Vụ trưởng Vụ ATGT Nguyễn Văn Thạch phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Vụ trưởng Vụ ATGT - Bộ GTVT Nguyễn Văn Thạch cho biết thời gian qua tại Việt Nam, ATGT là vấn đề được cả xã hội quan tâm và cả hệ thống chính trị chung tay đảm bảo TTATGT. Trong 9 tháng đầu năm 2018, toàn quốc xảy ra 13.242 vụ TNGT, làm chết 6.012 người, bị thương 10.319 người. So với 9 tháng đầu năm 2017, TNGT giảm cả 3 tiêu chí tuy nhiên tình hình TT ATGT diễn biến phức tạp.
Cũng như nhiều nước trong khu vực, xe máy là phương tiện giao thông đường bộ phổ biển nhất ở nước ta. Bên cạnh những lợi ích mang lại, xe máy cũng gây ra nhiều tác động bất lợi. Theo thống kê chưa đầy đủ, số vụ tai nạn liên quan đến xe máy chiếm tuyệt đại đa số tổng số vụ tai nạn. Trong khi đó, số lượng xe máy không. ngừng gia tăng. Vấn đề ATGT đối với xe máy gắn rất nhiều với sự gia tăng nhanh chóng loại hình phương tiện này.
“Hội thảo quốc tế này là nơi chúng ta có thể chia sẻ, trao đổi những bài học, kinh nghiệm về ATGT đới với xe máy của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia. Tôi hy vọng rằng sau hội thảo này chúng ta sẽ có nhiều giải pháp thiết thực hơn nữa trong vấn đề này”, ông Thạch cho biết.
Theo bà Sineth Ron, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Vụ ATGT - Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông Công chính Campuchia, cũng như Việt Nam và Thái Lan, xe máy là phương tiện được người dân ưa chuộng và sử dụng nhiều vì tính linh hoạt và tiện dụng của nó. Từ năm 2008 đến 2017, số lượng xe máy đăng ký tăng nhanh. Trước năm 2008 Campuchia không có nhiều các phương tiện công cộng. Từ sau năm 2008, các phương tiện công cộng được chú trọng phát triển tuy nhiên phương tiện xe máy vẫn tăng nhanh. Trong 5 năm trở lại đây, lượng đăng ký xe máy chiếm 51% trên tổng số đăng ký các phương tiện. Đặc biệt, tại Campuchia, các vụ TNGT liên quan đến xe máy tăng theo các năm, cụ thể năm 2015 chiếm 71%, năm 2016 là 73% và năm 2017 chiếm 75%.
“Chúng tôi xây dựng chiến lược, kế hoạch ATGT đường bộ đến năm 2020 gồm 8 trụ cột là quản lý an toàn đường bộ, hạ tầng đường bộ an toàn, phương tiện an toàn, hành vi tham gia giao thông an toàn, hệ thống cấp cứu, hoàn thiện và thực thi pháp luật, cấp bằng lái xe, đánh giá và quản lý dịch vụ vận tải. Trong đó, Ủy ban ATGT Quốc gia Campuchia sẽ chịu trách nhiệm điều phối, giám sát và đánh giá việc thực hiện kế hoạch này”, bà Sineth Ron cho biết.
Trao đổi về các biện pháp tổ chức giao thông liên quan tới xe máy và xe đạp điện ở các nước châu Á, Tiến sỹ Trần Minh Tú, chuyên gia đến từ Công ty ALMEC (công ty tư vấn về phát triển đô thị và giao thông vận tải) cho biết xe máy và xe đạp điện là phương tiện đi lại chính ở nhiều đô thị châu Á. Tuy nhiên những người sử dụng xe cơ giới hai bánh là những đối tượng chịu nhiều rủi ro nhất trên đường bộ đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á. khi tập trung xử lý vấn đề an toàn cho các loại xe này, các nước châu Á đã triển khai các biện pháp kiểm soát giao thông như phương tiện rẽ theo hai bước, vạch dừng dành riêng cho xe máy và các làn dành cho xe hai bánh.
“Bài học kinh nghiệm từ Đài Loan cho thấy ít có khả năng bố trí làn dành riêng hay ưu tiên xe máy trên đường đô thị do bị hạn chế về không gian đường bộ. Những làn xe đó thông thường đi kèm với các ô dừng đèn đỏ dành riêng cho xe máy tại các nút giao có đèn tín hiệu. Tại Malaysia, làn xe máy thường được bố trí trên quốc lộ và các trụng cao tốc”, Tiến sỹ Tú chia sẻ.
Tại hội thảo, các chuyên gia Việt Nam đã chia sẻ những vấn đề liên quan đến thực trạng tình hình TNGT đường bộ liên quan đến xe máy, nghiên cứu thực tế quá trình thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy… và nghe các chuyên gia từ Bộ Giao thông công chính Campuchia, Bộ GTVT Thái Lan trao đổi kinh nghiệm.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.