hinh 1 |
Nguồn vốn còn hạn hẹp
Ông Võ Khánh Hưng - Phó giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Kể từ năm 2014, TP. Hồ Chí Minh được cấp bổ sung từ nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) Trung ương để phục vụ cho công tác BTĐB trên địa bàn. Cụ thể năm 2014, Quỹ BTĐB Trung ương cấp cho Thành phố 73,8 tỷ đồng, năm 2015 là 182,4 tỷ đồng, năm 2016 là 242,630 tỷ đồng và năm 2017 là 226,132 tỷ đồng. Với nguồn vốn Quỹ BTĐB Trung ương cấp về cho Thành phố trong 4 năm là 725,023 tỷ đồng đã bổ sung thêm nguồn kinh phí cho công tác bảo trì. Nhiều công trình đường bộ được sửa chữa cơ bản, chất lượng hạ tầng giao thông được đảm bảo, góp phần tích cực trong công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn Thành phố, tạo thuận lợi cho người dân và phương tiện lưu thông an toàn”.
Tuy nhiên theo ông Hưng, Quỹ BTĐB Trung ương phân bổ nguồn kinh phí bảo trì từ nguồn thu phí xe ô tô cho Thành phố vẫn chưa tương xứng với quy mô hệ thống hạ tầng, số lượng xe hoạt động trên địa bàn cũng như nguồn thu phí BTĐB từ ô tô của Thành phố dẫn đến công tác bảo dưỡng thường xuyên thực sự gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng mục tiêu ngăn chặn sự xuống cấp công trình. Về sửa chữa định kỳ, do nguồn vốn còn hạn hẹp nên trong giai đoạn vừa qua, công tác này mới chỉ lựa chọn các vị trí hư hỏng nặng để ưu tiên (mang tính chất cục bộ, không xử lý triệt để), chưa thực hiện đủ khối lượng công việc sửa chữa theo định kỳ).
Với khối lượng quản lý hạ tầng như hiện nay, ngân sách Thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 30% so với nhu cầu thực tế, chỉ tập trung giải quyết một số công việc cấp bách mà không thực hiện đầy đủ khối lượng công việc bảo dưỡng thường xuyên nên tiến hành sửa chữa định kỳ theo đúng quy định còn chậm, dẫn đến hệ thống hạ tầng giao thông Thành phố ngày càng xuống cấp, ảnh hưởng đến bảo đảm TTATGT cũng như hình ảnh văn minh, sạch đẹp của Thành phố. Do đó, việc phân chia kinh phí từ Quỹ BTĐB Trung ương về Thành phố là rất quan trọng, góp phần hỗ trợ cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông.
Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến
Để sử dụng có hiệu quả và có thêm nguồn vốn đáp ứng công tác duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông, ông Hưng nhấn mạnh: “Thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành xây dựng các đề án tăng nguồn thu cho quỹ BTĐB như: Phí quảng cáo, phí sử dụng lòng, lề đường, tăng cường xã hội hóa công tác BTĐB; tiếp tục quản lý có hiệu quả và chặt chẽ nguồn thu, chi Quỹ BTĐB; tăng cường công tác tuyên truyền và công khai, minh bạch các hoạt động của Quỹ để tăng tính giám sát cộng đồng; hoàn thiện và thống nhất cơ cấu tổ chức bộ máy của Quỹ BTĐB Thành phố với các quỹ BTĐB địa phương khác, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả. Đồng thời, Thành phố tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra và phối hợp với các cơ quan có liên quan giám sát chặt chẽ việc thu, chi kinh phí BTĐB trên địa bàn.
Thành phố tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới nhằm tăng hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho công tác quản lý và BTĐB như: Đẩy mạnh việc cơ giới hóa, hiện đại hóa trong công tác kiểm tra, quản lý, bảo dưỡng và sửa chữa cầu đường bộ; xây dựng và hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá dự toán về công tác BTĐB trên địa bàn Thành phố; xã hội hóa công tác bảo trì thông qua đấu thầu, đặt hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích; tăng cường công tác quản lý và kiểm soát tải trọng xe, quản lý hành lang đường bộ và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; xây dựng các giải pháp giao thông thông minh trên nền bản đồ số.
Là một trong những đơn vị thực hiện quản lý, duy tu và sửa chữa những tuyến đường vùng ven nội đô trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, ông Phạm Ngọc Dũng - Phó giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 3 cho biết: “Địa bàn Khu quản lý nằm về phía Tây Bắc Thành phố gồm: Quận Gò Vấp, quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi. Các tuyến QL1, QL22 và các đường trục chính như: Quang Trung, Nguyễn Oanh, Nguyễn Văn Nghi, Hà Huy Giáp, Lê Văn Khương… đang trở nên quá tải, thường xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông kéo dài vào giờ cao điểm. Nhiều tuyến đường trục chính liên quận, huyện còn nhỏ hẹp, chưa có hệ thống thoát nước… Nguồn vốn dành cho công tác sửa chữa, BTĐB còn hạn hẹp so với nhu cầu.
“Năm 2018, Khu 3 được bố trí nguồn vốn hơn 210 tỷ đồng thực hiện duy trì thường xuyên hệ thống cầu, đường bộ được phân cấp quản lý, đảm bảo giao thông thông suốt; thực hiện hoàn thành các dự án sửa chữa lớn, sửa chữa vừa, đảm bảo giao thông đã được bố trí vốn đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Trong đó, Khu tập trung thực hiện sửa chữa định kỳ mặt đường các tuyến quốc lộ, cải tạo các tuyến đường trục chính tối thiểu hai làn xe, bổ sung hệ thống thoát nước; sửa chữa tăng cường các cầu không đồng bộ tải trọng với tuyến đường, hoàn chỉnh báo hiệu giao thông theo quy chuẩn quốc gia về báo hiệu giao thông…”, ông Dũng cho biết thêm.
Để đảm bảo hoạt động bảo trì đường bộ, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Quỹ BTĐB Trung ương cần có cơ chế đặc thù ưu tiên trong việc cấp kinh phí từ nguồn 35% để lại cho Thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu bảo trì trên địa bàn; sớm bàn giao dự toán cho Quỹ BTĐB Thành phố chủ động trong công tác lập dự toán, kế hoạch nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành và giải ngân của năm; sớm có văn bản hướng dẫn để triển khai việc tăng cường ngồn thu của Quỹ như cho thuê vị trí các biển quảng cáo, hạ tầng kỹ thuật điện, cấp nước, viễn thông… được lắp đặt trong phạm vi đất dành cho đường bộ; bổ sung kinh phí hằng năm từ nguồn 65% cho quỹ địa phương để thực hiện các công tác chủ đạo như: Kiểm định cầu, chi sửa chữa định kỳ công trình đường bộ, chi sửa chữa đột xuất khắc phục thiên tai, “điểm đen” TNGT, hoạt động các trạm kiểm tra tải trọng xe, chi ứng dụng công nghệ và mua sản phẩm dịch vụ công nghệ… o
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.