Khoa học công nghệ GTVT: Tập trung các nhiệm vụ then chốt

Tác giả: Hoàng ngân

saosaosaosaosao
Ứng dụng 02/02/2017 05:05

Mục tiêu chiến lược phát triển khoa học công nghệ (KHCN) của ngành GTVT trong giai đoạn 2011 - 2020 đã được Chính phủ phê duyệt là: “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, thân thiện môi trường; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác quy hoạch, khảo sát thiết kế; làm chủ công nghệ thi công, công nghệ quản lý, bảo trì khai thác công trình giao thông tiên tiến, ứng dụng vật liệu mới trong xây dựng các công trình”. Để hoàn thành mục tiêu đó, hoạt động KHCN ngành GTVT năm 2016 đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng.

Anh bai.
Cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện

Tập trung quản lý khoa học công nghệ

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ GTVT), năm 2016, hoạt động KHCN đã tập trung hoàn thành công việc, xác định đề tài và tuyển chọn cơ quan chủ trì đề tài KH&CN cấp Bộ năm 2017 theo đúng tiến độ kế hoạch; tổ chức Hội đồng tuyển chọn, bổ sung nhiệm vụ đề tài KH&CN năm 2016; thường xuyên đôn đốc các đơn vị khẩn trương hoàn thiện nội dung nghiên cứu theo tiến độ được phê duyệt, triển khai kiểm tra việc thực hiện kế hoạch KHCN tại các đơn vị.

Bên cạnh đó, Vụ KH&CN đã tham gia góp ý kiến các văn bản QPPL liên quan đến lĩnh vực KHCN do Bộ KH&CN ban hành; tổ chức thành công Hội nghị Tổng kết hoạt động KHCN ngành GTVT giai đoạn 2011 - 2015, được Bộ GTVT đánh giá cao.

Đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật

Công tác xây dựng và chuyển đổi tiêu chuẩn năm 2016 được Vụ KH&CN xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vụ đã xây dựng, thẩm định trình Bộ ban hành quyết định giao nhiệm vụ kế hoạch năm và bổ sung nhiệm vụ đột xuất theo các yêu cầu của lãnh đạo Bộ cho các cơ quan, đơn vị chủ trì.

Công tác xây dựng kế hoạch tiêu chuẩn, quy chuẩn năm 2017 đã hoàn thành công việc giao nhiệm vụ tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các đơn vị chủ trì năm 2017 theo đúng tiến độ kế hoạch, đồng thời đã có văn bản gửi Bộ KH&CN thống nhất về kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn năm 2017 của ngành GTVT.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ GTVT đã ban hành 11 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), phối hợp với Bộ KH&CN công bố 21 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN); các tổng cục, cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ GTVT đã công bố 8 tiêu chuẩn cơ sở (TCCS). Bộ GTVT đã thành lập 45 hội đồng và tổ chức nghiệm thu 44 đề tài cấp Bộ. Cùng với việc xây dựng các nhiệm vụ ngành GTVT, Bộ đã tham gia đóng góp ý kiến đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn do các bộ, ngành khác (Bộ KH&CN, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...) xây dựng, ban hành, công bố.

cau bach dang
Nhiều công nghệ mới được ứng dụng vào xây dựng cầu

Quản lý kỹ thuật xây dựng công trình GTVT với nhiều đổi mới

Nhằm nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng giao thông, ứng dụng vật liệu mới vào các dự án, năm 2016, Vụ KH&CN đã tham mưu trình ban hành các vật liệu mới, công nghệ mới trong xây dựng công trình giao thông như: “Quy định tạm thời về thiết kế, thi công và nghiệm thu mặt đường bê tông nhựa có sử dụng phụ gia PR Plast S”; “Quy định tạm thời về thiết kế, thi công và nghiệm thu lớp phủ vữa nhựa polymer (Microsurfacing - Macro Seal)”; “Chỉ dẫn tạm thời về thiết kế, thi công và nghiệm thu mặt đường bê tông nhựa rỗng thoát nước có sử dụng phụ gia TAFPACK-Super”; “Quy định tạm thời về thiết kế, thi công và nghiệm thu mặt đường bê tông nhựa sử dụng nhựa đường cao su hóa”; “Quy định kỹ thuật về thiết kế, thi công và nghiệm thu lớp cào bóc tái sinh nguội tại chỗ bằng xi măng hoặc xi măng và nhũ tương nhựa đường trong kết cấu áo đường ô tô”; “Chỉ dẫn kỹ thuật tạm thời về thiết kế, thi công và nghiệm thu bê tông nhựa chặt thông thường có sử dụng phụ gia SBS trộn với cốt liệu nóng tại trạm trộn”...

Vụ đã chủ trì công tác triển khai thử nghiệm các công nghệ, vật liệu mới: Công nghệ gia cố vật liệu cào bóc từ kết cấu áo đường bê tông nhựa cũ bằng hỗn hợp polymer; thử nghiệm vật liệu nhựa đường đá Button trong hỗn hợp bê tông nhựa; thử nghiệm đánh giá chất lượng nhựa đường PMB 40 và PMB 60 của Nga; đánh giá tổng kết công tác sử dụng phụ gia SBS trong hỗn hợp bê tông nhựa nóng; phương pháp MITS-CDM thi công cọc xi măng đất; tiếp tục triển khai công nghệ cào bóc tái sinh nguội trong các dự án bảo trì trên QL1, QL20...; triển khai ứng dụng công nghệ gia cố đất HRB tại QL14C qua các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai; tham mưu cho lãnh đạo Bộ về chủ trương áp dụng lớp bê tông nhựa rỗng thoát nước tại các dự án đường cao tốc, đường đèo: Đèo Prenn, đèo Mimosa, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Vụ cũng đã chủ trì và tham gia phối hợp tham mưu cho lãnh đạo Bộ giải quyết các vấn đề kỹ thuật của Ngành như: Chỉ đạo khắc phục sự cố cầu An Thái; phương án thi công cầu Ghềnh; phương án sửa chữa gối cầu ON6, OB6 cầu dẫn đường bộ cầu Thăng Long; đánh giá khai thác an toàn cầu đường sắt Việt Trì, phương án tổ chức giao thông qua cầu Việt Trì, Hạc Trì; đánh giá hiện trạng hầm Hải Vân 1, đề xuất lựa chọn giải pháp thiết kế, thi công mở rộng hầm Hải Vân 2 đảm bảo kinh tế - kỹ thuật, an toàn và tối ưu dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả; kiểm tra công tác thi công đắp đá ở dự án hầm Đèo Cả; công nghệ cọc đất gia cố xi măng cầu Yên Xuân; phương án sửa chữa cầu Vĩnh Hảo 1; dầm hộp và xà mũ dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; phương án sửa chữa mặt cầu Yên Lệnh; giải pháp sửa chữa hư hỏng QL1 tuyến tránh Kỳ Anh, QL1 đoạn qua tỉnh Bình Định, Phú Yên...

Tập trung kỹ thuật công nghiệp GTVT

Trong năm qua, Vụ KH&CN đã chủ trì công tác triển khai thử nghiệm công nghệ tách khí HHO từ nước trên đầu máy diezen (sử dụng thiết bị HHO-ECOFIRE); phối hợp với các đơn vị tham mưu cho Bộ triển khai ứng dụng các công nghệ hiện đại về kiểm soát giao thông, kiểm soát tải trọng, thu phí điện tử trên các tuyến quốc lộ; tham mưu lãnh đạo Bộ các vấn đề về ITS, như: Ban hành Yêu cầu kỹ thuật chung về thu phí ETC sử dụng công nghệ RFID; ban hành Chỉ dẫn kỹ thuật về thu phí ETC sử dụng công nghệ RFID; cho ý kiến kinh tế kỹ thuật của dự án ETC của QL1 và QL14; công nghệ thu phí và kiểm soát tải trọng xe dự án QL1; báo cáo Bộ về đề xuất ETC của VNPT; đánh giá về đề xuất ETC của Viettel...

Năm 2017, tập trung đẩy mạnh ứng công nghệ mới phát triển kết cấu hạ tầng

Năm 2016, các dự án lớn của ngành GTVT như QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã cơ bản hoàn thành. Bên cạnh đó, Ngành đang tập trung hoàn thành các dự án cao tốc, song song với đó là đẩy mạnh để đưa các công nghệ, kỹ thuật mới vào triển khai thi công đảm bảo chất lượng công trình.

Về các dự án đang triển khai, các đơn vị cần tập trung vào giải quyết vấn đề kỹ thuật, công nghệ tại Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành; các cầu lớn như Vàm Cống, Cao Lãnh, Bạch Đằng… Đây là những dự án lớn có kết cấu kỹ thuật phức tạp.

Bên cạnh đó, Vụ KH&CN cùng với các đơn vị hữu quan của Bộ GTVT tập trung xử lý nền đất yếu, đưa phụ gia vào xử lý đất yếu ở đồng bằng sông Cửu Long; nghiên cứu hoàn thiện công nghệ đã có như sử dụng một số loại phụ gia SBS, PRPlast… để tăng chất lượng bê tông nhựa; đẩy mạnh ứng dụng thu phí điện tử tự động không dừng, đảm bảo hiệu quả nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, công khai, minh bạch, qua đó năng lực hệ thống quản lý đường bộ tăng lên rất nhiều; triển khai ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản lý điều hành của Bộ, đặc biệt là xử lý xe quá tải, đăng kiểm xe cơ giới…, góp phần giúp người dân, doanh nghiệp rút ngắn thời gian, chí phí.

Đối với một số lĩnh vực khác đã có những nghiên cứu, ứng dụng KHCN mang lại hiệu quả nhất định. Ngành Hàng hải đã nghiên cứu, nâng cao hiệu quả sử dụng của một số luồng tuyến để phát huy hiệu quả tối đa các tàu cỡ lớn ra vào nhằm tăng cường hiệu quả vận tải đường thủy. Ngành Đường thủy nội địa nghiên cứu chống va xô các trụ cầu, hạn chế xảy ra sai sót như một số vụ đâm va trụ cầu thời gian qua. Ngành Đường sắt đã áp dụng công nghệ hiện đại đảm bảo an toàn chạy tàu như đặt thêm hệ thống ray phụ để chống mài mòn ray, chống trật bánh ở một số tuyến đường sắt, hệ thống cảnh báo đường ngang tự động của Đức, Italia để nâng cao an toàn đường sắt.

Năm 2017, toàn ngành GTVT tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới và phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là công nghệ thông tin trong liên kết, chia sẻ thông tin để đáp ứng yêu cầu xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; phát huy tối đã công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng công trình giao thông.

PGS. TS. Hoàng Hà

Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ

Ý kiến của bạn

Bình luận