Kiện toàn sớm ban chỉ đạo, điều hành
Theo Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II, trong năm 2024, thiên tai ở nước ta xảy ra rất khốc liệt, cực đoan với nhiều loại hình thiên tai tại khắp các vùng miền trên cả nước. Đến nay đã xảy ra 9 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới, lũ lớn trên các tuyến sông và xảy ra nhiều trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, bão số 3 (bão Yagi) là cơn bão mạnh, sức tàn phá rất lớn, thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài, phạm vi ảnh hưởng rất rộng, hoàn lưu bão gây mưa lớn diện rộng toàn Bắc Bộ và Thanh Hóa, mực nước trên các tuyến sông khu vực phía Bắc đều trên mức báo động.
Từ thực tế hoạt động phòng chống thiên tai, đặc biệt cơn bão số 3 vừa qua, Cảng vụ Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khu vực II đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả mưa bão và bảo đảm ATGT đường thủy trong thời gian tới.
Cụ thể, thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên về công chuẩn bị, kiện toàn, chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai lĩnh vực đường thủy nội địa. Từ tháng đầu năm 2024, đơn vị đã ban hành kế hoạch về việc phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 và 23 văn bản chỉ đạo các Đại diện cảng vụ trực thuộc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN). Kiện toàn Ban chỉ huy, Đội xung kích PCTT&TKCN.
Căn cứ kế hoạch, các Đại diện cảng vụ (trực thuộc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II) đã phối hợp với chủ cảng, bến xây dựng phương án phối hợp PCTT&TKCN phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế ở từng khu vực; đôn đốc các chủ cảng, bến trong phạm vi trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về PCTT&TKCN giao thông đường thủy nội địa.
Lực lượng cảng vụ tổ chức kiểm tra các công trình nhà văn phòng đại diện, phương tiện, thiết bị phục vụ công tác PCTT&TKCN; kiểm tra công trình cảng, bến, trang thiết bị an toàn và công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai của các chủ cảng, bến, phương tiện thủy nội địa trong phạm vi trách nhiệm được giao; kịp thời sửa chữa, bổ sung, thay thế các trang thiết bị an toàn bảo đảm công tác PCTT&TKCN. Cùng đó, cử cán bộ tham gia các buổi diễn tập PCTT&TKCN trên đường thủy.
Khi có thông tin về thiên tai, bão, lũ, công điện của Cục ĐTNĐ Việt Nam, đơn vị đã chủ động, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện công tác ứng phó với cơn bão và tình hình mưa, lũ. Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình bão, lũ theo thông báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia để chủ động ứng phó. Sẵn sàng triển khai các phương án, biện pháp cần thiết, kịp thời, thích hợp để cứu người, phương tiện, tài sản và bảo vệ môi trường đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý nhằm giảm tới mức thấp nhất hậu quả do thiên tai gây ra.
Đơn vị tiếp nhận thông tin, ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp trên, duy trì thông tin liên lạc và chỉ đạo trong suốt thời gian xảy ra thiên tai. Phân công cán bộ, viên chức trực 24/24h khi có thiên tai ảnh hưởng trực tiếp ảnh hưởng vào khu vực quản lý, thực hiện các phương án bảo đảm ATGT, PCTT&TKCN và báo cáo theo đúng quy định.
Toàn đơn vị chủ động bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị, vật tư tại các khu vực trọng điểm, xung yếu để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn; phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng hướng dẫn nơi neo đậu, tránh trú an toàn cho các phương tiện; tham gia tìm kiếm, cứu người, tài sản, phương tiện, công trình nơi xảy ra thiên tai khi cần thiết nhằm khắc phục nhanh nhất sự cố do bão, lũ gây ra, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.
Chủ động, phối hợp chặt chẽ trong xử lý các tình huống
Trong đợt mưa bão số 3 vừa qua, lãnh đạo Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó cơn bão số 3 tại 6 Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ: Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên và Cống Câu. Cùng đó, tổ chức kiểm tra hiện trường chống va trôi khu vực cầu Đuống trên sông Đuống, điều tiết khống chế bảo đảm giao thông thủy khu vực cụm cầu Long Biên – Chương Dương, khu vực Bác Cổ trên sông Hồng để đôn đốc ứng phó với lũ và mưa lớn.
Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II tham gia cùng địa phương theo dõi, xử lý sự cố sập cầu Phong Châu (Phú Thọ), sự cố đứt cầu phao Ninh Cường trên sông Ninh Cơ; sự cố một số phương tiện thủy trôi tự do mắc kẹt tại cầu Vĩnh Phú trên sông Lô.
Thực hiện chỉ đạo của Cục Đường thủy nội địa VN và UBND TP. Hà Nội, đơn vị triển khai 8 điểm quan sát đường thủy trên sông Hồng, nắm bắt các tình huống phát sinh do lũ, đặc biệt là các phương tiện thủy bị trôi dạt để đề xuất giải pháp xử lý giảm thiệt hại do va vào cầu. Phối hợp với các đơn vị liên quan yêu cầu các phương tiện neo đậu gần các cầu vượt sông di dời đến vị trí an toàn, không để các phương tiện đâm va vào các công trình vượt sông, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và kết cấu hạ tầng giao thông.
Về công tác khắc phục thiệt hại sau thiên tai, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II bám sát thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục ĐTNĐ Việt Nam trong thực hiện phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý bảo trì tuyến đường thủy, chính quyền địa phương, các chủ cảng, bến để khẩn trương thống kê, đề nghị sửa chữa kịp thời các phương tiện, trang thiết bị phục vụ PCTT&TKCN được trang cấp bị hư hỏng, khôi phục phao tiêu, báo hiệu bị gãy, đổ.
Cùng đó, chỉ đạo lực lượng cảng vụ đường thủy trực thuộc tổ chức kiểm tra, yêu cầu các chủ cảng, bến thủy bổ sung các trang thiết bị an toàn bị hư hại do thiên tai; sớm khôi phục và duy trì hoạt động cảng, bến và tuân thủ quy định về đảm bảo ATGT đường thủy nội địa, vệ sinh môi trường tại khu vực cảng, bến thủy.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.