Các nước mạnh tay phạt “tài xế ma men”

Tiêu điểm tháng 03/04/2024 08:32

Ngoài việc gia tăng mức xử phạt vi phạm, nhiều quốc gia coi việc điều khiển phương tiện khi uống rượu, bia quá mức cho phép là tội phạm, do đó có thể áp dụng các giải pháp đối với tội phạm để xử lý như phạt, tịch thu phương tiện, phạt tù với mức rất nặng, thậm chí xử phạt cả người cung cấp phương tiện hoặc rượu, bia...


Đây là những kinh nghiệm hay để Việt Nam học hỏi và có thể áp dụng nhằm hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng sử dụng rượu, bia khi lái xe, góp phần đảm bảo trật tự ATGT.

Các nước mạnh tay phạt “tài xế ma men”- Ảnh 1.

Các nước siết chặt kiểm tra nồng độ cồn

Nhật Bản: Xử phạt cả người cung cấp phương tiện hoặc rượu, bia

Nhằm xóa bỏ tình trạng say rượu, bia khi lái xe, Chính phủ Nhật Bản quy định xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi lái xe trong tình trạng say rượu, bia và tăng cường xử phạt hành chính. Ngoài ra, các hình phạt nghiêm sẽ được áp dụng không chỉ đối với bản thân người lái xe say rượu, bia mà còn với cả người cung cấp xe, người cung cấp rượu, bia và người đi cùng.

Mức phạt khi lái xe vi phạm nồng độ cồn trong 1 lít hơi thở 0,15mg/l trở lên đến dưới 0,25 mg/l sẽ bị xử phạt hành chính tạm ngưng giấy phép và trừ điểm cơ bản 13 điểm, thời gian tạm giữ 90 ngày. Bên cạnh đó, hình thức xử phạt có thể phạt tù đến 3 năm hoặc phạt tiền lên đến 500.000 Yên (khoảng 100 triệu đồng). Nồng độ cồn trong 1 lít khí thở từ 0,25mg/l trở lên sẽ bị xử phạt hành chính thu hồi giấy phép lái xe và trừ điểm cơ bản 25 điểm, thời gian tước bằng lái 2 năm và phạt tù đến 3 năm hoặc phạt tiền lên đến 500.000 Yên (khoảng 100 triệu đồng).

Trạng thái không thể lái xe an toàn do ảnh hưởng của rượu, bia bất kể nồng độ cồn là bao nhiêu thì sẽ bị thu hồi giấy phép và trừ điểm cơ bản 35 điểm, đồng thời gian tước bằng lái 3 năm, phạt tù đến 3 năm hoặc phạt tiền lên đến 1.000.000 Yên (khoảng 200 triệu đồng).

Đối với người liên quan như người cung cấp xe bị phạt tù 5 năm hoặc phạt tiền lên đến 1.000.000 Yên (khoảng 200 triệu đồng). Người cung cấp đồ uống có cồn hoặc người đi cùng bị phạt tù 3 năm hoặc phạt tiền lên đến 500.000 Yên (khoảng 100 triệu đồng).

Đồng thời, người cung cấp phương tiện hoặc rượu, bia hoặc người biết rằng người lái xe đã uống rượu, bia thì bị phạt nặng như người lái xe dù có hoặc không có giấy phép lái xe, đồng thời đối với người có giấy phép lái xe sẽ bị đình chỉ hoặc bị thu hồi bằng lái.

Pháp: Nếu tái phạm có thể bị tịch thu phương tiện

Pháp luật của Pháp quy định, nếu nồng độ cồn từ 0,5 đến 0,8g/l máu, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt tiền lên tới 750 euro hoặc phạt cố định 135 euro, bị tước giấy phép lái xe trong 3 năm, mất 6 điểm giấy phép lái xe, bị cấm lái xe nếu không lắp thiết bị theo dõi nồng độ cồn EAD (EAD - thiết bị ngăn xe khởi động nếu nồng độ cồn được ghi lại trong khí thở ra vượt quá ngưỡng cho phép) trong 3 năm. Nếu nồng độ cồn trên 0,8g/l máu, người điều khiển phương tiện sẽ phải đối mặt với mức án lên đến 2 năm tù, bị phạt tiền lên đến 4.500 euro, bị tịch thu phương tiện, bị hủy giấy phép kèm với bị cấm gia hạn tối đa 3 năm, buộc phải tham gia khóa học nâng cao nhận thức về an toàn đường bộ và người vi phạm phải chịu chi phí, bị cấm lái xe không được trang bị thiết bị EAD trong thời gian tối đa là 5 năm, bị trừ 6 điểm trên giấy phép lái xe.

Pháp luật còn quy định, trường hợp nếu tiếp tục tái phạm, hành vi vi phạm này có thể bị phạt bằng cách tự động hủy giấy phép lái xe kèm theo lệnh cấm lái xe không được trang bị EAD trong tối đa 3 năm, cũng như bị tịch thu bắt buộc phương tiện vi phạm nếu người vi phạm là chủ sở hữu.

Các nước mạnh tay phạt “tài xế ma men”- Ảnh 2.

Lái xe tự kiểm tra thiết bị ngăn xe khởi động nếu có cồn

Mỹ: Mức phạt sẽ tăng dần nếu tái phạm

Tại xứ cờ hoa, quy định về giới hạn nồng độ cồn được chia ra làm 2 hạng mục, áp dụng với người trên và dưới 21 tuổi. Giới hạn với người dưới 21 tuổi là 20 mg/100 ml máu, 80 mg/100 ml máu với người trên 21 tuổi.

Tại một số bang, chính quyền còn khuyến khích các quán bar và nhà hàng mở dịch vụ đưa khách say về nhà an toàn. Một số bang cũng có quy định gắn thiết bị kiểm tra nồng độ cồn lên phương tiện cá nhân. Trước khi lái, tài xế sẽ thở vào thiết bị, nếu nồng độ cồn vượt quá mức cho phép, động cơ sẽ không khởi động. Ở hầu hết các bang, nếu là lần đầu vi phạm lái xe khi say rượu, người điều khiển phương tiện được xếp vào tội nhẹ, bị phạt tiền từ 500 - 2.000 USD (từ 12 - 46 triệu đồng) và phạt tù không quá 6 tháng. Các lần vi phạm sau sẽ có mức phạt tăng dần, chẳng hạn như nồng độ cồn trong máu cao bất thường hoặc gây tai nạn nghiêm trọng thì nhiều bang quy định thời gian phạt tù lâu hơn.

Trung Quốc: Xử phạt nghiêm khắc, số vụ TNGT do lái xe sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể

Người lái xe sau khi sử dụng rượu, bia bị xử lý hành chính phạt tiền từ 1.000 đến 2.000 Nhân dân tệ (khoảng 3,4 triệu đến 6,8 triệu đồng), tạm giữ bằng lái đến 6 tháng (với các lái xe có nồng độ cồn từ 20 mg đến dưới 80 mg trên mỗi 100 ml máu). Lái xe được xác định trong trạng thái say rượu, bia (nồng độ cồn lớn hơn hoặc bằng 80 mg trên mỗi 100 ml máu), hình phạt là tịch thu bằng lái, không được thi bằng trong vòng 5 năm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lái xe gây nguy hiểm.

Trường hợp hành vi lái xe sau khi sử dụng rượu, bia đối với tài xế của phương tiện dùng vào mục đích kinh doanh sẽ bị xử phạt nặng hơn nhiều, lái xe có mức độ cồn như trên đều bị xử lý hình sự và cấm lái trong vòng 5 - 10 năm.

Những năm qua, tại Trung Quốc, bằng những quy định xử phạt nặng và nhờ xây dựng cơ chế thường xuyên, hiệu quả trong xử lý các hành vi lái xe sau sử dụng rượu, bia, nhất là xác định lái xe sau khi say rượu, bia là hành vi phạm tội để xử lý hình sự, hàng vạn lái xe đã bị xử phạt khi có hành vi sử dụng rượu, bia. Với những hình phạt nghiêm khắc và thường xuyên, liên tục, số vụ TNGT do lái xe sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể.

Ý kiến của bạn

Bình luận