Khu đô thị cao cấp Phú Mỹ Hưng |
Trong 70 năm qua, đất nước trải qua 30 năm chiến tranh, chia cắt, mất hàng chục năm khắc phục hậu quả và tìm tòi cơ chế, bị bao vây cấm vận, bị hụt hẫng về vốn đầu tư, thị trường do sự đổ vỡ CNXH ở Liên Xô (cũ) và Đông Âu, tác động của các cuộc khủng hoảng suy thoái kinh tế thế giới... Mặc dù vậy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn, có những bước phát triển vượt bậc, được bạn bè quốc tế ghi nhận.
Việt Nam đã trở thành một nước hoàn toàn độc lập, tự chủ, đa phương hóa, là bạn với tất cả các nước, các tổ chức quốc tế lớn. Việt Nam đã là thành viên của Liên hiệp quốc, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), có quan hệ ngoại giao với trên 170 nước, quan hệ giao thương với trên 200 nước và vùng lãnh thổ, tham gia hầu hết các tổ chức và định chế quốc tế, đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc... Vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế ngày càng tăng.
Kinh tế đã có bước tăng trưởng vững chắc, thu nhập bình quân đầu người tính đến năm 2014 đã đạt hơn 2.000 USD, đã ra khỏi nhóm nước thu thập thấp để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Tăng trưởng GDP của Việt Nam tính đến năm 2014 là 34 năm liên tục, chỉ thua kỷ lục 36 năm hiện do Trung Quốc nắm giữ... Nếu bình quân thời kỳ 1977 - 1980, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 0,4%/năm, thấp xa so với tốc độ tăng dân số, làm cho thu nhập quốc dân bình quân đầu người bị sụt giảm mạnh. Nếu tính bình quân thời kỳ 1977 - 1985 cũng chỉ tăng 3,7%/năm, cao hơn không bao nhiêu tốc độ tăng dân số. Nếu bình quân thời kỳ 1986 - 1990 chỉ đạt 4,4%/năm, thì bình quân thời kỳ 1991 - 2011 đạt 7,34%/ năm, thuộc loại cao trong khu vực, châu Á và trên thế giới.
Như vậy, quy mô kinh tế năm 2014 gấp khoảng 23 lần năm 1955, gấp khoảng 6,5 lần năm 1985 và gấp trên 5 lần năm 1990, gấp trên 2,5 lần năm 2000 (bình quân 1 năm thời kỳ 2001 - 2011 đạt 7,14%).
Cơ cấu kinh tế đó có sự chuyển dịch rõ nét. Nếu như trước Cách mạng, nông nghiệp chiếm chủ đạo thì tỷ trọng trong GDP của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản đã giảm từ 40,2% (1985) xuống còn 18,02% (2014), nhóm ngành công nghiệp - xây dựng đã tăng từ 27,4% lên trên 40%, nhóm ngành dịch vụ tăng từ 32,4% lên gần 40% trong thời gian tương ứng. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng vai trò của công nghiệp được nâng lên, khu vực thương mại, dịch vụ trở nên quan trọng và luôn tăng trưởng khá. Kim ngạch ngoại thương tăng mạnh; một số sản phẩm xuất khẩu của nước ta đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Nông nghiệp có sự biến đổi thần kỳ, đã chuyển từ độc canh cây lúa, năng suất thấp và thiếu hụt lớn sang không những đáp ứng trong nước mà còn xuất khẩu gạo với khối lượng lớn, đứng thứ hai thế giới, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc tế; xuất khẩu cà phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu, thủy sản với khối lượng lớn đứng thứ hạng cao trên thế giới.
Sản xuất công nghiệp trước Cách mạng còn rất sơ khai. Cả nước chỉ có 200 xí nghiệp, với 90.000 công nhân, chủ yếu phục vụ việc vơ vét tài nguyên và bóc lột nhân công rẻ mạt của thực dân. Số sản phẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay với sản lượng còn rất ít ỏi. Đến nay, cả nước có gần nửa triệu doanh nghiệp, trên 4,2 triệu cơ sở cá thể, với gần 15 triệu lao động... Sản phẩm công nghiệp nhiều gấp bội về số loại, vừa gấp nhiều lần về sản lượng.
Thương mại trước Cách mạng còn rất nhỏ bé phân tán, đến nay, việc mua bán ở trong nước đã được tự do hóa, hàng nghìn siêu thị, trung tâm thương mại được hình thành. Số nước và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có quan hệ buôn bán nếu năm 1986 mới có 43 thì đến nay đã lên đến trên 200. Kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đã vượt qua mốc 150 tỷ USD. Tỷ lệ kim ngạch xuất, nhập khẩu so với GDP năm 2014 đã đạt xấp xỉ 175%, đứng thứ 5 thế giới.
Vốn FDI tính từ năm 1988 đến tháng 7/2012 đăng ký đạt trên 250 tỷ USD, thực hiện đạt trên 100 tỷ USD. Vốn ODA từ năm 1993 đến nay cam kết đạt trên 80 tỷ USD, giải ngân đạt trên 37 tỷ USD. Nền kinh tế đã thu hút được một lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, bước đầu tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Đại lộ Thăng Long (Hà Nội ) |
Hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, từ chỗ lạc hậu, yếu kém, đến nay bộ mặt hạ tầng giao thông trên cả nước đã dần thay da đổi thịt, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Thời gian qua, ngành GTVT đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp hệ thống QL chính như QL1, đường Hồ Chí Minh... Hàng loạt tuyến cao tốc được đầu tư xây dựng như: Nội Bài - Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Hà Nội - Thái Nguyên… Các dự án đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả cao, không những giảm áp lực cho giao thông, giảm tai nạn, ùn tắc, mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển.
Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, hàng không, cảng biển được đầu tư mở rộng, mở ra cơ hội mới cho giao thương đi lại, hàng hóa của Việt Nam đến với bạn bè năm châu, là động lực thúc đẩy hội nhập quốc tế. Những bước phát triển vượt bậc của hệ thống hạ tầng giao thông được ghi nhận và đánh giá cao. Năm 2014, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã xếp Việt Nam ở vị trí 74 thế giới, tăng 16 bậc về năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010.
Văn hóa, xã hội đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nếu trước Cách mạng, trên 90% dân số Việt Nam không biết chữ thì đến nay, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đều đã đạt phổ cập THCS. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã đạt được 3 sự vượt trội. Chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng chính sách và từng bước phát triển. Chăm sóc sức khỏe ngày càng được cải thiện, đến nay, cả nước có 13.239 cơ sở khám, chữa bệnh, với 275.100 giường bệnh; bình quân 1 vạn dân có 24,9 giường bệnh (không kể số giường của trạm y tế xã, phường, thị trấn và trạm y tế các cơ quan doanh nghiệp). Tổng số bác sỹ là 73.700 người; bình quân 1 vạn dân có 8,3 bác sỹ; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, coi văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.