Khởi công 18 dự án, hoàn thành 14 công trình giao thông lớn

Đường bộ 25/12/2021 09:26

Sáng nay (25/12), Bộ GTVT tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

 

z3052219260316_c0b1cb5da1a10cbc3b1366aeb513f6b3
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đến tham dự và chỉ đạo hội nghị

 Đưa hàng loạt công trình lớn vào khai thác

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, năm 2021, Bộ GTVT đã nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ công tác.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, công tác đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và giải ngân vốn đầu tư công đã được Bộ GTVT tập trung chỉ đạo quyết liệt, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư 67 dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025.

“Đến nay, 42/51 dự án nhóm B, C đã được phê duyệt chủ trương đầu tư theo thẩm quyền; Bộ GTVT đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3/10 dự án nhóm A; trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 2/6 dự án quan trọng quốc gia”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, nhận thức rõ vai trò và nhiệm vụ cấp thiết của ngành, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép, Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc, giám sát chặt chẽ công tác giải ngân vốn đầu tư công, lấy kết quả giải ngân là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá cán bộ cuối năm.

Bộ GTVT đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về công tác giải ngân vốn đầu tư công do Bộ trưởng làm Tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, xử lý ngay những cơ quan chậm trễ trong công tác giải ngân; định kỳ hàng tháng, lãnh đạo Bộ họp chỉ đạo, đôn đốc tiến độ thực hiện.

“Bộ GTVT đặc biệt quan tâm đến chất lượng công trình, coi việc bảo đảm chất lượng là ưu tiên hàng đầu ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, thiết kế, dự toán. Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lãnh đạo Bộ, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc tiến độ thi công, làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm thông tin.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành thủ tục và khởi công 18 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 14 dự án, điển hình như dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; Dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất;  Bàn giao dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông cho TP. Hà Nội đưa vào vận hành, khai thác; Khởi công dự án tuyến tránh QL91 qua Long Xuyên; Dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc,...

Trong năm 2021, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công lên tới hơn 43 nghìn tỷ đồng, kết quả giải ngân hàng tháng của Bộ nằm trong số các bộ, ngành đạt tỷ lệ giải ngân cao so với bình quân chung của cả nước. Công tác quyết toán dự án hoàn thành tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo sát sao, đến nay các cơ quan đã thẩm tra, phê duyệt quyết toán 45 dự án với tổng giá trị 16.043 tỷ đồng.

Về công tác lập các quy hoạch quốc gia chuyên ngành, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu được Bộ tập trung hoàn thành theo chỉ đạo của Chính phủ. Bộ đã tổ chức công bố 04/04 quy hoạch chuyên ngành quốc gia về đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay Bộ đnag khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai theo Luật quy hoạch. Riêng quy hoạch chuyên ngành hàng không, Bộ đã hoàn thiện theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2021.

thu truong nguyen duy lam
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm báo cáo tại hội nghị

 Không để đứt gãy hoạt động vận tải

Liên quan đến việc bảo đảm hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tại nước ta đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều thành phần kinh tế, trong đó có lĩnh vực vận tải.

Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, các địa phương và sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác phòng chống dịch nói chung và công tác bảo đảm hoạt động vận tải nói riêng đã có nhiều chuyển biến, đạt được kết quả tích cực.

Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp vận tải nhằm bảo đảm không để bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân và nguyên vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Cụ thể, Bộ GTVT đã thành lập tổ công tác đặc biệt về bảo đảm hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19; thành lập các đoàn kiểm tra tại 22 địa phương về tổ chức hoạt động vận tải, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19;

Bộ GTVT cung ban hành 5 hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực ; đề nghị các địa phương rà soát, thu hồi các quy định đã ban hành không phù hợp, trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, để chủ động phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, Bộ GTVT đã xây dựng, ban hành kế hoạch vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần năm 2022 .

“Ngành GTVT đã cố gắng, nỗ lực hết sức mình để duy trì, đảm bảo hoạt động vận tải được thông suốt, an toàn, kịp thời trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp nhằm phục vụ mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế ở mức cao nhất có thể theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết.

Về việc hỗ trợ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phụ trách gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Bộ GTVT đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải; thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ trưởng làm Tổ trưởng đễ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đồng thời, Bộ GTVT đã đề xuất các cấp thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách giảm phí để hỗ trợ các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thuỷ nội địa .

Bộ GTVT cũng kịp thời chỉ đạo tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí đóng trên địa bàn các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo quy định tại Chỉ thị số 16 ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; miễn phí cho các phương tiện tham gia vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa qua trạm thu phí; miễn phí đối với các phương tiện chở cán bộ, nhân viên y tế, người tăng cường hỗ trợ vùng dịch, các phương tiện chở người từ vùng dịch về các địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã tổ chức nhiều cuộc họp  với các Hiệp hội, doanh nghiệp vận tải trong cả nước để chỉ đạo tháo gỡ, hướng dẫn kịp thời đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền. Đến nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, doanh nghiệp để tiếp tục xử lý, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong điều kiện dịch bệnh.

Ngoài ra, trong năm 2021, Bộ GTVT đã đạt được nhiều kết quả nổi bật ở các lĩnh vực: Xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật;; Công tác đảm bảo trật tư, an toàn giao thông;…..

Về sản lượng vận tải (cập nhật đến tháng 11/2021), vận tải hành khách lũy kế 11 tháng ước đạt 2.268 triệu lượt khách, giảm 30,1% so với cùng kỳ; Luân chuyển hành khách ước đạt 90,843 triệu HK.km giảm 38,4% so với cùng kỳ. Trong đó, vận chuyển hàng không (-53,5%), đường bộ (-30%), đường biển (-34,5%), đường sắt (-60%), đường thủy (-27,1%); Vận tải hàng hóa lũy kế 11 tháng ước đạt 1.471 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ; Luân chuyển hàng hóa ước đạt 300,7 tỷ tấn.km giảm 1,7% so với cùng kỳ. Trong đó, vận chuyển hàng không (-5,9%), đường bộ (-9,4%), đường thủy (-5,3%), đường biển (+3,1%), đường sắt (+10,3%).

Về sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển (cập nhật đến tháng 11/2021), ước tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 11 tháng năm 2021 đạt 647 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: Hàng xuất khẩu đạt 167,704 triệu tấn, tăng 4% với cùng kỳ năm 2020; Hàng nhập khẩu đạt 199,5 triệu tấn, giảm 3% với cùng kỳ năm 2020; Hàng nội địa đạt 278 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020; Hàng quá cảnh bốc dỡ đạt 1,77 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020; Ước khối lượng hàng container thông qua cảng biển 11 tháng đầu năm 2021 đạt 22,008 triệu Teus, tăng 8% so với năm 2020, trong đó: Hàng xuất khẩu ước đạt 7,226 triệu Teus, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020; Hàng nhập khẩu ước đạt 7,205 triệu Teus, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020; Hàng nội địa ước đạt 7,577 triệu Teus, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020.

Ý kiến của bạn

Bình luận