Vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra ngày 4/2 tại Nam Định. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN |
Theo báo cáo của Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), chỉ riêng 7 ngày Tết Nguyên đán vừa qua (từ 26/1-1/2), tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 11 vụ, làm chết 6 người, làm bị thương 16 người. So với cùng kỳ năm 2016 tăng 5 vụ, tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Về hiện trạng tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, báo cáo của Vụ An toàn giao thông cho hay, hiên tại trên toàn mạng lưới đường sắt có 5.793 điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ; tỷ lệ lối đi dân sinh chiếm 74%. Bình quân 1km đường sắt có 1,85 lối giao cắt. Đây chính là các điểm tiềm ẩn có nguy cơ rất cao về tai nạn giao thông đường sắt bởi theo thông kê những năm gần đây tai nạn giao thông tại các điểm giao cắt đồng mức chiếm khoảng 85% trong tổng số các vụ tại nạn giao thông đường sắt.
Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến các tai nạn giao thông đường sắt tại các giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông nhận định, nguyên nhân cơ bản dẫn đến hầu hết các vụ tai nạn giao thông đường sắt là do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi đi qua đường ngang như: không chú ý quan sát biển báo, tín hiệu đường ngang, tín hiệu của nhân viên gác chắn. Không làm chủ được tốc độ đâm vào tàu đang chạy qua đường ngang hoặc cố tình vượt qua đường ngang khi đã có tín hiệu báo tàu đến.
“Ngoài ra, hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt còn nhiều bất cập như giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ còn quá nhiều, đặc biệt là đường ngang dân sinh bất hợp pháp, các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt chưa được giải tỏa dứt điểm. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp về bảo đảm an toàn giao thông đường sắt và đường bộ của chính quyền địa phương một số nơi còn biểu hiện lơi lỏng, chưa kiên trì thực hiện hoặc thực hiện chưa quyết liệt”, ông Nguyễn Văn Thạch phân tích.
Bàn về các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đương sắt, ông Khương Thế Duy, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo cho làm ngay các gờ giảm tốc cưỡng bức tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt không có rào chắn, cần chắn. Bởi giải pháp này có thể thực hiện ngay không mất quá nhiều tiền. Kinh phí để thực hiện giải pháp này có thể lấy từ nguồn dự án bảo đảm an toàn giao thông hằng năm.
Ngoài ra, về giải pháp kỹ thuật, ông Khương Thế Duy đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cần nghiên cứu điều chỉnh lại âm lượng còi tàu, nghiên cứu xem có thể thay đổi tiếng còi tàu để không lẫn với các phương tiện giao thông khác. Cùng với đó VNR cần tổ chức ngay việc tập huấn cho đội ngũ lái tàu về các nội dung bảo đảm tốc độ chạy tàu, vấn đề kéo còi khi qua các điểm giao cắt với đường bộ…
Còn theo ông Trần Quốc Trung, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công An), để hạn chế tai nạn giao thông đường sắt cần kiểm tra, xem xét lại việc tổ chức giao thông đường sắt tại các đường ngang dân sinh. Đặc biệt là các điểm giao cắt bị khuất tầm nhìn. Ngoài ra, cũng cần phải rà soát lại các biển báo và hoạt động của các đèn tín hiệu trên hệ thống đường sắt. Đề nghị tăng tiếng còi tàu, đèn tín hiệu tại đường ngang, có thể làm đèn nhấp nháy…
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Trần Quốc Trung cũng đồng tình với nhiều đại biểu là cần thực hiện ngay giải pháp làm gờ giảm tốc cưỡng bức tại các điểm giao cắt dân sinh giữa đường bộ và đường sắt ngay.
Về phía Tổng cục Đường bộ Việt Nam, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng cho hay, để nâng cao chất lượng sát hạch lái xe hơn nữa, Tổng cục đang cho rà soát nội dung thi sát hạch và sẽ đưa nội dung an toàn giao thông liên quan đến giao thông đường sắt vào nội dung thi.
Về phía VNR, ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc đánh giá, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn đường sắt thời gian qua không mới. Hiện nay nguyên nhân chính vẫn là do văn hoá giao thông của người tham gia và điểu khiển phương tiện giao thông vì tai nạn chủ yếu xảy ra ở đường ngang dân sinh. Do đó, việc hạn chế các đường ngang dân sinh là rất quan trọng. Đề nghị lực lượng thanh tra giao thông và công an cùng tham gia giúp VNR trong việc đóng, thu hẹp các đường ngang.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc cho biết, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì xây dựng đề án chung để xử lý các nội dung về đường sắt theo tinh thần đưa ra các giải pháp trọng tâm để xử lý tai nạn giao thông.
Về giải pháp làm gờ giảm tốc cưỡng bức tại các điểm giao cắt dân sinh giữa đường sắt và đường bộ, ông Khuất Việt Hùng đề nghị nên quy định ngay vấn đề này thuộc trách nhiệm của ngành đường bộ để từ đó có thể lấy nguồn kinh phí từ Quỹ bảo trì đường bộ để thực hiện ngay giải pháp này trong thời gian tới.
Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng, cần phải có quy định trách nhiệm với các địa phương nơi có đường sắt đi qua. Ví dụ như nếu địa phương nào để phát sinh đường ngang dân sinh bất hợp pháp thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm…
Kết luận tại cuộc họp, Thứ tưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đánh giá, tình hình tai nạn giao thông đường sắt có diễn biến phức tạp, nhất là dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tại nạn thì có nhiều nguyên nhân không mới và đã được đánh giá, nhận định từ nhiều năm trước. Trong đó, nguyên nhân do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Cùng với đó là do đường ngang dân sinh chưa được kiểm soát.
“Vì vậy, giải pháp cấp bách là phải tổ chức rà soát các đường ngang dân sinh và có giải pháp cụ thể, đặc biệt là các cung đoạn mật độ chạy tàu nhiều. Cục Đường sắt Việt Nam và VNR cần phối hợp với địa phương thực hiện ngay công tác tuyên truyền. Cùng với đó là thực hiện ngay việc lắp đèn chớp tại đường ngang và trên các đầu toa xe”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo.
Về giải pháp lâu dài, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng vẫn là phải xử lý các đường ngang dân sinh. Vì vậy, Thứ trưởng Đông giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cùng Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện việc rà soát tổng thể đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ bố trí ngân sách để thực hiện, trong đó ưu tiên thực hiện tại các điểm đen, các cung đoạn có mật độ chạy tàu cao.
Về kiến nghị của nhiều đại biểu làm gờ giảm tốc cưỡng bức tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đồng tình với giải pháp này và yêu cầu các đơn vị của Bộ nghiên cứu rà soát tổng thể sớm đề xuất để bố trí thực hiện.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.