Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện tuyến đường Vành đai 3
Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đi qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và TP. Hồ Chí Minh với chiều dài khoảng 76 km. Dự án phân chia thành 8 dự án thành phần, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 là 61.056 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 dự án cần khoảng 14.322 tỷ đồng.
Tại Hội nghị triển khai dự án, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đánh giá, dự án đường Vành đai 3 không chỉ quan trọng đối với TP. Hồ Chí Minh, các địa phương có dự án đi qua mà còn có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. "Đây là một quyết sách rất quan trọng để phát triển hạ tầng giao thông. Tuyến đường hình thành sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam, giúp TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là "đầu tầu" kinh tế của cả nước. Dự án có quy mô lớn về vốn cũng như khối lượng công việc nhưng triển khai trong một thời gian ngắn với quyết tâm thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2026. Việc thi công trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh với mật độ dân số cao, đô thị hóa nhanh, do đó công tác đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ gặp nhiều khó khăn, vì vậy sự phối hợp giữa các địa phương là rất quan trọng...", Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua, TP. Hồ Chí Minh cùng các địa phương đã thống nhất quy chế phối hợp và tham mưu để trình Chính phủ nghị quyết triển khai dự án. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao cho TP. Hồ Chí Minh cùng các địa phương cố gắng khởi công vào tháng 6/2023, tức sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch.
Đồng bằng sông Cửu Long chờ đón hai tuyến cao tốc trọng điểm
Từ đầu năm 2022, khi thông tin dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, nhiều tỉnh, thành tỏ ra rất vui mừng, phấn khởi. Tại buổi làm việc với các địa phương có dự án đi qua, hầu hết lãnh đạo các tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang... đều cam kết hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng để dự án có thể thực hiện một cách sớm nhất.
Ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận (đơn vị quản lý và thực hiện dự án) cho biết, Bộ GTVT đã có quyết định về việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Tại các buổi làm việc, hầu hết các địa phương đều thống nhất với hướng tuyến được đưa ra. Tính đến nay, Ban QLDA Mỹ Thuận đã bàn giao mốc giải phóng mặt bằng đợt 3 cho các tỉnh. Ban cũng đã chỉ đạo tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đồng thời tổ chức báo cáo và xin ý kiến các các địa phương về hướng tuyến, quy mô mặt cắt ngang tuyến, giải pháp thiết kế sơ bộ…
Để triển khai dự án theo tiến độ yêu cầu, kịp khởi công dự án vào cuối năm 2022, ông Thi kiến nghị các địa phương sớm triển khai các thủ tục thu hồi đất, lựa chọn đơn vị đo đạc, đơn vị kiểm kê, lập phương án đền bù...; đồng thời rà soát quỹ đất ở, các khu tái định cư hiện có, làm cơ sở xây dựng phương án tái định cư cho các hộ dân bị di dời đảm bảo phù hợp quy định.
Theo đó, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc hệ thống đường cao tốc phía Nam. Đây cũng là tuyến kết nối cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu. Việc đầu tư dự án góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, giảm thiểu ùn tắc, TNGT, đặc biệt là kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới của địa phương, tạo động lực phát triển cho các địa phương nói riêng, vùng kinh tế nói chung.
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có tổng chiều dài 109 km, tổng mức đầu tư 27.254 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe hạn chế, dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành năm 2025. Dự án đi qua TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài hơn 36 km, tổng mức đầu tư khoảng 9.769 tỷ đồng, đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 72 km, tổng mức đầu tư khoảng 17.485 tỷ đồng.
Theo đánh giá, tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được ưu tiên vị trí thứ hai sau cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ là tuyến cao tốc trục ngang kết nối các tỉnh, thành trong vùng, đặc biệt là cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Cảng này được xác định là cảng nước sâu chiến lược, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, giao thương kinh tế của 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.
Theo Ban QLDA Mỹ Thuận (đơn vị được giao chuẩn bị dự án giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi), dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm đầu kết nối QL91 thuộc TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang), điểm cuối kết nối cảng Trần Đề. Tổng chiều dài tuyến này là hơn 188 km, đi qua địa bàn tỉnh An Giang hơn 56 km, TP. Cần Thơ hơn 37 km, tỉnh Hậu Giang hơn 37 km và tỉnh Sóc Trăng hơn 56 km.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.