Kiên trì, quyết tâm xây dựng văn hóa giao thông không rượu, bia

Tiêu điểm tháng 03/04/2024 08:33

“Chúng ta phải kiên trì với quy định nồng độ cồn bằng 0. Nếu nới lỏng, hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông có thể quay trở lại" - Đây là quan điểm xuyên suốt của ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia.


"Chúng ta phải kiên trì với quy định nồng độ cồn bằng 0. Nếu nới lỏng, hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông có thể quay trở lại" - Đây là quan điểm xuyên suốt của ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia trong cuộc trao đổi với Tạp chí GTVT về chế tài người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện.

Kiên trì, quyết tâm xây dựng văn hóa giao thông không rượu, bia- Ảnh 1.

TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia

Thay đổi nhận thức người tham gia giao thông

Ông có thể cho biết ý kiến đánh giá của mình về vấn đề người có cồn lái xe tham gia giao thông?

Ông Trần Hữu Minh: Chúng ta thấy rằng văn hóa ẩm thực của Việt Nam có nhiều đặc thù, có tính cả nể. Nếu quy định nồng độ cồn bằng 0 thì người điều khiển phương tiện có thể không uống và không được ép uống. Nhưng nếu có một hạn mức nào đó thì lái xe có thể gặp trường hợp bị ép uống rượu, bia.

Việc sử dụng rượu, bia sẽ gây ảo giác, thiếu tỉnh táo, buồn ngủ, làm chậm phản xạ đối với người điều khiển phương tiện, có thể gây ra thảm họa với những người vô tội như một số trường hợp lái xe say rượu gây tai nạn liên hoàn trong thời gian qua. Bên cạnh đó, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn chưa tốt, cố ý vi phạm luật giao thông, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. Một ý thức tồi có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người, do đó rất cần sự nghiêm khắc của pháp luật.

Để kiểm soát và ngăn chặn tình trạng người đã uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, pháp luật Việt Nam đã có nhiều quy định, chế tài xử phạt ngày càng nghiêm minh. Vậy cụ thể hiệu quả đảm bảo trật tự ATGT và ý nghĩa xã hội thế nào, thưa ông?

Ông Trần Hữu Minh: Việc xử lý nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện đã có từ những năm 90, thông qua những văn bản trước luật là các nghị định của Chính phủ. Kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia ra đời và được thông qua vào năm 2019 thì việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đã phát huy hiệu quả, người dân có ý thức về việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Theo đó, trước năm 2020, khi vào các bệnh viện nhất là những bệnh viện tuyến cuối (bệnh viện Trung ương) thì bệnh nhân TNGT liên quan đến rượu, bia chiếm tỷ lệ cao, nhiều trường hợp rất nặng. Điều đau lòng nhất là đa số người bị tai nạn liên quan đến rượu, bia đều đang trong độ tuổi lao động, là trụ cột thì nay lại là gánh nặng của gia đình, xã hội...

Từ khi ban hành Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia cùng với việc ban hành Nghị định 100 và Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 100 (Nghị định 123/NĐ-CP), đặc biệt là kế hoạch cao điểm của Bộ Công an xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn thì ý thức của người tham gia giao thông đã có rất nhiều chuyển biến tích cực.

Đơn cử, năm 2023, với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình TNGT đã tiếp tục được kiềm kế và kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 về số vụ và số người chết (giảm 1.285 vụ, giảm 1.922 người chết).

Qua việc tăng cường xử lý, tuyên truyền của các lực lượng chức năng và toàn thể cộng đồng xã hội đã từng bước tạo được chuyển biến tích cực, nhận được sự đồng tình, ủng hộ, chung tay của người dân, dần tạo được thói quen "Đã uống rượu, bia - không lái xe".

Kiên trì, quyết tâm xây dựng văn hóa giao thông không rượu, bia- Ảnh 2.

Xã hội chung tay nâng cao nhận thức "Đã uống rượu, bia - không lái xe"

Nghiêm khắc với vi phạm nồng độ cồn

Thưa ông, rất nhiều nước trên thế giới đã có quy định và chế tài nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, xin ông cho biết một vài kinh nghiệm của các nước?

Ông Trần Hữu Minh: Đúng là trên thế giới đã có rất nhiều nước áp dụng chế tài đối với vi phạm nồng độ cồn ở mức độ khác nhau nhưng tôi chỉ xin nêu ví dụ ở một số nước láng giềng cũng có thói quen uống rượu trong văn hóa ẩm thực như chúng ta. Đó là hai quốc gia Hàn Quốc và Nhật Bản. Vào thập kỷ 1960 và 1970, cả hai quốc gia này đã từng gặp phải vấn đề sử dụng rượu, bia và lái xe tương tự như ở Việt Nam. Sau đó, Nhật Bản đã kiên trì hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng chặt chẽ hơn và xử phạt nghiêm khắc hơn, không chỉ phạt hành chính mà còn bị ghi vào hồ sơ phạm tội, đi kèm với các hình phạt nặng khác.

Tương tự, tại Hàn Quốc, đất nước này cũng phải rất kiên trì trong việc quản lý việc sử dụng đồ uống có cồn khi lái xe. Cả hai quốc gia này đã phải mất vài thập kỷ để hình thành văn hóa tham gia giao thông không sử dụng rượu, bia. Đến nay, họ đều đạt được những kết quả rất tốt.

Kết quả xử lý nghiêm vi phạm lái xe có nồng độ cồn còn được dư luận xã hội thời gian qua ủng hộ mạnh mẽ, vậy để sớm hình thành văn hóa giao thông không rượu, bia, điều kiện nào là tiên quyết, thưa ông?

Ông Trần Hữu Minh: Việc xử lý nghiêm nồng độ cồn đã đóng góp rất lớn trong việc kéo giảm TNGT trên toàn quốc. Số liệu trên là minh chứng rất cụ thể, nhưng quan trọng hơn cả là ý thức của người dân đã thay đổi, việc chấp hành của lái xe về quy định "Đã uống rượu, bia - không lái xe" càng ngày càng tốt hơn.

Mới đây, khi xây dựng dự thảo Luật Trật tự ATGT Đường bộ, Bộ Công an tiếp tục đề xuất quy định nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu và hơi thở có nồng độ cồn. Tôi hoàn toàn nhất trí với quy định đó. Trong bối cảnh của Việt Nam, tỷ lệ TNGT do rượu, bia thời gian trước kia chiếm tỷ lệ cao thì nay đã giảm đáng kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia có hiệu lực. Thêm vào đó, các cơ quan, lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt, từ đó TNGT đã được kéo giảm đáng kể. Vì vậy, việc duy trì quy định này trong thời gian tiếp theo là giúp xã hội hình thành và xây dựng văn hóa không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Chúng ta phải kiên trì với quy định nồng độ cồn bằng 0. Nếu nới lỏng, hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông có thể quay trở lại và thực tế đã chứng minh điều đó. Do đó, ngoài sự kiên trì trong quá trình thực thi hoạt động, chúng ta cần phát triển hệ thống phương tiện vận tải công cộng để người dân sau khi uống rượu, bia có thể sử dụng loại hình này một cách dễ dàng, thuận tiện. Đây là nhu cầu rất chính đáng của người dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!