Thiết thực, hiệu quả trong công tác liên ngành bảo đảm ATGT đường thủy năm 2024

Tác giả: Hồng Xiêm

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 12/12/2024 11:24

Cục Đường thủy nội địa VN và các đơn vị trực thuộc triển khai nhiều hoạt động thiết thực, giúp mang lại hiệu quả trong hoạt động liên ngành bảo đảm ATGT năm 2024.

Thiết thực, hiệu quả trong công tác liên ngành bảo đảm ATGT đường thủy năm 2024- Ảnh 1.

Cục Đường thủy nội địa VN chủ động phối hợp chặt chẽ với liên ngành chức năng, địa phương trong đợt mưa bão số 3 năm 2024, giúp hạn chế tối đa các sự cố, TNGT đường thủy

Chủ động, phối hợp xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp

Những ngày trước nửa đầu tháng 9/2024 vừa qua, cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão khiến mực nước trên các sông phía Bắc dâng cao, gây ra hiện tượng nguy hiểm là phương tiện thủy bị trôi dạt có nguy cơ cao đâm va, gây hư hỏng công trình cầu vượt sông. Trước diễn biến phức tạp trên, trong những ngày cao điểm mưa lũ, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa VN liên tục có những chỉ đạo kịp thời đơn vị, lực lượng trực thuộc chủ động cao nhất trong công tác bảo đảm ATGT đường thủy, cũng như phối hợp chặt chẽ với lực lượng liên ngành Trung ương, địa phương để ngăn ngừa, hạn chế tối đa các sự cố, TNGT đường thủy.

Có thể kể đến, ngày 11/9, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam Bùi Thiên Thu có văn bản chỉ đạo, phân công Trưởng phòng Vận tải – ATGT, Chi cục trưởng Chi Cục ĐTNĐ khu vực I, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II làm đầu mối trực tiếp phối hợp với Sở GTVT Hà Nội thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ATGT đường thủy các công trình cầu vượt sông trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là phối hợp giải quyết các vật thể, chướng ngại vật có nguy cơ đâm va vào cầu.

Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam yêu cầu các đơn vị trên thường xuyên theo dõi, kịp thời báo cáo khi trên đường thủy quốc gia xuất hiện vật thể có nguy cơ đâm, va vào cầu, để hai cơ quan có phương án đảm bảo an toàn cho cầu, phương tiện giao thông qua cầu. Cùng đó, phối hợp với Sở GTVT Hà Nội, chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm ATGT tại các cảng, bến thủy, đặc biệt là các bến khách ngang sông trên địa bàn Hà Nội.

Về phía Sở GTVT Hà Nội, trước đó đề nghị Cục ĐTNĐ Việt Nam phối hợp trong công tác ứng phó với mưa lũ đang kéo dài và phòng tránh chướng ngại vật (sà lan, tàu thuyền…) trôi dạt tự do trên các tuyến đường thủy quốc gia qua Hà Nội (sông Hồng, Đà, Đuống, Đáy, Công, Cầu). Sở GTVT Hà Nội đề nghị Cục chủ trì phối hợp, hướng dẫn Sở GTVT, chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo ATGT tại các cảng, bến thủy, nhất là bến khách ngang sông.

Cũng trong ngày 11/9, Cục Đường thủy nội địa VN có công điện gửi các Sở GTVT các địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ, các Chi cục, Cảng vụ đường thủy và các đơn vị quản lý bảo trì đường thủy quốc gia trong khu vực về việc khẩn trương khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và mưa, lũ sau bão.

Thực hiện chỉ đạo trên, các đơn vị thuộc Cục thành lập các Tổ công tác và trực tiếp đến các địa phương, hiện trường để chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa bão. Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình thực tế, dự báo và có giải pháp ứng phó hiệu quả. Các đơn vị tăng cường kiểm tra việc neo buộc, đậu đỗ của phương tiện thủy nội địa; yêu cầu chủ phương tiện phải neo đậu, chằng buộc chắc chắn, ổn định, đậu đỗ tại khu vực an toàn để phương tiện không trôi dạt, va đập vào kết cấu hạ tầng giao thông, công trình khác. Tổ chức trực ban 24/24h khi có sự cố, thiên tai; theo dõi sát diễn biến mưa lũ, ứng phó khi xảy ra các tình huống và báo cáo Cục theo quy định.

Thiết thực, hiệu quả trong công tác liên ngành bảo đảm ATGT đường thủy năm 2024- Ảnh 2.

Một bến khách ngang sông trên sông Hồng, thuộc địa bàn Hà Nội

Nhiều đơn vị tích cực trong phối hợp liên ngành

Về phía các đơn vị trực thuộc Cục, để phối hợp bảo đảm ATGT đường thủy trong dịp cao điểm mưa lũ trên, Chi cục ĐTNĐ khu vực I kịp thời tổ chức hạn chế giao thông, dỡ lệnh hạn chế giao thông tại các cầu vượt sông và kịp thời thông báo đến các cơ quan chức năng, Sở GTVT địa phương, các đơn vị vận tải… giúp hạn chế thấp nhất các sự cố, thiệt hại do mưa lũ. 

Trong khi đó, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I, II triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Cục, cũng như chủ động trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng triển khai các giải pháp để trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ, hướng dẫn phương tiện thủy kịp thời đến neo đậu, tránh trú mưa bão.

Ông Nguyễn Hữu Nhã, Trưởng Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hà Nội (trực thuộc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II) cho biết, trong đợt mưa bão số 3 vừa qua, đơn vị phối hợp với các đơn vị đường thủy, Sở GTVT Hà Nội, CSGT đường thủy Hà Nội… tổ chức 8 chốt trực 24/24h để theo dõi, phát hiện và xử lý các tình huống phương tiện thủy bị trôi dạt hoặc di chuyển bất thường trên sông quốc gia do mưa lũ. Kết quả, trong thời gian trên không xảy ra trường hợp phương tiện thủy đâm va vào cầu, công trình vượt sông.

Về công tác phối hợp liên ngành bảo đảm trật tự ATGT đường thủy năm 2024, Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hà Nội cũng là một trong các đơn vị có nhiều hoạt động tích cực, góp phần mang lại hiệu quả chung. Năm 2024, Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hà Nội tham gia phối hợp kiểm tra liên ngành với các đơn vị của Cục Cảnh sát giao thông, Chi cục Đăng kiểm số 1, Đội Cảnh sát đường thủy số 1, số 2 Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội, Đội Thanh tra - An toàn số 2 và UBND địa phương các phường, xã, thị trấn trên địa bàn Hà Nội thực hiện kiểm tra, xử lý đối với các cảng, bến, phương tiện thủy nội địa trên địa bàn được giao quản lý.

Cùng đó, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn việc thực thi bảo đảm trật tự ATGT đường thủy, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xử lý các vi phạm trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra nhắc nhở, đôn đốc các chủ cảng, bến thủy thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATGT đường thủy, bảo vệ môi trường, đê điều, hành lang thoát lũ, chỉnh trang sơn sửa lại báo hiệu đường thủy theo đúng quy định; tổ chức triển khai đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa trong quá trình diễn ra các lễ hội truyền thống trên sông quốc gia năm 2024…

"Trong 11 tháng năm 2024 vừa qua, Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hà Nội đã chủ động tham gia phối hợp kiểm tra liên ngành 22 đợt, kiểm tra 78 cảng, bến và xử phạt với số tiền 302 triệu đồng; kiểm tra, phát hiện 12 phương tiện thủy vi phạm, xử phạt với số tiền hơn 203 triệu đồng", lãnh đạo Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hà Nội cho biết.

Ý kiến của bạn

Bình luận