SOS: Vấn nạn lái xe vi phạm nồng độ cồn

Tác giả: Hồng Xiêm

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 04/04/2024 10:35

Từ năm 2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Dù công tác xử lý vi phạm được thực hiện quyết liệt, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” nhưng vi phạm vẫn ở mức báo động với nhiều vụ TNGT đặc biệt nguy hiểm.


SOS: Vấn nạn lái xe vi phạm nồng độ cồn- Ảnh 1.

Theo các bác sỹ, việc kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn giúp ngăn ngừa TNGT và bảo vệ sức khỏe người điều khiển phương tiện

Tình trạng vi phạm, chống đối vẫn phức tạp

Theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020), hành vi "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" nằm trong số 12 hành vi bị nghiêm cấm, đồng thời quy định người điều khiển phương tiện không được uống rượu, bia trước và trong khi điều khiển phương tiện. Có hiệu lực cùng thời điểm trên, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định mức xử phạt nặng đối với người điều khiển ô tô, xe máy vi phạm.

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia và Cục CSGT (Bộ Công an), từ thời điểm đó đến nay, lực lượng CSGT toàn quốc đã thường xuyên tăng cường, quyết liệt thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo trật tự, ATGT đường bộ trong tình hình mới, lực lượng CSGT, công an toàn quốc thực hiện thường xuyên, quyết liệt việc kiểm soát nồng độ cồn với phương châm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ". Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT (Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết, trong năm 2023, việc xử lý vi phạm về nồng cồn cao kỷ lục, với con số hơn 770.000 trường hợp, tăng hơn 460.000 trường hợp so với năm 2022. Số trường hợp xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông lớn gần 800.000 trường hợp/năm cho thấy vấn nạn này còn nghiêm trọng, thực tế vi phạm đang rất phổ biến.

Đặc biệt, gần đây mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm nồng độ cồn ngày càng nghiêm trọng hơn khi công tác kiểm tra, xử lý quyết liệt và đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. Minh chứng là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 liên tiếp xảy ra hàng trăm vụ người điều khiển ô tô, xe máy vi phạm nồng độ cồn mức "kịch khung", cố tình không chấp hành xử phạt.

Gần đây, khoảng 23h ngày 5/3 đến gần 1h sáng ngày 6/3/2024, trên mạng xã hội lan truyền video phát trực tiếp một đám đông trên phố Trần Cung (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) chặn xe ô tô con BKS 30H-119.xx, vây quanh nữ tài xế để gây áp lực. Vụ việc phát sinh khi xe ô tô xảy ra va chạm với xe máy dẫn đến nữ tài xế và nam thanh niên điều khiển cãi vã, thách thức.

Thông tin từ Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội, qua kiểm tra nồng độ cồn nữ tài xế cho thấy ở mức 0,573 miligam/lít khí thở (vượt mức phạt theo khung cao nhất hiện nay là 0,4 miligam/lít khí thở). Để tránh đám đông quá khích gây hậu quả không đáng có, sau khi lập biên bản vi phạm, lực lượng chức năng đã dùng xe chuyên dụng để đưa người phụ nữ trên rời khỏi hiện trường.

Trước đó, đêm 5/2, tổ CSGT làm nhiệm vụ tại nút giao Yec Xanh - Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) phải mất nhiều công sức mới ngăn chặn, thuyết phục để kiểm tra nồng độ cồn 2 người đàn ông điều khiển xe máy. Hai người này đều vi phạm gấp đôi quy định với mức xử phạt cao nhất (0,805 và 0,884 miligam/lít khí thở) đối với người điều khiển xe, song cả hai đều không ký nhận vào biên bản vi phạm.

Nghiêm trọng hơn, ngày 19/2, Công an thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) đã khởi tố, bắt tạm giam đối với lái xe Trần Văn Song (sinh năm 1973, trú tại địa phương) do vài ngày trước đó đã uống rượu, bia nhưng không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, lái xe bỏ chạy, đâm đổ xe CSGT, không chấp hành đo nồng độ cồn, xô đẩy người thi hành công vụ và bỏ đi.

Số liệu thống kê của Cục CSGT chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết (từ 8 - 14/2/2024), CSGT cả nước phát hiện, xử lý 29.099 lái xe vi phạm nồng độ cồn (chiếm 41,25% tổng số hành vi vi phạm), tăng tới 277,7% so với cùng thời gian Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Trong đó, một số địa phương xử lý vi phạm nồng độ cồn cao là: TP. Hồ Chí Minh 2.576 trường hợp, Hà Nội 1.167 trường hợp, Đồng Nai 1.060 trường hợp. Thời điểm này cũng xảy ra 4 vụ chống người thi hành công vụ, làm bị thương 4 cảnh sát. Các trường hợp chống người thi hành công vụ đều bị bắt giữ, điều tra xử lý theo quy định pháp luật.

SOS: Vấn nạn lái xe vi phạm nồng độ cồn- Ảnh 2.

Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông

Duy trì kiểm tra, xử lý nghiêm để tạo nền nếp

Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, ông Thân Văn Thanh, chuyên gia giao thông cho biết, việc lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn có căn cứ từ Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia chứ không đơn thuần xuất phát từ luật chuyên ngành GTVT. Do đó, việc duy trì kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn theo quy định pháp luật đối với người điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết, mang lại nhiều lợi ích cả về sức khỏe, phòng ngừa TNGT và trật tự ATGT.

"Gần đây, việc triển khai quy định về kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cũng mang lại hiệu quả, tác dụng rõ rệt, tương tự như việc xử phạt và bắt buộc người điều khiển mô tô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm trước đây. Đến nay, việc tuân thủ quy định về nồng độ cồn đã và đang đi vào nền nếp nên cần tiếp tục duy trì, kiên trì việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Nếu giảm hoặc buông lỏng kiểm soát, xử lý vi phạm này sẽ dẫn đến tâm lý "lách luật", bùng phát vi phạm trở lại và việc tạo nền nếp sẽ khó khăn hơn", ông Thanh chia sẻ.

Đồng tình quan điểm trên, chị Lê Hoàng Lan, thành viên của cộng đồng mạng group facebook "Cấp 3 khóa 91 - 94 toàn Hà Nội" (học sinh PTHT tại Hà Nội niên khóa 1991 - 1994) nhận định, việc kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm vi phạm như thời gian qua đã giúp ngăn ngừa những vụ TNGT tương tự những vụ từng gây bàng hoàng xã hội xảy ra trước khi có Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

"Rạng sáng ngày 1/5/2019, hai bạn gái trong Cộng đồng 91 - 94 của chúng tôi chở nhau bằng xe máy, đang đi qua hầm Kim Liên thì bị một xe ô tô đâm khiến cả hai thiệt mạng. Vài đêm trước đó, một xe ô tô "điên" khác cũng đâm hàng loạt xe máy trên đường Láng, cướp đi mạng sống của một nữ công nhân quét rác. Hai lái xe ô tô trên đều say rượu, gây TNGT xong bỏ đi để mặc nạn nhân. Chỉ trong tích tắc, 3 phụ nữ đã thiệt mạng và khiến con cái họ vĩnh viễn mất mẹ, nỗi đau không gì có thể bù đắp chỉ vì những "ma men" ngồi sau tay lái"chị Lan chia sẻ bức xúc.

Theo chị Lan, để góp phần ngăn ngừa vấn nạn trên, hai tuần sau, Cộng động 91 - 94 đã tổ chức phong trào đi bộ tại Hồ Gươm để vận động thực hiện phong trào "Đã uống rượu, bia - Không lái xe". Thật mừng vì từ năm 2020 đã có quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe và lực lượng chức năng xử lý mạnh tay, nghiêm khắc với vi phạm này.

TS. BS. Bùi Thanh Phúc, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật cấp cứu bụng (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, cứ 10 ca vào cấp cứu TNGT thì có khoảng 4 - 5 ca có sử dụng rượu, bia, nhưng số ca nặng giảm so với năm trước. Còn theo TS. BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thì "Việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã mang đến lợi ích rất rõ cho sức khỏe của người dân, người điều khiển phương tiện giao thông và giảm TNGT. Nếu tiếp tục duy trì xử lý nghiêm vi phạm trên, chắc chắn TNGT và bệnh do rượu, bia gây ra sẽ giảm".

Ý kiến của bạn

Bình luận