Đang trong thời dịch Covid-19 nên ai cũng phải đeo khẩu trang kín mít và hạn chế trò chuyện với nhau. Một anh trong đoàn nói vui: “Đi sớm thế này, nhưng biết đâu trong đoàn mình sẽ có người được về ngay, về trước cả đoàn đấy nhé”. Câu đùa vui nhưng xem ra ai nấy cũng có vẻ căng thẳng, vì sau đó anh này bật mí thêm, chuyến công tác này do lãnh đạo Bộ GTVT chủ trì và có thêm nhiều người nữa nên khi đến nơi tập trung tất cả đều phải test nhanh Covid-19. Nói căng thẳng cũng không quá, bởi thời điểm này từng có người chỉ hôm trước test Covid-19 âm tính nhưng hôm sau bỗng dưng “hai vạch” mà không hiểu do đâu.
Hơn 6h sáng, xe chúng tôi có mặt tại cảng biển Lạch Huyện, TP. Hải Phòng. Lúc này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đã đợi sẵn. Ít phút sau, hơn chục người trong đoàn công tác lần lượt được test nhanh Covid-19. Hồi hộp, lo lắng và cuối cùng tôi cũng thở phào khi bản thân và cả đoàn đều âm tính với Covid-19. Coi như một sự khởi đầu may mắn cho chuyến đi sông nước thời Covid-19.
Trong khi mọi người lần lượt xuống tàu, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhắc tất cả phải mặc áo phao, không chủ quan để không xảy ra sự cố mất an toàn trên hành trình. “PV đã bao giờ đi bằng phương tiện thủy dọc theo sông nước từ Hải Phòng về Phú Thọ chưa? Chuyến này chúng ta sẽ chạy dọc theo hành lang này để nắm thực địa, khảo sát hiện trạng tuyến nên mất nhiều thời gian đấy, cần giữ gìn sức khỏe nhé”, Thứ trưởng căn dặn.
Quả thật, với PV có thời gian dài theo dõi, gắn bó với lĩnh vực giao thông đường thủy, đây là lần đầu tôi được đi thực địa dọc tuyến đường thủy dài hơn 200 km bằng phương tiện thủy, mà lại được đi cùng lãnh đạo Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và những người có chuyên môn trong lĩnh vực quản lý kết cấu hạ tầng, vận tải đường thủy nên là dịp tốt để nắm bắt, học hỏi những kiến thức chuyên ngành. Nếu không làm báo, có mơ chắc cũng không được trải nghiệm những chuyến đi thế này. Có đi, có thực địa mới hiểu hơn về những khó khăn, vất vả đặc thù của chuyên ngành đường thủy.
Trở lại chuyến hành trình, việc đi bằng phương tiện thủy với tốc độ di chuyển chậm và hành trình dài gần 200 km từ cửa biển và vòng theo các tuyến sông Cấm, sông Kinh Thầy, sông Hồng... để lên Việt Trì (lúc đó là 21h) là chuyến đi rất dài so với đường bộ.
Tiết trời đêm tháng Chạp sương giăng mù mịt, sông nước mênh mông, lạnh buốt. Các phương tiện di chuyển trên sông chỉ nhận biết, định vị hướng luồng từ những tín hiệu đèn xanh, đỏ nhấp nháy gắn trên phao và đèn hiệu từ những tàu thuyền khác.
Có lúc sương mù dày đặc đến mức thuyền trưởng và anh em hoa tiêu dày dặn kinh nghiệm căng mắt cũng chỉ dám đoán đi luồng bên này, bên kia cho đúng hướng. Có lúc, tàu của chúng tôi phải dừng, xác định lại hướng đi. Khi đến ngã ba sông trên địa phận TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, tàu chở chúng tôi bị lạc đường, phải mất một lúc lâu mới định vị được phương hướng và cập bến an toàn.
Những chuyến đi thực tế trong cuộc đời người làm báo là những trải nghiệm và vốn sống rất đáng quý, đi theo suốt cả cuộc đời.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.