổng kết năm học được tập trung vào phát thưởng, phông treo trên sân khấu dán dòng chữ: "Lễ phát thưởng năm học...". Trường bớt đi báo cáo dài dòng, không cần thiết cho học sinh (việc này đã làm kỹ trong sinh hoạt tổng kết ở tổ chuyên môn và kỳ họp toàn thể giáo viên, nhân viên trong nhà trường). Thầy cô, bộ phận văn phòng được giao nhiệm vụ, tập trung phát thưởng học sinh, lễ phát thưởng diễn ra ngắn gọn, suôn sẻ, ý nghĩa.

Đầu năm học lo tựu trường, khai giảng; cuối năm học nhiều việc phải làm để tổng kết, trong đó có phát thưởng học sinh. Chuỗi công việc ấy lặp đi, lặp lại, Ban giám hiệu nên chuẩn bị ngay từ đầu năm học. Khen học sinh có thành tích trong học tập, phong trào Đoàn, Đội, thể dục thể thao.... Hình thức, nội dung trên giấy khen được ghi và trình bày trang nhã, lời lẽ ngắn ngọn, súc tích.

Tổ chức khen thưởng học sinh, thầy cô làm vì trách nhiệm, nhưng học sinh và cả phụ huynh được khen sẽ vui lắm. Chuẩn bị phần thưởng và công việc phát thưởng, cần chọn giáo viên, nhân viên thạo việc, có tinh thần trách nhiệm để hạn chế sai sót. Lễ phát thưởng tổ chức toàn trường có nhiều người tham dự, mỗi sai sót dù nhỏ đều có thể gây hậu quả xấu.

Tiền để khen thưởng là khoản đáng kể đối với nhà trường, như trường tôi năm nay có 16 học sinh giỏi (phần thưởng cho mỗi em 200.000 đồng), có 356 học sinh tiên tiến (phần thưởng cho mỗi em 60.000 đồng), 20 em được khen thưởng các mặt (phần thưởng cho mỗi em 60.000 đồng), chưa tính đến khen thưởng các tập thể lớp, học sinh giỏi cấp tỉnh thì tiền thưởng đã là 25.760.000 đồng.

Trường đóng ở vùng khó khăn, lấy đâu ra kinh phí khen thưởng? Trường đóng ở vùng thuận lợi cũng không dễ vận động các khoản tài trợ. Biết vậy, nhiều hiệu trưởng tiết kiệm các khoản chi để có tiền khen thưởng cho học sinh, nhiều ít chưa bàn đến, học sinh thấy vui là được rồi.

Thưởng học sinh bằng quà hay tiền mặt? Câu trả lời là tùy từng khối lớp, có những năm ở trường tôi thay cho thưởng tiền, thầy cô tìm mua từ điển, dụng cụ học tập... Nhưng rồi một số học sinh không hài lòng.

Với 60.000 đồng/học sinh, thưởng bằng hiện vật, ngần ấy chỉ có thể mua tập vở, lưu ý chọn tập vở có bìa cứng, giấy tốt để học sinh khối 10, 11 sử dụng được cho năm học sau. Dù là thưởng bằng tiền mặt hay hiện vật, cần tôn trọng các em, để niềm vui ngày cuối năm học trọn vẹn.

Ngày xưa thời chúng tôi học phổ thông, học sinh giỏi nhận phần thưởng cuối năm khá nhiều. Vì ngoài phần thưởng nhà trường là phần thưởng của các nhà tài trợ, học sinh giỏi thời ấy không nhiều như bây giờ. Có lẽ cũng đến lúc tính toán lại chuyện khen thưởng học sinh, chỉ một số ít em nổi trội trong học tập và rèn luyện hoặc có thành tích đột xuất mới được khen thưởng cuối năm.

Dựa vào cơ sở nào để khen thưởng, nhà trường cần có tiêu chuẩn, tiêu chí; đừng gây áp lực cho học sinh, phụ huynh; quan trọng là nhà trường tư vấn (cho phụ huynh và học sinh), thầy cô chủ nhiệm xét khen thưởng công bằng, công tâm.

Theo tôi, chớ tổ chức lễ phát thưởng chỉ vì đại biểu hoặc xem nhẹ chuyện khen thưởng cuối năm, dẫn đến những sơ xuất về chuyện in ấn, quà thưởng. Việc khen thưởng luôn đòi hỏi trách nhiệm, tình cảm của thầy đối với trò. Khen thưởng nhợt nhạt, thầy trò dửng dưng, phụ huynh không vui, nhà trường rồi sao?

Sai sót nếu có (như chuyện vừa xảy ra ở quận Cầu Giấy, Hà Nội trong lễ tuyên dương học sinh tiêu biểu), trách nhiệm của ban tổ chức, nhưng cũng cần cảm thông từ phụ huynh. Khoan hãy đưa ra nhận xét cay nghiệt, khoan hãy để con em mình rơi vào trạng thái nghi ngờ nhà trường. Lúc này, cần lắm sự bình tâm để sẻ chia cùng nhà trường, chuyện nhỏ khi được thông tin đầy đủ và cộng hưởng giữa phụ huynh với thầy cô, học sinh được tuyên dương sẽ vui trở lại.

Việc khen thưởng có ý nghĩa nếu có sự hợp tác từ phụ huynh; không khí buổi lễ phát thưởng, phần thưởng nhờ vậy đong đầy hơn. Khen thưởng học sinh là hoạt động giáo dục quan trọng, theo đúng quy định hiện hành, nhưng nhà trường linh hoạt, mạnh dạn đổi mới. Hơn nữa, tấm lòng của thầy cô, ba mẹ gửi gắm cho học trò, con em bằng những món quà thưởng hôm nay, để ngày mai các em tiếp tục là con ngoan, trò giỏi, công dân tử tế.

Với học sinh chưa được khen, giáo viên chủ nhiệm khéo động viên để các em học tập gương sáng của bạn bè, biết tự mình cố gắng. Chăm chút cho khen thưởng học sinh, đó là thiết thực để học sinh, lớp học, nhà trường hạnh phúc.

Ý kiến của bạn

Bình luận