Những chiếc ghe hút trộm cát trên sông Đồng Nai (P.Long Phước, Q.9, TP.HCM) hồi tháng 4-2015 |
Hội nghị diễn ra ngày 27-10. Cùng chủ trì hội nghị có Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương phát biểu thẳng thắn, không né tránh về nạn “cát tặc”, bởi đây là vấn đề nhức nhối mà cử tri cả nước và nhất là người dân sinh sống ở các địa bàn có vi phạm đều đòi hỏi sớm ngăn chặn.
Gây thất thu hàng nghìn tỉ đồng
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: không cấm khai thác cát, sỏi lòng sông, nhưng phải theo quy hoạch, theo kế hoạch và quy định pháp luật.
Trong khi đó, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra nhiều năm qua để lại những hậu quả nghiêm trọng, phá hoại môi trường, làm thất thu thuế của Nhà nước.
Bên cạnh những nỗ lực phòng chống của các cơ quan chức năng, vẫn có nhiều nơi còn lơ là, buông lỏng, thậm chí để xảy ra hiện tượng bảo kê, bao che, khiến người dân oán thán.
Nhắc đến việc mới đây trực tiếp xuống tận địa bàn nóng thuộc huyện Thường Tín (TP Hà Nội) để kiểm tra, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói chỉ riêng Hà Nội, tình trạng khai thác cát trái phép có thể làm thất thoát lên đến hàng nghìn tỉ đồng.
Đó mới là một địa phương, còn nhiều nơi khác vi phạm diễn ra rất ngang nhiên, phải làm rõ trách nhiệm mỗi cấp, mỗi ngành từ chủ tịch xã đến các cấp cao hơn.
Nêu lại thực tiễn chỉ đạo vụ xử lý đối tượng cộm cán Tú “khỉ” (tỉnh Hưng Yên), một đối tượng chuyên bảo kê khai thác cát trên sông Hồng, sau khi đối tượng này bị bắt vào năm 2013 thì tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Hưng Yên được lập lại rất tốt.
Lãnh đạo Bộ Công an cho biết vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trên sông và cửa biển làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự.
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu (thứ trưởng thường trực Bộ Công an) nói từ năm 2009 đến nay xảy ra hàng loạt vụ các đối tượng hút cát trái phép dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, tranh giành địa bàn, khu vực khai thác.
Nghiêm trọng hơn là đối tượng khai thác cát trái phép có hành vi chống người thi hành công vụ, gây thương tích, thậm chí gây tử vong cho lực lượng thi hành công vụ.
Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cảnh báo về tình trạng “mất cân bằng cát” trên cả nước.
Cụ thể, mực nước sông Hồng những năm gần đây tụt mạnh, hiện giảm khoảng 2m, hằng năm vào vụ đông xuân các hồ chứa của điện lực phải xả từ 5 - 5,5 tỉ m3 mới đủ mực nước để lấy nước vào các hệ thống tưới tiêu.
Nếu VN không tiếp tục quản lý được cân bằng cát, các sông suối trên toàn quốc sẽ bị tụt xuống tương tự như sông Hồng.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, theo ông Thắng, hiện tượng sạt lở bờ sông diễn ra rất nghiêm trọng, một trong những nguyên nhân là mất cân bằng cát.
Hiện mỗi năm mất khoảng 500ha đất do xói lở. Còn ở Hội An, các chuyên gia quốc tế ước tính để khắc phục được xói lở đang diễn ra ở khu đô thị này thì cần tới 40 triệu euro.
“Khai thác cát là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, chúng ta đang bị mất cân bằng cát vì khai thác quá mức, thậm chí chúng ta còn xuất khẩu cát mặn. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến phát triển bền vững quốc gia” - ông Thắng nói.
Lập kênh thông tin nóng
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND TP Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hưng Yên... phản ảnh lâu nay các đối tượng “cát tặc” thường lợi dụng những địa bàn giáp ranh để khai thác, khi bị cơ quan chức năng địa phương này truy đuổi thì chạy sang địa phương khác. Do vậy, giữa các địa phương cần có sự phối hợp đồng bộ, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của trung ương.
Trước việc lãnh đạo một số địa phương nêu khó khăn đối tượng “cát tặc” hoạt động tinh vi, ông Nguyễn Văn Pha (phó chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN) đặt vấn đề ngược lại: “Tinh vi thế nào được khi đống cát to thế, tôi cho rằng nói như vậy là bao biện”.
Cho rằng nhu cầu cát sỏi cho phát triển còn rất lớn, đây là loại vật liệu xây dựng đặc biệt, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ cần phải quản lý nề nếp và khoa học thì mới đủ dùng cho lâu dài. Đối với các trường hợp khai thác trái phép đều phải kiên quyết xử lý nghiêm, xử lý dứt điểm.
“Cần lập kênh thông tin nóng để người dân có thể thông báo từ địa phương đến trung ương. Khai thác trái phép nhiều năm mà vẫn tồn tại là sao? Ngoài kênh báo chí thì người dân có kênh thông tin nóng để đưa lên trung ương” - Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.
Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “cát tặc” là một loại tội phạm cần phải xử lý, các bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định liên quan để xử lý hình sự loại tội phạm này.
Phó thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị địa phương tổ chức đợt cao điểm đấu tranh, nắm chắc tình hình, điều tra xử lý nghiêm các băng nhóm khai thác cát, sỏi trái phép, nhất là đối tượng cầm đầu.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên - Môi trường tiếp thu ý kiến tại hội nghị để dừng cấp mới giấy phép trong lĩnh vực liên quan, đối với những giấy phép đã cấp thì tổ chức kiểm tra hoạt động thực tiễn, sớm triển khai các giải pháp đồng bộ để đẩy lùi, ngăn chặn “cát tặc”.
"Cát tặc" sẵn sàng đánh chìm phương tiện để tẩu thoát Đại diện Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM phản ảnh vừa qua cơ quan chức năng TP bắt giữ và xử lý hàng chục trường hợp “cát tặc”, nhưng có hiện tượng đối tượng khai thác trái phép đánh chìm phương tiện và thiết bị bơm hút để tẩu thoát, gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Theo phản ảnh, tình hình khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn TP.HCM có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Đại diện TP.HCM đề xuất trung ương cần sửa đổi, bổ sung văn bản liên quan để có thể xử lý được hành vi vận chuyển, kinh doanh trái phép cát, sỏi. Lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên cũng cho rằng đối với “cát tặc” nếu chỉ xử lý trên sông, xử lý ở bến bãi chưa đủ, cần bổ sung quy định để xử lý các đối tượng vận chuyển cát, sỏi không có nguồn gốc rõ ràng. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.