Lai Châu: Giảm TNGT nhưng loay hoay bịt "lỗ hổng” quản lý

Tác giả: Công Thành

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 19/07/2016 09:25

Tình trạng thiếu kinh phí hoạt động đã dẫn đến tồn tại những "yếu điểm" trong khâu tổ chức quản lý. Do vậy, những nỗ lực để kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn chưa thực sự bền vững.


DSC08039
Với địa hình hiểm trở, Lai Châu hiện có hệ thống giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển

Nỗ lực giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí

Lai Châu là tỉnh có địa bàn rộng, địa hình đồi núi hiểm trở chia cắt, xen kẽ nhiều thung lũng sâu và hẹp, lại có nhiều cao nguyên, sông suối nên khó khăn cho việc phát triển giao thông. Trên thực tế, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được sự phát triển của phương tiện, một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hệ thống biển báo chưa đầy đủ.... Chính vì vậy, việc đi lại của người dân còn rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Phạm Ngọc Phương – Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh Lai Châu cho biết, các thành viên Ban ATGT tỉnh, các huyện, thành phố đã triển khai tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ với khẩu hiệu như "Nghiêm chỉnh chấp hành Luật giao thông đường bộ là thể hiện nét đẹp văn hóa khi tham gia giao thông"; "Hãy nói không với rượu bia khi tham gia giao thông"... đến từng cơ quan, doanh nghiệp, các chủ phương tiện và người tham gia giao thông.

"Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã “thấm” sâu vào các tầng lớp nhân dân, thu hút trên 400 trăm ngàn lượt người tham gia; huy động nguồn lực từ xã hội để hỗ trợ người dân khó khăn có điều kiện tiếp cận dễ dàng với các công cụ đảm bảo ATGT như: mũ bảo hiểm, áo phao, sách vở tuyên truyền ATGT.... Công tác đảm bảo TTATGT tại Lai Châu trong 6 tháng đầu năm nay đã thể hiện sự nỗ lực vượt qua khó khăn của một tỉnh biên giới vùng Tây Bắc" - Ông Phạm Ngọc Phương khẳng định.

DSC07922
TNGT trên địa bàn tỉnh Lai Châu trong 6 tháng đầu năm đã giảm cả 3 tiêu chí, ý thức của người tham gia giao thông đã được nâng cao hơn.

Cũng theo ông Phạm Ngọc Phương, công tác chỉ đạo về công tác bảo đảm TTATGT đã được triển khai sớm, đồng bộ và được duy trì thường xuyên trong các đợt cao điểm về TTATGT. Ngay từ cuối năm 2015, Ban ATGT tỉnh đã xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh các Kế hoạch, Công điện, Chỉ thị, Văn bản đẩy mạnh công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh.

"Tình hình TTATGT được kiểm soát chặt chẽ, các giải pháp của Chính phủ được triển khai một cách nghiêm túc; công tác tuyên truyền Nghị định 171/2013, Nghị định 107/2014 cũng được triển khai một cách sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông. Nhờ đó, TNGT đã đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra là giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2015 về số vụ, số người chết, số người bị thương"- Phó Trưởng Ban ATGT Phạm Ngọc Phương khẳng định.

Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Lai Châu, 6 tháng đầu năm, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 30 vụ TNGT đường bộ khiến 14 người chết, 32 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2015, giảm 5 vụ (14,3%); giảm 8 người chết (36,4%); giảm 9 người bị thương (21%). TNGT đường bộ từ ít nghiêm trọng trở lên xảy ra 15 vụ khiến 14 người chết, 11 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 6 vụ (28,6%), giảm 8 người chết (36,4%), giảm 8 người bị thương (42,1%).

Loay hoay bịt "lỗ hổng"

Đánh giá về những hạn chế trong công tác đảm bảo TTATGT của địa phương, ông Phạm Ngọc Phương cho rằng: "Ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người dân còn kém. Nguyên nhân chính gây ra TNGT cũng xuất phát từ các hành vi vi phạm quy tắc giao thông như: chạy xe quá tốc độ, lạng lách, đánh võng, không đội MBH, lái xe sau khi sử dụng rượu bia...".

DSC08007
Dù có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nhưng công tác nâng cao ý thức của người dân vẫn còn những hạn chế nhất định

Trên thực tế, mặt bằng dân trí ở vùng sâu, vùng xa còn thấp nên khả năng nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân cũng còn hạn chế. Tuy nhiên, kinh phí phục vụ cho công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật TTATGT đến người dân chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thực tế dẫn đến việc nâng cao nhận thức của người dân ở vùng sâu, vùng xa chưa thực sự hiệu quả.

Đặc biệt, công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX các hạng đôi khi còn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nhất là vùng sâu, vùng xa, chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo lái xe chưa cao, kết quả thi lấy GPLX tỷ lệ đỗ, đạt còn thấp. Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về TTATGT tuy có nhiều chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đến được với mọi người dân, nhất là đối tượng thanh niên, người dân tộc thiểu số ở trên các bản vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, sự kết hợp giữa các cấp, các ngành, các thành viên Ban ATGT chưa hiệu quả trong công tác phối hợp.

Thừa nhận về những "lỗ hổng" trong công tác đảm bảo TTATGT tại Lai Châu, ông Mai Khắc Phượng - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lai Châu cho biết, hiện công tác quản lý nhà nước gặp rất nhiều khó khăn dẫn tới việc quản lý vận tải, quản lý phương tiện và người lái đều "thiếu thốn", "chậm chạp" và chưa quyết liệt.

"Ngay cả hệ thống biển báo hiệu trên một số tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện do Sở GTVT quản lý đã quá cũ nát, hư hỏng và không còn phù hợp với tiêu chuẩn mới nhưng vẫn chưa được bổ sung, thay thế vì vẫn đang... chờ kinh phí " - ông Mai Khắc Phượng cho hay.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Quy hoạch hệ thống bến xe, điểm dừng đón, trả khách vẫn còn thiếu, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải, nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã chưa đưa vào khai thác.

Liên quan đến diễn biến gia tăng TNGT đường thủy hiện nay, ông Mai Khắc Phượng khẳng định, công tác đảm bảo an toàn đường thủy được kiểm soát tốt trong  nửa đầu năm 2016. Tuy nhiên, lĩnh vực đường thủy cũng còn tồn tại nhiều điểm yếu kém. Theo ông Phượng, các phương tiện thủy trên địa bàn tỉnh chủ yếu là do người dân tự đóng theo phương thức dân gian giống nhau nhưng được lắp máy ngoài phía đuôi phương tiện. Trong khi đó, biên chế cán bộ đăng kiểm viên còn thiếu mà nhận thức về pháp luật của người dân thì lại hạn chế nên công tác đăng ký, đăng kiểm các phương tiện này thực sự rất khó khăn.

Cùng với đó là sự thiếu thốn về trang thiết bị chuyên dùng cho lực lượng Thanh tra giao thông của Sở để thực hiện nhiệm vụ. Nhất là nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông trên các tuyến sông hiện nay đang... thiếu Ca nô. Vì vậy, công tác này thật sự rất khó khăn để thực thi nhiệm vụ một cách triệt để.

Cũng theo ông Mai Khắc Phượng, lĩnh vực đường thủy cần phải có kế hoạch hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các bến, cảng thủy nội địa tại địa phương theo quy hoạch./.

Ý kiến của bạn

Bình luận