Lão “khùng” 11 năm “gỡ rối” giao thông

Xã hội 30/01/2017 11:05

Bất kể nắng mưa, hơn 11 năm tình nguyện điều tiết, phân luồng giao thông ở các điểm nóng thường xuyên bị ùn tắc, hiệp sĩ giao thông Nguyễn Văn Linh (44 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, TP.HCM) được nhiều người khen ngợi và cảm phục tinh thần vì cộng đồng

 

Lão “khùng” 11 năm “gỡ rối” giao thông

11 năm qua, anh Nguyễn Văn Linh luôn có mặt ở các điểm nóng về kẹt xe trên địa bàn TP.HCM để điều tiết, phân luồng giao thông.

Người vác tù và hàng tổng

Căn chòi lá nằm ngay sát đường quốc lộ 1, thuộc phường Tân Tạo A (quận Bình Tân, TP.HCM) là cơ sở rửa xe, thay dầu ô tô, xe tải của hiệp sĩ giao thông Nguyễn Văn Linh. Cơ sở rửa xe này là nguồn thu nhập chính của gia đình anh cùng hai anh em ruột mà theo anh chia sẻ: “Thu nhập dù bữa đói bữa no, nếu biết cách chi tiêu thì cũng đủ sống qua ngày”.

Anh Nguyễn Văn Linh (hay còn gọi là lão “khùng” rửa xe) quê ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Năm 2005, anh vào TP.HCM mưu sinh bằng nghề xe ôm. Hai năm làm nghề xe ôm, anh thuộc từng cung đường trong nội ô thành phố, những điểm nóng thường xuyên bị ùn tắc giao thông. Và từ đó, anh hiểu được nỗi lòng của người đi đường mỗi lần phải “bò” qua những điểm nóng giao thông ám ảnh.

“Giao thông TP.HCM tắc như cơm bữa”, đó là ám ảnh của lão “khùng” rửa xe Nguyễn Văn Linh khi chia sẻ về những năm tháng làm nghề xe ôm, những lần chạy xe trong giờ cao điểm, ùn tắc dễ xảy ra. Mọi người đều khổ sở, “vùng vẫy” tìm cách thoát ra khỏi mớ bùng nhùng, xáo trộn, chen lấn phần đường, nên tắc lại càng tắc.

Nhớ lại lần “gỡ rối” giao thông đặc biệt, vị hiệp sĩ giao thông cười nói: “Lần đó, tôi đang chở khách ra Sân bay Tân Sơn Nhất, khi đi qua ngã tư thì bị kẹt xe cục bộ, ùn ứ ngày càng đông. Bỏ xe và khách lại, tôi đứng ra điều tiết, gỡ rối giao thông. Khi đường thông thoáng, quay lại thì người khách đã bỏ đi từ lúc nào không hay”.

Kỷ niệm những ngày đầu làm “hiệp sĩ giao thông”, anh thấy vui trong lòng vì mình đã giúp ích được cho rất nhiều người. Trẻ em không đến trường muộn, người buôn bán không lỡ buổi chợ chiều...

Anh quyết định bắt tay vào công việc phân luồng, điều tiết giao thông. Không được học qua một lớp nghiệp vụ nào về điều tiết giao thông, cũng như chẳng có chế độ gì, nhưng anh tự nguyện và luôn có mặt tại các điểm nóng ùn tắc trong giờ cao điểm. Anh sắm cho mình cây gậy chỉ huy và chiếc còi, cứ thế, anh lao vào bất cứ đâu xảy ra kẹt xe, ùn ứ giao thông, bất chấp trời nắng hay mưa.

Lúc đầu, thấy anh chạy như “con rối” ngoài đường, vợ anh và người thân cũng không đồng tình vì rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến công việc chính. Nhiều lúc có khách vào rửa xe, anh bỏ mặc cho hai anh em trai làm, còn mình thì lao đếnchỗ kẹt xe.

Chị Huỳnh Thị Âu, vợ anh Linh chia sẻ: “Thấy anh rất tâm huyết với nghề “hiệp sĩ giao thông”, công việc rất vất vả nhưng lại giúp ích cho nhiều người nên gia đình tôi luôn ủng hộ”.

Bất chấp nguy hiểm

2 Lão “khùng” 11 năm “gỡ rối” giao thông
Nghề rửa xe là nguồn thu nhập chính của gia đình, dù nghèo khó nhưng anh Linh chẳng bao giờ từ bỏ việc làm thiện nguyện của mình.

11 năm tình nguyện làm “hiệp sĩ giao thông”, những điểm nóng giao thông trên địa bàn TP. HCM anh thuộc như lòng bàn tay. Mọi người đi đường đã quá quen hình ảnh một đàn ông nhỏ thó, đen nhẻm, mặc chiếc áo xanh có in dòng chữ “hiệp sĩ giao thông”, hằng ngày cứ “quần thảo” giữa biển phương tiện nhích từng tí  một mỗi khi đi qua các ngã tư.

Từ những ngày đầu mới làm “hiệp sĩ giao thông”, anh thường chọn các điểm nóng trên các trục đường chính vào nội ô thành phố như Suối Tiên (quận 9), cầu vượt Sóng Thần (Thủ Đức), Xa lộ Hà Nội…“Ngày đầu mới làm không có nhiều kinh nghiệm, trên các giao lộ lớn thường là xe đầu kéo, xe khách chạy rất ẩu, nhiều lúc suýt bỏ mạng. Giờ nhớ lại vẫn thấy mình liều lĩnh thật”, anh Linh tâm sự.

Cứ khoảng 15h đến 20h các ngày trong tuần, anh đều có mặt tại các điểm nóng thường xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm như Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Nguyễn Đình Chiểu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cộng Hòa…

11 năm làm nghề “gỡ rối” giao thông, anh cũng không ít lần gặp những chuyện dở khóc,  dở cười. Có lần anh đang điều tiết giao thông thì bị công an phường mời về trụ sở làm việc vì không có “chức năng nhiệm vụ hay thẩm quyền”. Hay một lần trong lúc đang tập trung điều tiết giao thông ở ngã tư, anh bị kẻ gian lấy mất chiếc xe máy. “Làm cái nghề này không chỉ nhanh chân lẹ mắt, mà cư xử cũng phải khéo, linh hoạt. Bởi lúc tắc đường, người tham gia giao thông cũng dễ nóng tính, phải làm sao thuyết phục để người tham gia giao thông nghe mình, không cố tình vượt ẩu, chen lấn”, anh tâm sự.

Bởi thế mà mọi người luôn thấy trên khuôn mặt của người đàn ông này nụ cười thân thiện.

Với kinh nghiệm hơn 11 năm làm nghề “gỡ rối” kẹt xe, anh Linh cũng không ít lần đưa ra các giải pháp chống ùn tắc giao thông như bổ sung biển chỉ dẫn, thêm bớt số giây đèn xanh đèn đỏ… ở các điểm nóng gửi lên Sở Giao thông Vận tải  TP.HCM, và trong đó, một số giải pháp của anh đã được đưa vào ứng dụng có hiệu quả.

Mới đây, anh được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM tặng giấy khen vì đã đóng góp tích cực trong việc điều tiết giao thông, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. “Tôi rất vui và thấy phấn khởi khi nhận được giấy khen của Sở Giao thông Vận tải  TP.HCM. Đây sẽ là động lực để tôi tiếp tục công việc điều tiết giao thông, giải cứu kẹt xe của mình”, anh Linh chia sẻ.

3 Lão “khùng” 11 năm “gỡ rối” giao thông
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM trao giấy khen cho anh Linh.
Ý kiến của bạn

Bình luận