Lãnh đạo Tổng công ty Vận tải HN: Xe buýt nghiêng nhưng không thể lật

Ý kiến phản biện 22/05/2015 06:47

“Vào giờ cao điểm, khách lên xe rất đông, mặt đường không bằng phẳng, khách đứng dồn tại một điểm là một trong số những nguyên nhân khiến xe buýt nghiêng. Tuy nhiên, xe buýt chỉ nghiêng đến một mức độ nhất định, không thể đổ, lật”, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) khẳng định.


Xe buýt tuyến 02 (bến xe Yên Nghĩa - Hà Đông - Bác Cổ) chạy ngả nghiêng trên đường Nguyễn Trãi, đoạn đối diện Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội.

Xe buýt tuyến 02 (bến xe Yên Nghĩa – Hà Đông – Bác Cổ) chạy ngả nghiêng trên đường Nguyễn Trãi, đoạn đối diện Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội.

Như đã thông tin, nhiều độc giả phản ánh về tình trạng xe buýt số 01, 02 nghiêng ngả nhưng vẫn lao vun vút trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Sau khi nhìn những hình ảnh trên, nhiều bạn đọc bày tỏ lo ngại, những chiếc xe buýt nghiêng ngả có thể gây ra nguy hiểm nếu tiếp tục lưu thông trên đường.

Trao đổi với phóng viên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Việt Triều cho biết, xe buýt nghiêng mà cộng đồng mạng quan tâm là xe buýt sử dụng giảm xóc bằng bóng hơi (hình trụ). Đây là hệ thống giảm xóc hiện đại, nhưng đòi hỏi chế độ chăm sóc khắt khe. Đặc điểm của loại giảm xóc này khắc phục được tiếng cót két và êm ái hơn so với các loại giảm xóc thông thường khác. Ngồi trên xe di chuyển, hành khách có cảm giác bồng bềnh do toàn bộ khối lượng xe được đặt trên 6 quả bóng hơi.

Theo ông Triều: Về nguyên tắc, khi có người lên xe thì quả bóng hơi xẹp xuống. Lúc đó thanh cân bằng sẽ nghiêng và tác động vào các van bóng hơi để bóng nào xẹp được tự động bổ sung thêm hơi, bóng căng được xả bớt hơi. Do đó, xe luôn cân bằng. Vào giờ cao điểm, khách lên xe rất đông, làm nghiêng những nơi tập trung nhiều người. Lúc đó, bóng hơi phải được bơm thêm hơi để nâng lên, tạo cân bằng. Nhưng một số lý do kỹ thuật, hơi được bơm vào bóng chậm nên cần thời gian để hơi cung cấp vào bóng. Trong trạng thái bình thường chỉ cần 1 phút xe cân bằng, nhưng thời điểm khách ào lên đông thì phải mất 3-4 phút mới cân bằng. Do vậy, có thời điểm xe bị nghiêng tạm thời lúc khách lên xe.

Nói về lý do một số xe bị nghiêng hẳn trên đường như Dân Việt phản ánh, ông Triều cho hay: Nếu đệm cao su (dùng để đệm cho thanh cân bằng) bị thoái hóa, vỡ… sẽ làm chậm quá trình đẩy hơi vào bóng. Hơn nữa, chất lượng xe không phải tất cả đồng đều như nhau. Theo quy trình bảo dưỡng, 100 chiếc xe nhưng chỉ bảo dưỡng 5 chiếc/1 lần, còn lại phải phục vụ vận chuyển hành khách. Việc xe buýt hơi nghiêng có thể do sắp đến ngày bảo dưỡng. Nếu tuần sau bảo dưỡng thì tuần này nhìn xe buýt đi trên đường có vẻ kém hơn.

Ông Triều cho biết: Theo thiết kế của nhà sản xuất, nếu quả bóng hơi có nổ chăng nữa, xe cũng chỉ nghiêng đến một mức độ nhất định, không thể đổ, lật. Tuy nhiên, xe nghiêng cũng ảnh hưởng đến chất lượng vận chuyển. Khi nhìn từ bên ngoài thấy xe nghiêng, nhưng hành khách trên xe không cảm nhận được xe buýt nghiêng, vì tiết diện chân đứng nhỏ hơn rất nhiều so với sàn xe.

Sau khi báo chí phản ánh xe buýt nghiêng, đơn vị chủ quản đã bắt buộc kiểm tra và thay ngay đệm cao su để xe luôn được cân bằng. Đồng thời, nếu van lá xoay của bóng hơi bị mòn phải thay ngay, tránh thất thoát hơi. Đơn vị đang triển khai những biện pháp khắc phục hợp lý để trong thời gian tới sẽ không còn xe nghiêng, nếu có cũng sẽ rất hãn hữu – ông Triều khẳng định.

Theo Danviet

Ý kiến của bạn

Bình luận