Khó khăn trong xử lý và “vấn nạn” xe quá tải bùng phát trở lại

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 01/05/2017 10:23

Tình trạng xe quá tải đã giảm được trên 90% sau khi Kế hoạch 12593/KHPH-BGTVT-BCA về kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) kết thúc vào tháng 6/2016. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện trên trên nhiều tuyến đường, “nạn” xe quá tải đã bùng phát trở lại.

images1003742_56
TTGT cân kiểm soát tải trọng xe

Xe quá tải tái diễn

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, sau khi Kế hoạch 12593/KHPH-BGTVT-BCA về KSTTX kết thúc vào tháng 6/2016, trong 4 tháng còn lại năm 2016, lực lượng chức năng tại các Trạm KSTTX lưu động, cố định và thanh tra các sở GTVT sử dụng cân xách tay tiến hành kiểm tra 161.130 xe, trong đó có 19.954 xe vi phạm tải trọng (chiếm 12,38%). Trong 2 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng tại các trạm KSTT xe lưu động, cố định và thanh tra các sở GTVT sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 42.553 xe, trong đó có 4.319 xe vi phạm (chiếm 10,15%). Tỷ lệ xe quá tải nêu trên chỉ phản ánh số liệu KSTT phương tiện chủ yếu trên các đường địa phương và quốc lộ ủy thác có thực hiện  KSTTX (các trạm KSTTX lưu động rút không hoạt động trên các quốc lộ không ủy thác).

Sau khi Kế hoạch phối hợp số 12593/KHPH-BGTVT-BCA kết thúc, một số địa phương vẫn chỉ đạo lực lượng CSGT phối hợp KSTTX tại các trạm KSTTX lưu động, cố định. Nhiều địa phương đã củng cố lực lượng, tiếp tục duy trì hoạt động của trạm KSTTX lưu động, cố định, kết hợp cân xách tay, tăng cường công tác KSTTX tại các cơ sở đầu nguồn hàng, mỏ vật liệu, các cảng nội địa... Qua kiểm tra, theo dõi tại những đoạn đường còn duy trì trạm KSTTX lưu động thì lượng xe quá tải đã được ngăn chặn. Tuy nhiên, từ ngày 01/3/2017, lực lượng CSGT hầu như đã rút hết khỏi các trạm KSTTX lưu động, không hoạt động trên các quốc lộ không ủy thác, đặc biệt QL1 đến thời điểm hiện tại chỉ còn 2 trạm KSTTX lưu động hoạt động (Lạng Sơn, Vĩnh Long) và trạm KSTTX Dầu Giây nên xe quá tải đường dài trên QL1, QL14, QL6, QL2, QL3, QL5, QL18, đường Hồ Chí Minh tái diễn và ngày càng phức tạp. Tình trạng xe cơi nới kích thước thành, thùng xe, chở hàng quá tải hoạt động công khai trên các quốc lộ đặc biệt là các tuyến đường địa phương, QL18, Bắc Ninh nhiều xe tải sử dụng thành, thùng cao khoảng 2m.

Cũng theo ông Huyện, hiện tại có 63 trạm KSTTX lưu động, trong đó: Đang duy trì hoạt động 41 trạm; tạm dừng hoạt động 23 trạm; công tác KSTTX vẫn được duy trì. Tuy nhiên, lợi dụng trạm KSTTX lưu động của một số địa phương tạm dừng hoạt động sau Hội nghị Tổng kết Kế hoạch 12593 để sắp xếp lại lực lượng và một số bộ cân lưu động đang đưa đi kiểm định, lực lượng CSGT rút không phối hợp tại các trạm KSTTX lưu động dẫn đến hoạt động của các trạm kém hiệu quả. Do vậy, một bộ phận chủ xe, lái xe vẫn cố tình cơi nới kích thước thùng xe, chở hàng quá tải, hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành xe. Mặt khác, chính quyền các địa phương đã vào cuộc nhưng thiếu quyết liệt, chưa thực sự gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo kiểm soát xe quá tải; việc kiểm soát xe quá tại tại đầu mối nguồn hàng còn chưa chặt chẽ. Một số địa phương vẫn chưa đưa trạm KSTTX lưu động vào hoạt động, khiến công tác KSTTX trên một số quốc lộ huyết mạch đang bị bỏ ngỏ, tình hình xe quá tải có xu hướng tăng trở lại, điển hình như QL1, QL13, QL14 qua khu vực Tây Nguyên; đường Hồ Chí Minh đoạn Hòa Lạc - Xuân Mai (Hà Nội), QL6 đoạn Hà Nội - Hòa Bình; tuyến tránh QL1 (Biên Hòa - Đồng Nai) và QL51… “Hiện vẫn xuất hiện các xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở hàng quá tải lưu thông trên QL1 (Bắc - Nam), đường Hồ Chí Minh đoạn Hòa Lạc - Xuân Mai (Hà Nội), QL6 đoạn Hà Nội - Hòa Bình và trên địa bàn một số địa phương, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất ATGT, ô nhiễm môi trường”, ông Huyện khẳng định.

20161108_075601
Tình trạng xe chở quá tải đang tái diễn

Cần có sự phối hợp để dẹp “giặc” quá tải

Ghi nhận tại một số địa phương, hầu hết lực lượng TTGT đều cho rằng việc ngừng Kế hoạch 12593 về phối hợp kiểm soát, xử lý xe quá tải gây nhiều khó khăn trong việc kiểm tra xử lý và tình trạng xe quá tải có nguy cơ tái diễn trở lại. Ông Lê Hồng Việt - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Từ khi Kế hoạch 12593 kết thúc tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, được sự chỉ đạo của UBND Thành phố, lực lượng CSGT vẫn phối hợp với lực lượng TTGT để KSTT tại các trạm cân do Thành phố đầu tư nên tình trạng xe quá tải trên địa bàn vẫn được kiểm soát, tình trạng vi phạm cũng hạn chế. Từ đầu tháng 3/2017, Bộ Công an có văn bản chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm việc chấm dứt Kế hoạch 12593, khiến hoạt động của các trạm cân có nhiều khó khăn, trước đây có 3 lực lượng phối hợp gồm CSGT, TTGT và Thanh niên xung phong, nhưng hiện nay lực lượng Thanh niên xung phong đã rút. Nếu lực lượng CSGT ngừng phối hợp, chỉ còn lực lượng TTGT thì ý thức chấp hành của các doanh nghiệp sẽ không cao”.

Ông Dương Mạnh Hưng - Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng: Khi chấm dứt Kế hoạch 12593, lực lượng TTGT rất mỏng, gặp nhiều khó khăn nên để giải quyết và xử lý tận gốc tình trạng xe quá tải thì rất khó. Bộ GTVT cũng nên có ý kiến với Bộ Nội vụ để có quy chế đặc biệt tăng cường biên chế cho lực lượng TTGT; tiếp tục triển khai kế hoạch phối hợp liên ngành để đảm bảo được lực lượng kiểm soát được tình trạng xe quá tải. “Hiện nay, chúng tôi chỉ đủ lực lượng bố trí tại các “điểm nóng” chứ không thể bao quát được tận gốc về xe quá khổ, quá tải trên toàn tỉnh”, ông Hưng nhấn mạnh.

Ông Lê Văn Trung - Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cũng cho biết, hiện vẫn còn một bộ phận chủ xe, lái xe cố tình cơi nới kích thước thùng xe, chở hàng quá tải bởi trên địa bàn Thành phố hiện có nhiều dự án, công trình xây dựng đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng, tập kết vật liệu kéo theo một lượng lớn phương tiện trọng tải lớn lưu thông, phục vụ theo nhu cầu. Mặt khác, lái xe, chủ xe vi phạm thường xuyên gây sức ép đối với lực lượng thi hành công vụ; không chấp hành, cố tình trì hoãn việc kí biên bản vi phạm hành chính. Trước tình trạng xe quá tải tái diễn thời gian gần đây, ngoài việc tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm đối với chủ xe và lái xe vi phạm chở quá tải trọng cho phép, hoán cải hoặc thay thùng xe trái quy định, Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng tại trạm KSTTX lưu động làm quyết liệt, nhưng nếu chỉ có lực lượng TTGT thì làm không xuể và nguy cơ xe quá tải tái diễn sẽ rất cao.

Trước thực trạng trên, nhằm siết chặt công tác KSTT phương tiện, không để tình trạng xe quá tải tái diễn, ông Nguyễn Văn Huyện đề nghị: UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các sở GTVT xây dựng kế hoạch KSTTX trên địa bàn của mình và khẩn trương đưa các trạm KSTTX lưu động hoạt động trở lại. Trong trường hợp không có lực lượng CSGT và lực lượng Cảnh sát khác, lực lượng TTGT chủ động thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ tại trạm. Tổng cục ĐBVN sẽ đề xuất Bộ GTVT xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác KSTT phương tiện có sự phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan (trong đó Bộ Công an và Bộ GTVT là nòng cốt) và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ GTVT và Bộ Công an xây dựng kế hoạch phối hợp (thời gian là 5 năm) trên cơ sở Kế hoạch phối hợp số 12593/KHPH-BGTVT-BCA, chỉnh sửa và bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch phối hợp cấp Bộ do 2 Thứ trưởng Bộ GTVT và Bộ Công an làm đồng Trưởng ban; địa phương có Ban chỉ đạo cấp tỉnh do lãnh đạo sở GTVT và Công an tỉnh làm đồng Trưởng ban; trước mắt thành lập ngay các trạm KSTTX lưu động đặt trên các đoạn quốc lộ có nhiều xe quá tải hoạt động; sau khi các Trạm KSTTX cố định hoàn thiện đưa vào hoạt động thì các lực lượng chức năng liên ngành sẽ thực hiện KSTTX tại các trạm KSTTX cố định. Trạm KSTTX lưu động sẽ chuyển sang KSTTX ở những đoạn quốc lộ không có trạm KSTTX cố định và các tuyến đường bộ địa phương thường xuyên có xe quá tải hoạt động.

Ý kiến của bạn

Bình luận