Hiện trường vụ tai nạn trên cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc vào đêm 8-11 |
Ngay sau thông tin về vụ tai nạn liên hoàn trên cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc (Hà Nội) làm 1 người chết, tài xế gây tai nạn nhảy cầu tự tử thì trên mạng xuất hiện bài viết về việc nhiều người đi đường khi thấy tai nạn đã không giúp đỡ nạn nhân mà chỉ lo chụp ảnh, quay phim để sau đó tung lên mạng câu view…
* ThS Nguyễn Minh Sơn (Viện KSND tỉnh Kiên Giang):
Lẽ ra nên gọi điện cho các cơ quan chức năng
Việc thấy người gặp nạn nhưng chỉ đứng quay phim, chụp hình để đưa lên Facebook nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận là hành vi đáng lên án.
Theo lối sống của người châu Âu, khi gặp người bị nạn họ không cứu giúp mà sẽ lập tức điện thoại đến cơ quan cứu hộ để cứu nạn nhân. Lý do vì họ nghĩ mình không phải là lực lượng cứu hộ, họ sợ không có chuyên môn cứu hộ sẽ làm xấu đi tình trạng của nạn nhân.
Dù thế nào đi chăng nữa, sự thờ ơ, thói vô cảm là hành vi đáng lên án về mặt đạo đức và xã hội.
Lẽ ra khi gặp người bị nạn, người đi đường có thể điện thoại cho các cơ quan cứu hộ đến hoặc giúp đỡ nạn nhân trong khả năng mình có thể thì họ lại đứng đó chụp hình, quay phim đăng lên mạng và bỏ đi khi nạn nhân nhờ giúp đỡ. Hành vi này nên bị phê phán một cách quyết liệt!
* Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư TP Hà Nội):
Khó xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự
Để kết tội chủ thể không cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo điều 102 là không dễ.
Để xác định được chủ thể của tội danh này, phải xác định được những người đó có đủ năng lực hay nghiệp vụ cứu giúp hay không, việc không cứu giúp có xảy ra hậu quả khiến các nạn nhân tử vong hay không.
Trước đây tôi đã bào chữa cho bị cáo là bảo vệ hồ, khi thấy người dân đi câu cá trộm đã đuổi theo. Mấy người đi câu cá trộm bị đuổi nên nhảy xuống hồ rồi chấp chới dưới nước.
Bảo vệ không những không cứu mà còn lấy đá ném xuống hồ và cuối cùng người đi câu cá trộm bị chết. Vụ ấy, bảo vệ bị xét xử tội không cứu giúp người khác.
Hay có một vụ quẹt xe trên đường cao tốc, tài xế ôtô sau khi gây tai nạn đã xuống xem nạn nhân nhưng thấy nạn nhân bị nặng thì bỏ đi khiến nạn nhân tử vong.
Như vậy, có thể hiểu tội không cứu giúp người khác được áp dụng cho chủ thể liên quan trực tiếp đến vụ việc. Ở đây, rất khó chứng minh việc những người đi đường dùng điện thoại quay phim là những người có điều kiện mà không cứu giúp người khác.
Vì vậy, tôi cho rằng cần giáo dục cho người tham gia giao thông không chỉ trách nhiệm pháp luật mà còn ứng xử đạo đức.
* Luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn luật sư TP.HCM):
Mức phạt hành chính từ 500.000 đến 1 triệu đồng
Trong thực tế, việc xử lý người không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng còn nhiều khó khăn bởi lẽ phải xem xét cẩn trọng các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi không cứu giúp và hậu quả mới xử lý...
Pháp luật quy định hành vi bỏ mặc người bị tai nạn giao thông đã vi phạm điểm đ, khoản 3, điều 11 của nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ. Mức phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng.
Pháp luật hình sự cũng có quy định: “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” được quy định tại điều 102 Bộ luật hình sự. Tội này có hình phạt thấp nhất là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nhưng tội danh này trên thực tế rất ít xảy ra và rất khó áp dụng, khi xảy ra tai nạn nhiều người tham gia giao thông thường chỉ đứng xem rồi bỏ đi.
“Luật quy định rất cụ thể (điều 102 Bộ luật hình sự) nhưng mấy chục năm làm công tác xét xử, tôi chưa từng thấy tòa xử được bị cáo nào về hành vi này. Xét dưới góc độ đạo đức, con người đối xử với nhau ngày càng vô cảm. Khi ra đường thấy chuyện bất bình họ chỉ đứng chứng kiến hoặc bỏ đi vì sợ liên lụy đến bản thân mình. Đó là thực trạng đáng buồn hiện nay. Suy cho cùng, sự thờ ơ vô cảm, dửng dưng khi người khác gặp nạn cũng là do văn hóa, do giáo dục mà nên”. Ông TRƯƠNG VIỆT TOÀN (Phó chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội) “Tôi nghĩ trong vụ việc này, đánh giá về phạm trù đạo đức và ứng xử thì đúng hơn việc quy trách nhiệm hình sự đối với người quay clip. Bởi thực tế cứu giúp mà không cứu giúp đúng cách còn làm nặng hơn tình trạng của nạn nhân. Luật quy định nói là có điều kiện mà không cứu giúp, ví như trong đám đông có bác sĩ có đủ điều kiện mà không cứu thì có thể xem xét trách nhiệm. Thực tế, luật có nhưng khó xem xét và xử lý”. Bà VŨ THỊ XUÂN NHUỆ (Kiểm sát viên Viện KSND TP.HCM) |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.