Kinh nghiệm phòng tránh mất liên lạc tàu - bờ

Tác giả: VISHIPEL

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 03/09/2017 15:14

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đã mang lại rất nhiều lợi ích cho toàn xã hội

 

tim kiem cuu nan 2
 

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đã mang lại rất nhiều lợi ích cho toàn xã hội, trong đó có ngành tàu biển. Khoa học công nghê thúc đẩy các nước thành viên của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) phát triển hệ thống thông tin liên lạc hiện đại và tự động hóa nhằm đảm bảo an toàn sinh mạng cho người và phương tiện đi biển ngày càng cao. Các quy định về trang thiết bị thông tin của IMO ngày càng chặt chẽ. Các đội tàu vận tải thuộc các tập đoàn, công ty lớn được trang bị một hệ thống thiết bị vô tuyến điện toàn diện theo tiêu chuẩn SOLAS. 

Những thiết bị này bao gồm: VHF DSC như là hệ thống chính cho tàu hoạt động gần các vùng gần bờ và dự phòng bằng phao vô tuyến vệ tinh chỉ báo vị trí khẩn cấp - EPIRB. Tàu đang hoạt động trong vùng đại dương có thể trang bị HF DSC hoặc MF DSC hoặc thiết bị thông tin vệ tinh Inmarsat và dự phòng bằng phao EPIRB.

Ngoài việc là một thành phần của Hệ thống Thông tin cấp cứu và An toàn hàng hải toàn cầu (GMDSS), người đi biển đa phần sử dụng thiết bị Inmarsat để trao đổi công việc. Các đơn vị chủ tàu có thể quản lý thông tin chính xác về tốc độ, hướng và vị trí của tàu, điều khiển giám sát và thu nhận dữ liệu từ tàu với độ tin cậy cao. Tuy nhiên, tất cả các thiết bị và phương thức thông tin khác trong quy định của hệ thống GMDSS đều đóng vai trò quan trọng. Trung tuần tháng 8/2011, Đài Thông tin Duyên hải TP. Hồ Chí Minh nhận được tin báo: Tàu Asian Fair II của Công ty TNHH MTV Hoàng Thành vừa được tiếp nhận từ nước ngoài và đang trên đường về Việt Nam. Những ngày đầu thông tin qua lại giữa tàu và Công ty đều đặn được cập nhật. Tuy nhiên, những ngày tiếp theo Công ty không nhận được tin tức từ tàu. Anh Gia - Trưởng phòng DP (Phòng An ninh An toàn) của Công ty yêu cầu Đài trợ giúp khẩn cấp. Các bức điện gửi cho tàu bằng phương thức Inmarsat và DSC, các thông báo điểm danh có việc cho tàu cũng được liên tục gửi đi mà vẫn không nhận được phản hồi từ tàu. 2 ngày trôi qua, sự lo lắng càng tăng thêm bội phần khi Đài Duyên hải vẫn không hề nhận được bất cứ cuộc liên lạc nào trên tất cả các phương thức liên lạc. Toàn bộ nhân viên Công ty Hoàng Thành và các khai thác viên của Đài thực sự cảm thấy căng thẳng, công tác canh nghe được thực hiện hết sức cẩn trọng và nghiêm ngặt mong bắt được liên lạc với tàu, đảm bảo không bỏ sót bất kỳ thông tin nào.

May mắn là đến ngày thứ 3, trên tần số trực canh 12359.0 Khz, tàu Asian Fair II đã gọi bắt liên lạc với Đài. Thuyền trưởng Võ Văn Thống Nhất thông báo: Tàu vẫn đang hành trình an toàn về Việt Nam, thiết bị Inmarsat bị hỏng, thiết bị DSC vẫn thu được tín hiệu của Đài Thông tin Duyên hải TP. Hồ Chí Minh nhưng không thể báo nhận được nên chỉ còn cách liên hệ duy nhất với Đài qua phương thức thoại MF/HF, thông tin nhanh chóng được thiết lập từ tàu tới chủ tàu.

Ngay trong ngày hôm đó, đại diện chủ tàu đã có buổi làm việc với bộ phận dịch vụ khách hàng của Đài Thông tin Duyên hải TP. Hồ Chí Minh. Anh Gia - Trưởng phòng DP thay mặt Công ty cảm ơn sự hỗ trợ thông tin nhanh chóng kịp thời của Đài Thông tin Duyên hải TP. Hồ Chí Minh và mời nhóm kỹ thuật viên xuống tàu Asian Fair II để truyền đạt những kinh nghiệm sử dụng thiết bị thông tin trong trường hợp khẩn cấp, thông tin an toàn hàng hải và thông tin liên lạc; hướng dẫn về quy định về chế độ kiểm tra định kỳ và các giải pháp thông tin liên lạc tiếp theo khi các thiết bị gặp sự cố. Việc trang bị thiết bị thông tin trên tàu đầy đủ theo hệ GMDSS là hết sức cần thiết, giúp cho tàu và bờ không bị gián đoạn trong liên lạc. Trong chuyến đi này, phương thức thoại MF/HF như là một cứu cánh cho cả thủy thủ đoàn, tạo sự yên tâm trong một tình huống xảy ra mà không ai ngờ tới. Cả một hành trình dài như vậy mà mất liên lạc thì không biết tình hình sẽ đi đến đâu, công việc tìm kiếm tàu sẽ rất tốn kém. Những đội tàu vận tải lớn thường sử dụng những công nghệ thông tin hiện đại hơn.

Những yêu cầu trang bị thiết bị cho tàu hàng tùy thuộc vào vùng biển hoạt động, các tàu khai thác theo hệ thống GMDSS được trang bị các phương tiện sơ cấp và thứ cấp phục vụ cho việc báo động cấp cứu. Để đạt được hiệu quả cao cho sử dụng và hoạt động, các thiết bị đài tàu nên có các biện pháp như:

- Trang bị máy dự phòng theo bộ đôi;

- Kiểm tra, bảo trì định kỳ;

Trong tất cả các phương thức liên lạc, phương thức thoại MF/HF là phương tiện đơn giản và rẻ nhất. Với cách sử dụng đơn giản và có chức năng an toàn trên biển, với chi phí nhỏ nhưng mang tới lợi ích vô cùng to lớn. Thủ tục mở thuê bao liên lạc qua Hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam vô cùng đơn giản và thuận tiện. Các đài tàu hoặc cá nhân có thể đăng ký mở thuê bao ở một đài có thể gọi và thanh toán tiền cước ở bất cứ đài Thông tin Duyên hải nào trong hệ thống.

Để thông tin có hiệu quả trên sóng trái đất, các thủy thủ nên chọn những dải tần thích hợp cho liên lạc với từng cự ly. Như ở trong vùng cận bờ thì dùng phương thức thoại VHF, vùng gần bờ thì dùng MF. Tàu hành trình trong vùng biển A4, HF là phương tiện phù hợp trong thông tin tới một Đài Thông tin Duyên hải có khoảng cách xa bờ. Khi liên lạc cần lưu ý chọn tần số thích hợp với sự truyền sóng ban ngày hoặc ban đêm.

Nếu trong trường hợp các tàu gặp phải tình huống tương tự như trên thì có thể canh nghe thông báo có việc (hay còn gọi là thông báo điểm danh) cho các tàu từ Hệ thống các Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam. Trước khi phát thông báo điểm danh trên tần số làm việc thường phát giáo đầu trên 02 tần số 8291 kHz và 12359 kHz:

- Vào phút thứ 3 của các giờ 01, 07, 09, 15, 17 và 23;

-  Hoặc vào phút thứ 33 của các giờ 00, 01, 06, 07, 08, 09, 14, 15, 16 17, 22 và 23.

Các bức điện cho các tàu có việc sẽ được thông báo trên tần số làm việc của đài đó. Các đài Thông tin Duyên hải thường gọi các đài tàu dưới hình thức điểm danh: Gồm tên tàu hoặc nhận dạng khác của tất cả các tàu có điện hoặc có việc. Danh sách các tàu này được phát trên tần số làm việc của từng đài Thông tin Duyên hải 6 phiên một ngày.

Do vậy, để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển, hãy áp dụng một biện pháp đơn giản nhưng có hiệu quả cao trong phòng tránh gián đoạn thông tin liên lạc tàu bờ. Cần lưu ý rằng, không được coi biện pháp dự phòng ấy là an toàn tuyệt đối, mà cần phải có những kỹ năng xử lý tình huống và sử dụng thành thạo các thiết bị thông tin liên lạc phòng ngừa mọi tình huống bất trắc o

Ý kiến của bạn

Bình luận