Nhiều chuyển biến trong công tác bảo đảm ATGT đường thủy vùng lòng hồ

Tác giả: Hồng Xiêm

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 13/12/2024 09:41

Cục Đường thủy nội địa VN và các đơn vị quản lý đường thủy vùng hồ thủy điện, thủy lợi triển khai nhiều giải pháp, góp phần tạo chuyển biến về bảo đảm trật tự ATGT đường thủy vùng lòng hồ…

Chú trọng công tác bảo đảm ATGT đường thủy vùng lòng hồ - Ảnh 1.

Một đoạn tuyến đường thủy quốc gia hồ thủy điện Thác Bà

Quan tâm đầu tư hạ tầng tuyến đường thủy vùng lòng hồ

Hồ thủy điện Thác Bà (huyện Yên Bình và Lục Yên, tỉnh Yên Bái) được hình thành khi xây dựng Nhà máy thuỷ điện Thác Bà - thủy điện đầu tiên của miền Bắc vào năm 1964. Hồ Thác Bà rộng khoảng 23.400 ha, với diện tích mặt nước hơn 19.000 ha, trên hồ có có khoảng 1.300 đảo lớn, nhỏ.

Gần hai mươi năm trước đây, tuyến đường thủy quốc gia hồ thủy điện Thác Bà được công bố, đưa vào quản lý, khai thác vận tải thủy với chiều dài 50km. Theo thời gian, hồ Thác Bà có sự gia tăng phương tiện và hoạt động vận tải thủy, đến nay có khoảng hơn 500 phương tiện thủy các loại, trong đó có khoảng hơn 50 phương tiện chở khách tuyến cố định, tàu du lịch, vận tải hàng hóa, phương tiện thủy phục vụ sản xuất lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân sinh… Phương tiện thủy không chỉ hoạt động trên tuyến đường thủy quốc gia mà trên các tuyến nhánh, vùng nước chưa được công bố, đầu tư hạ tầng luồng tuyến và tổ chức quản lý vận tải.

Lãnh đạo Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa Phú Thọ (quản lý cảng, bến thủy hồ Thác Bà) và đơn vị quản lý bảo trì tuyến đường thủy trên cho biết, trên tuyến hiện có 16 cảng, bến thủy hàng hóa và hành khách; mỗi năm có hàng vài nghìn lượt khách du lịch bằng phương tiện thủy trên hồ, cùng trên dưới 200 nghìn tấn hàng hóa thông qua cảng, bến. Những năm trước, tuyến đường thủy trên hồ Thác Bà do Trung ương quản lý mới chỉ được bố trí biển báo, phao tiêu đường thủy mà chưa được trang bị đèn tín hiệu ban đêm nên thời điểm nhiều sương mù gây hạn chế, khó khăn cho phương tiện lưu thông.

Nhằm nâng cấp hạ tầng tuyến, từ cuối năm trước, Cục Đường thủy nội địa VN đã hoàn thành bổ sung hệ thống đèn tín hiệu đường thủy trên phao, báo hiệu trên bờ của tuyến đường thủy trên. Hệ thống đèn tín hiệu này sử dụng năng lượng mặt trời, tự động phát sáng vào buổi tối, thời tiết sương mù. Từ đó đến nay, phương tiện thủy trên hồ thủy điện Thác Bà lưu thông thuận lợi, an toàn hơn, góp phần thúc đẩy vận tải thủy.

Còn trên vùng hồ thủy điện Hòa Bình, tuyến đường thủy quốc gia lòng hồ thủy điện này (từ Hòa Bình đến Sơn La) cũng đã được trang bị, duy trì hệ thống đèn tín hiệu đường thủy, phục vụ phương tiện thủy, phương tiện đánh bắt, nuôi trồng thủy sản hoạt động 24/24h. Tại Lai Châu, cách đây vài năm, một tuyến đường thủy trên hồ thủy điện Lai Châu cũng được công bố là tuyến đường thủy quốc gia để đưa vào quản lý, khai thác vận tải.

Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, cùng với quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông các tuyến đường thủy vùng lòng hồ, Cục chỉ đạo các đơn vị cảng vụ, quản lý hạ tầng đường thủy chủ động, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng địa phương trong thực hiện công tác bảo đảm ATGT các tuyến đường thủy vùng lòng hồ. Trong đó, chú ý tuyên truyền, vận động và phối hợp đưa vào quản lý, bảo đảm ATGT đối với các phương tiện dân sinh, phương tiện đánh bắt thủy sản chưa có đăng ký, đăng kiểm.

Thực hiện chỉ đạo trên, năm 2023 – 2024, Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa Phú Thọ, Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa Hòa Bình, đơn vị quản lý đường thủy, Thanh tra đường thủy có nhiều hoạt động phối hợp liên ngành với CSGT địa phương, Sở GTVT, đơn vị đăng kiểm tổ chức tuyên truyền, kiểm tra và xử lý vi phạm giao thông đường thủy trên tuyến đường thủy thuộc phạm vi quản lý.

Đặc biệt, trong các dịp cao điểm như mùa lễ hội Xuân năm 2025 sắp tới, các lực lượng liên ngành bảo đảm ATGT đường thủy cấp cơ sở sẽ tăng cường phối hợp, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông đường thủy và kiểm tra, xử lý các vi phạm để ngăn ngừa TNGT đường thủy.

Chú trọng công tác bảo đảm ATGT đường thủy vùng lòng hồ - Ảnh 3.

Những năm qua, Cục Đường thủy nội địa VN tích cực triển khai công tác vận động ủng hộ, mua phao cứu sinh tặng người dân vùng sông nước, vùng lòng hồ

Tích cực vận động, nâng cao nhận thức người dân về ATGT

Tìm hiểu cho thấy, toàn quốc hiện có nhiều vùng lòng hồ thủy điện, thủy lợi có phương tiện thủy hoạt động, trong đó nổi bật là phương tiện thủy du lịch, dân sinh, nuôi trồng thủy sản… Có thể kể đến như hồ thủy điện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang), hiện có khoảng gần 100 tàu, thuyền làm dịch vụ du lịch đưa đón khách đi tham quan trải nghiệm trên vùng lòng hồ và 300 thuyền khai thác thủy sản của người dân. Hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) có hơn 200 phương tiện thủy, chủ yếu phục vụ du lịch. Hay hồ thủy điện Sê San (tỉnh Gia Lai và Kon Tum), hồ thủy điện Đồng Nai 3… cũng hình thành làng nổi trên sông, với các phương tiện thủy phục vụ đời sống, thậm chí du lịch.

Theo Cục Đường thủy nội địa VN, đến nay có những vùng hồ có hoạt động giao thông thủy nhưng chưa được đầu tư hạ tầng tuyến, công bố tuyến đường thủy địa phương để tổ chức khai thác và quản lý theo Luật Giao thông đường thủy; còn phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm; công tác quản lý, bảo đảm trật tự ATGT còn nhiều hạn chế, bất cập.

Một trong những nguyên nhân do các khu vực trên thường có điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều phương tiện thủy dân sinh, tự phát; việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn… Do đó, việc tạo chuyển biến về tình hình trật tự ATGT đường thủy tại các vùng hồ là vấn đề cần được quan tâm, giải quyết, để tạo chuyển biến tích cực về ATGT đường thủy vùng lòng hồ. 

Trước thực tế trên, những năm qua, Cục Đường thủy nội địa VN cùng chính quyền các địa phương, các đơn vị liên ngành bảo đảm trật tự ATGT đường thủy ở các địa phương chú trọng vận động các nhà tài trợ mua, hỗ trợ hàng nghìn áo phao, phao, cặp nổi cứu sinh để tặng cho người dân các vùng lòng hồ. Các đơn vị đường thủy, lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, vận động người làm nghề sông nước, người dân nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành giao thông đường thuỷ, chủ động phòng ngừa TNGT đường thủy.

Được biết, thời gian qua Cục Đường thủy nội địa VN đã khảo sát thực tế, đôn đốc việc triển khai công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy trong hoạt động vận tải thủy, du lịch bằng phương tiện thủy một số vùng lòng hồ phía Bắc, khu vực Tây Nguyên… để nắm bắt tình hình, cùng các địa phương, liên ngành bảo đảm ATGT đường thủy đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để góp phần nâng cao hiệu quả bảo đảm ATGT đường thủy vùng lòng hồ.

Ý kiến của bạn

Bình luận