Kiên Giang tiềm năng du lịch biển đảo

Tác giả: Sơn Khê

saosaosaosaosao
Du lịch 08/04/2019 13:51

Kiên Giang được biết đến là tỉnh ven biển ở phía Tây Nam với nhiều địa danh du lịch nổi tiếng như Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương... Vùng đất này đã và đang mở ra thế đột phá trong việc khai thác tiềm năng biển, đảo để phát triển thế mạnh vốn có của địa phương này.

 

IMG-7025

Các tuyến tàu cao tốc từ Rạch Giá đi các đảo được đầu tư hiện đại

Kiên Giang có 143 hòn đảo với 105 hòn đảo nổi lớn, nhỏ, trong đó có 43 hòn đảo có dân cư sinh sống như huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương, thị xã Hà Tiên. Hệ thống đảo, quần đảo của tỉnh có tiềm năng rất lớn về phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và những bãi tắm tuyệt đẹp cùng với rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng nguyên sinh. Bên cạnh tiềm năng du lịch, hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch ven biển cũng không ngừng nâng lên cả về số lượng và chất lượng.  

Theo Sở GTVT tỉnh Kiên Giang, hiện nay đơn vị đang quản lý 10 tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo hoạt động theo các quy định pháp luật đường thủy nội địa. Có 12 doanh nghiệp với 22 phương tiện đăng ký hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định được Sở GTVT tỉnh Kiên Giang chấp thuận hoạt động trên 4 tuyến gồm: Hà Tiên - Tiên Hải, Ba Hòn - Hòn Heo, Rạch Giá - Hòn Tre và Rạch Giá - Hòn Sơn Rái.

Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang được giao quản lý 10 tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo theo quy định pháp luật hàng hải. Hiện có 5 doanh nghiệp đang hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa trên 4 tuyến gồm: Rạch Giá - Nam Du, Rạch Giá - Bãi Vòng, Hà Tiên - Bãi Vòng và Hà Tiên - Đá Chồng.

Hoạt động quản lý các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo tại tỉnh Kiên Giang được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, số lượng ngày càng phát triển, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Các nhà đầu tư cũng đã mạnh dạn đưa vào sử dụng các tàu cao tốc chất lượng cao, an toàn và thiết kế hiện đại. Các đơn vị cũng tăng cường các tuyến vận tải vào các ngày cuối tuần, dịp lễ, Tết… để người dân không phải chờ đợi lâu. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra an toàn vận tải luôn được chú trọng, không để xảy ra sự cố nào nghiêm trọng. Thông qua các hoạt động vận tải thủy từ bờ ra đảo đã bảo đảm nhu cầu dân sinh tại các đảo, từng bước góp phần phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của địa phương.

Với những tiềm năng, lợi thế, ngành du lịch Kiên Giang đang phấn đấu trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Thời gian qua, Kiên Giang đã ký kết nhiều chương trình hợp tác phát triển với các tỉnh trong vùng. Việc hợp tác được triển khai trên nhiều lĩnh vực như: Quảng bá xúc tiến du lịch; liên kết hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tổ chức các sự kiện để thu hút du khách đến với Kiên Giang. Trong khai thác tiềm năng phát triển hiệu quả các điểm du lịch, Kiên Giang đã xây dựng nhiều vùng du lịch trọng điểm gồm Kiên Hải, Phú Quốc, thị xã Hà Tiên, Kiên Lương, TP. Rạch Giá và vùng U Minh Thượng. Riêng Phú Quốc đang có sức bật mới, nhiều công trình ưu tiên đầu tư mang tầm cỡ quốc gia như cảng hàng không quốc tế, điện cáp ngầm, cáp quang tốc độ cao; các đường bay thẳng quốc tế từ Phú Quốc tới Nga, Singapore, Siêm Riệp (Campuchia) và mới đây là đường bay thẳng từ Phú Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc).

Nhờ những chính sách ưu đãi du lịch, Kiên Giang ngày càng thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư du lịch, đặc biệt là các dự án đầu tư du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp. Với những nỗ lực về đổi mới cơ chế chính sách và xúc tiến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, huyện đảo Phú Quốc đang trở thành tâm điểm thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã công nhận quần đảo Nam Du, Lại Sơn (huyện Kiên Hải) và quần đảo Hải Tặc (thị xã Hà Tiên) là các khu du lịch địa phương.

Cụ thể, khu du lịch quần đảo Nam Du bao gồm 21 hòn đảo trải dài trên địa bàn của hai xã An Sơn và Nam Du với tổng diện tích 901,02 ha. Khu du lịch Lại Sơn thuộc xã Lại Sơn là đảo lớn nhất trong tổng số 23 hòn đảo của huyện đảo Kiên Hải với diện tích 1.082,9 ha. Khu du lịch quần đảo Hải Tặc thuộc xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên với diện tích 251,48 ha, bao gồm 18 hòn đảo. Các khu du lịch trên nhằm tăng cường công tác quảng bá giới thiệu, đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư, thu hút khách du lịch đến với Kiên Giang.

Để tiếp tục triển khai Chiến lược biển Việt Nam giai đoạn tiếp theo, Kiên Giang đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, du lịch biển đảo, như: Hỗ trợ lãi suất vốn vay, chuyển đổi ngành nghề, chính sách đối với hợp tác xã…

Ông Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Tỉnh tiếp tục chú trọng phát triển các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và đã mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời đầu tư phát triển thêm ở một số nơi có điều kiện như: Quần đảo Bà Lụa (Kiên Lương); Tiên Hải (Hà Tiên); Hòn Tre, Lại Sơn, Nam Du (Kiên Hải); phát triển kinh tế hàng hải gồm dịch vụ cảng biển, đóng và sửa chữa tàu thuyền, vận tải biển…; đầu tư nâng cấp cảng Hòn Chông (Kiên Lương); hoàn thành đưa vào khai thác Cảng Hành khách quốc tế Dương Đông (Phú Quốc), cảng Bãi Nò (Hà Tiên)…, từng bước đưa Kiên Giang trở thành một trong những tỉnh mạnh nhất về kinh tế biển

Ý kiến của bạn

Bình luận