Kinh nghiệm tài chính và quản lý của các hãng hàng không lớn

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 07/10/2019 06:52

Theo thống kê, khoảng 90% nhân viên làm việc tại sân bay thuộc về các công ty tư nhân như các hãng hàng không, nhà thầu…, 10% còn lại là nhân viên trực tiếp tại sân bay, đảm trách các nhiệm vụ như quản trị viên, nhân viên bảo trì nhà ga, sân bay, kiểm soát không lưu và an ninh hàng không. Bên cạnh đó, các sân bay đều có các bộ phận tài chính, nhân sự và quan hệ công chúng. Điều này khiến cho hoạt động quản lý tại sân bay gần như tương đồng với hoạt động quản lý đô thị. Giống với các thành phố, sân bay cần phải tạo ra lợi nhuận nhằm duy trì và phát triển.

 

Ảnh 1 - Sân bay quốc tế Heathrow, London
Sân bay quốc tế Heathrow, London

 Đẩy mạnh hoạt động thương mại

Các sân bay lớn trên thế giới đều có hai nguồn thu nhập chính: Nguồn thu từ các hoạt động thương mại hàng không, chiếm khoảng 60% doanh thu sân bay và nguồn thu còn lại đến từ các hoạt động ngoài thương mại hàng không. Nguồn thu thương mại hàng không bao gồm các hoạt động và dịch vụ liên quan trực tiếp đến máy bay, gồm dịch vụ sân đỗ, mặt đất, cung cấp tuyến bay, chi phí tiếng ồn và môi trường và các khoản thu liên quan trực tiếp đến hoạt động tổ chức tại sân bay.

Nguồn thu thương mại tại sân bay bao gồm hệ thống cửa hàng miễn thuế, khách sạn sân bay, các quán ăn, dịch vụ giải trí và sân đỗ xe hơi. Các dịch vụ này đóng góp đến 40% doanh số hàng năm của các sân bay lớn và đang có chiều hướng gia tăng. 

Độ lớn của sân bay cũng là một yếu tố quyết định lớn tỷ lệ doanh thu và chủ sở hữu của sân bay. Nhiều sân bay cỡ nhỏ trên thế giới thường được sở hữu và quản lý bởi chính phủ sở tại. Các sân bay này thường có mức chi phí liên quan đến hoạt động hàng không thấp hơn so với các sân bay lớn hơn nhằm thu hút các hãng hàng không sử dụng dịch vụ. Tuy vậy, một sân bay nhỏ với lượng khách hàng hàng năm dưới một triệu hành khách sẽ có tỷ lệ lợi nhuận thấp hơn rất nhiều so với một sân bay quốc tế như Heathrow (Anh Quốc).

Mặc dù trên thực tế một sân bay thường đảm nhận nhiều chuyến bay chở hàng hơn so với thương mại chở khách, tuy nhiên phần lớn doanh thu từ hoạt động hàng không tại các sân bay quốc tế lại đến từ các hành khách trên các chuyến bay thương mại. Tại sân bay Heathrow - sân bay bận rộn nhất thế giới, một ngày hệ thống đường băng tại sân bay này phục vụ đến 650 chuyến bay, tương đương với 78 triệu hành khách lưu thông mỗi năm. Để có thể vận hành sân bay, các nhà quản lý phải chi ra 1,5 tỷ USD/năm và một hành khách phải tạo ra 19 USD lợi nhuận để sân bay có thể đạt ở mức hòa vốn.

Đối với doanh số từ các hoạt động thương mại, các sân bay sẽ thu một phần lợi nhuận từ doanh số bán hàng của các thương hiệu đặt cửa hàng tại sân bay. Trung bình, một nhà hàng tại sân bay Heathrow mang lại cho sân bay lợi nhuận 0,95 USD/khách hàng, 5,15 USD/khách đối với cửa hàng bán lẻ, 5,07 USD/khách cho các hoạt động đỗ và thuê xe. Ngoài ra, hệ thống tàu tốc hành xuất phát từ sân bay cũng được sở hữu và quản lý bởi sân bay và tạo ra 2,15 USD/khách, đưa tổng giá trị doanh thu từ hoạt động thương mại sân bay đến 13,32 USD/khách. Các sân bay quốc tế lớn khác như Washington Dulles Airport và Paris Charles de Gaulle Airport cũng tạo ra nguồn lợi nhuận/khách hàng cũng đạt mức 5,68 USD/khách và 10,92 USD/khách. 

Để đạt được mức tài chính cân bằng và tạo ra lợi nhuận, chỉ riêng các hoạt động thương mại ngoài hàng không cần phải kết hợp với hoạt động thương mại hàng không - vốn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu và lợi nhuận của các sân bay. Tại sân bay Heathrow, một máy bay hạ cánh xuống sân bay này sẽ phải chi trả khoảng 9.500 USD/lần hạ cánh. Chi phí này được điều chỉnh dựa trên kích cỡ máy bay. Một máy bay cỡ nhỏ như Bombardier Dash 8 chỉ cần trả 999 USD trong khi máy bay cỡ lớn như Boeing 747 phải chi tới 11.600 USD để hạ cánh.

Các máy bay cất cánh từ sân bay Heathrow sẽ được các nhà quản lý tính toán mức phí dựa trên số lượng khách hàng và điểm đỗ. Ví dụ, một máy bay có hướng bay bên ngoài không phận châu Âu sẽ phải chịu mức phí 58 USD. Nếu chiếc máy bay trên chấp nhận Heathrow làm một trong những điểm dừng, mức phí này sẽ được điều chỉnh còn 44 USD và xuống còn 39 USD nếu hãng hàng không chấp nhận đỗ chiếc máy bay ở vị trí cách xa cổng hạ cánh. Dựa trên các thông số chi phí, một khách bay sẽ tạo ra doanh thu cho sân bay 29 USD/vé bán ra. Tổng doanh thu và lợi nhuận sẽ được sử dụng để nâng cấp mở rộng sân bay cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ tại sân bay.

Chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ

Ảnh 2 - Jewel Changi, Singapore
Jewel Changi, Singapore

 Để có thể tạo ra mức lợi nhuận tối đa, những năm gần đây các sân bay quốc tế lớn đang áp dụng nhiều công nghệ nhằm tối ưu hóa khả năng vận hành của sân bay, qua đó tối ưu hóa giao thông trên các đường băng cũng như tối đa hóa lợi nhuận từ hoạt động thương mại bên trong sân bay. Tại sân bay Changi - Singapore, dựa trên sự ứng dụng của công nghệ thông tin, các hệ thống Air Cargo EDI System, hệ thống thanh toán nâng cao đối với các hàng hóa chuyển phát nhanh (ACCESS), hệ thống thanh toán điện tử và lập danh sách đơn hàng (EPIC) đã được đưa vào nhằm tối ưu hóa tốc độ vận chuyển và thanh toán đơn hàng của sân bay. Bên cạnh đó, hệ thống TradeNet cũng được đưa vào hoạt động nhằm giúp khách hàng có thể tiến hành khai thủ tục thông quan qua Internet và giảm thời gian xử lý hồ sơ. Hệ thống TradeNet cũng giúp sân bay Changi liên kết với hệ thống hạ tầng logistics của toàn bộ quốc đảo. Lượng hàng hóa vận chuyển qua sân bay Changi đứng hàng thứ 10 trên thế giới và thứ 5 trong khu vực châu Á. Bên cạnh đó, Changi cũng sở hữu một hệ thống trung tâm thương mại, nhà hàng đồ sộ cùng với nhiều hoạt động giải trí, qua đó nhằm gia tăng thời gian lưu lại và chi tiêu bên trong sân bay của khách hàng. 

Tại sân bay Heathrow, các nhà quản lý đã khéo léo đưa các hệ thống cửa hàng thương mại lại gần các khu vực tập trung nhiều hành khách chờ chuyển tiếp chuyến bay. Đối tượng khách hàng này sẽ được các sân bay khuyến khích sử dụng thời gian chờ để mua sắm, ăn uống. Các hệ thống làm thủ tục nhanh được nhiều sân bay áp dụng rộng rãi giúp cho các khách hàng bớt thời gian chờ và tạo ra nhiều cơ hội khám phá sân bay hơn. 

Bằng cách điều hành sân bay như một doanh nghiệp thông minh và tối ưu hóa thời gian cũng như cơ sở vật chất, các sân bay lớn trên thế giới như Heathrow, Changi vượt qua giá trị ban đầu là điểm đến cho các hành khách chỉ để sử dụng dịch vụ hàng không để trở thành các trung tâm dịch vụ thương mại, mua sắm, giải trí lớn... và trở thành điểm tham quan thu hút khách du lịch

Ý kiến của bạn

Bình luận