Khoa học công nghệ giữ vị trí then chốt trong phát triển kết cấu hạ tầng GTVT

Tác giả: Nam cường

saosaosaosaosao
Ứng dụng 19/02/2018 06:47

Mục tiêu chiến lược phát triển khoa học công nghệ (KHCN) của ngành GTVT là xây dựng hệ thống giao thông thông minh, thân thiện môi trường; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác quy hoạch, khảo sát thiết kế; làm chủ công nghệ thi công, công nghệ quản lý, bảo trì khai thác công trình giao thông tiên tiến, ứng dụng vật liệu mới trong xây dựng các công trình giao thông, đây là tiền đề quan trọng để hoạt động KHCN ngành GTVT phát triển trong thời gian tới.

z868998362126_2c8156a8c26fba7d675686ddbde91ec4

Tăng cường quản lý nhà nước về KHCN

Theo đánh giá của Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ GTVT, năm 2017 đã tập trung hoàn thành công việc xác định đề tài và tuyển chọn cơ quan chủ trì đề tài KHCN cấp Bộ năm 2018 theo đúng tiến độ, kế hoạch. Vụ đã tổ chức hội đồng tuyển chọn bổ sung nhiệm vụ đề tài KHCN năm 2017; đã thành lập 35 Hội đồng nghiệm thu và tổ chức nghiệm thu 27 đề tài cấp Bộ, thường xuyên đôn đốc các đơn vị khẩn trương hoàn thiện nội dung nghiên cứu theo tiến độ được phê duyệt, triển khai kiểm tra việc thực hiện kế hoạch KHCN tại các đơn vị.

Bên cạnh đó, Vụ Khoa học và Công nghệ đã tham gia đóng góp ý kiến các văn bản QPPL liên quan đến lĩnh vực KHCN do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành; đã xây dựng, ban hành 10 quy chuẩn Việt Nam, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 16 TCVN, giao các cục chuyên ngành công bố 3 tiêu chuẩn cơ sở. Ngoài ra, Vụ đã tích cực triển khai thử nghiệm, ứng dụng các công nghệ, vật liệu mới, kết quả nghiên cứu đề tài trong công tác xây dựng, bảo trì công trình giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không. Vụ đã phối hợp với các đơn vị xây dựng và trình Bộ GTVT để Bộ trình Chính phủ phê duyệt Đề cương “Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành GTVT”; đã tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và 4 năm thực hiện Nghị Quyết 46-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”. Vụ cũng đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đưa nhiều sản phẩm công nghệ vào áp dụng

Vụ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các đơn vị hữu quan tổ chức đánh giá tổng kết các công trình nghiên cứu như: Công nghệ tái sinh nguội bê tông nhựa tại chỗ bằng bi-tum bọt và xi măng (ban hành Quyết định số 2599/QĐ-BGTVT ngày 7/9/2017 quy định tạm thời về thiết kế, thi công và nghiệm thu lớp tái sinh nguội bê tông nhựa tại chỗ bằng bi-tum bọt và xi măng trong kết cấu áo đường ô tô); tiếp tục triển khai công nghệ cào bóc tái sinh nguội (bằng xi măng, nhũ tương, bi-tum bọt) trong các dự án bảo trì đường bộ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ Microsurfacing trong các dự án bảo trì quốc lộ (QL49, QL54, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, QL2)...

Vụ đã chỉ đạo ứng dụng sản phẩm đề tài nghiên cứu chế tạo tà vẹt bê tông dự ứng lực đặt ray phòng mòn, chống trật bánh trên khổ đường lồng tại các đường cong có bánh kính nhỏ hơn 300m (thay thế cho tà vẹt gỗ), đảm bảo kỹ thuật, kéo dài tuổi thọ, tiết kiệm và bảo vệ môi trường; lắp đặt thử nghiệm hệ thống phòng vệ tự động trên các đường ngang đường sắt đảm bảo ATGT; ứng dụng hệ thống giám sát tàu bay và phương tiện trên sân bay theo phương thức đa điểm công nghệ MLAT trong hàng không; thiết kế chế tạo các thiết bị, máy móc trong nước (thay thế nhập khẩu) như: Máy thử mỏi cho tà vẹt, phương tiện hỗ trợ cho người tuần đường trong đường sắt; hệ thống kiểm tra và thử nghiệm một số động cơ thủy lực trong GTVT; máy luồn cáp dự ứng lực; các thiết bị thử nghiệm trong lĩnh vực đăng kiểm (thử nghiệm vành, kính, ắc quy...).

Các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng sản phẩm công nghệ và quản lý nghiệp vụ cảng vụ thông qua danh bạ trực tuyến cảng/bến thủy nội địa, quản lý hạ tầng: Triển khai thử nghiệm lắp đặt 12 trạm đo mực nước tự động tại một số tuyến sông để cung cấp thông tin trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp; đèn báo hiệu lắp đặt GPS trên hệ thống phao tiêu báo hiệu đường thủy nội địa được số hóa; hải đồ điện tử đường thủy I-ENC; hệ thống thiết bị nhận dạng tự động (AIS) cho các phương tiện đường thủy.

Các đơn vị, doanh nghiệp quản lý nghiệp vụ hàng hải thông qua cơ sở dữ liệu đăng ký tàu biển, cơ sở dữ liệu về quản lý thuyền viên, cơ sở dữ liệu về các tuyến luồng hàng hải và hệ thống đèn biển; quản lý nghiệp vụ hàng không thông qua ứng dụng phần mềm CASORT liên quan đến cơ sở dữ liệu tàu bay và giám sát viên an toàn bay, hệ thống tự động quản lý không lưu (ATM), hệ thống tích hợp xử lý kế hoạch bay và dữ liệu bay, hệ thống xử lý điện văn không lưu (AMHS), các hệ thống SIM công nghệ 3D phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo; hệ thống đặt vé giữ chỗ toàn cầu (Galileo, Amadeus), hệ thống làm thủ tục hành khách (Sabres) của các hãng hàng không, hệ thống thông tin hành khách trước chuyến bay (APIS) tại các cảng vụ hàng không, hệ thống CUTE (Common Use Terminal Equipment) làm thủ tục hành khách tại các cảng hàng không.

Nhiệm vụ trọng tâm 2018

Để hoạt động KHCN ngày càng được đẩy mạnh, ứng dụng vào các lĩnh vực của Ngành, năm 2018, hoạt động KHCN ngành GTVT sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Ngành sẽ tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; hoàn thiện Đề cương “Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong GTVT” trình Chính phủ phê duyệt; tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng KHCN trong hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý cũng như trong hoạt động quản trị doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp; tiếp tục rà soát chỉnh sửa các tiêu chuẩn, quy chuẩn về GTVT theo tiến độ, đáp ứng yêu cầu thực tế; tăng cường kiểm tra việc áp dụng, thực hiện đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn; đẩy mạnh việc nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực công nghiệp GTVT theo hướng làm chủ công nghệ chế tạo các sản phẩm, thiết bị phục vụ trực tiếp cho ngành GTVT; chuẩn hóa các tiêu chí có liên quan đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho các loại hình phương tiện và các trang thiết bị trong ngành GTVT.

Tiếp tục nghiên cứu Hệ thống hóa và triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại về giao thông thông minh trong quản lý vận hành khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông như kiểm soát giao thông, kiểm soát tải trọng, thu phí điện tử; triển khai áp dụng công nghệ tái chế nóng mặt đường bê tông nhựa, công nghệ bê tông nhựa rỗng trong xây dựng, sửa chữa đường bộ...; đẩy mạnh thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng KHCN trong quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2013 - 2020”.

Ý kiến của bạn

Bình luận