Lắp đồng bộ camera ‘phạt nguội’, giảm áp lực cho cảnh sát giao thông

Ý kiến phản biện 12/03/2019 06:43

Cùng với việc tăng nặng các mức xử phạt vi phạm giao thông, việc ứng dụng công nghệ thông tin như lắp camera giám sát để phạt nguội đang là yêu cầu cấp bách, vì vừa đảm bảo răn đe, vừa giảm bớt áp lực cho lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT).


 

20190309_112821
Lắp camera giám sát giao thông trên cầu Chương Dương (Hà Nội).

Hệ thống camera giám sát “rời rạc”

Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), dù cả nước đã triển khai rất nhiều hệ thống camera giám sát giao thông thông minh trên các tuyến quốc lộ, cao tốc, nội đô, tuy nhiên, việc ứng dụng để phạt nguội chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân là do hiện nay, các dự án lắp camera giám sát tại các địa phương, nhất là các thành phố lớn mới dừng ở mức thí điểm riêng lẻ.

Tại TP Hồ Chí Minh, Phòng CSGT Công an Thành phố (PC67) trung bình xử phạt nguội vài chục nghìn trường hợp/năm, quá ít so với số vi phạm bị phát hiện trực tiếp của CSGT. Thậm chí, trong số nhiều camera lắp đặt, hiện chỉ có một số camera tại hầm Thủ Thiêm được phép sử dụng hình ảnh để phạt nguội, các camera khác chưa được phép.

Tại Đà Nẵng, hệ thống camera giám sát vi phạm giao thông được thành phố triển khai từ năm 2012. Đến nay, trên toàn thành phố đã lắp đặt hệ thống 8 camera quan sát, 74 camera giám sát, xử phạt vi phạm tại một số nút giao trọng điểm, các đoạn đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT), nhưng thống kê năm 2018 của PC67 Đà Nẵng, chỉ phạt nguội được gần 8.000 trong tổng số hàng chục nghìn vi phạm bị phát hiện.

Còn tại Hà Nội, theo Thiếu tá Phạm Quang Minh, Đội phó Đội Điều khiển giao thông Hà Nội, thành phố đã triển khai dự án “nâng cấp trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi giai đoạn 1, với mức đầu tư hơn 230 tỷ đồng. Từ khi khánh thành đến nay (tháng 10/2014), trung tâm mới tiến hành phạt nguội được gần 17.000 trường hợp vi phạm giao thông.

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, riêng năm 2018, CSGT các địa phương đã kiểm tra, xử lý gần 4,5 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền gần 2.800 tỷ đồng, tước bằng lái và tạm giữ hàng trăm nghìn phương tiện vi phạm.

Còn theo ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam, trung bình mỗi tháng, Phòng nhận được khoảng 1.000 trường hợp đề nghị không tiếp nhận đăng kiểm đối với xe ô tô vi phạm luật giao thông chưa chấp hành nộp phạt. Song, nội dung văn bản đề nghị gần như không đề cập rõ hình thức vi phạm, nên khó rà soát vi phạm trực tiếp hay qua ghi hình camera giám sát phạt nguội.

Qua tìm hiểu, trên các tuyến cao tốc như Cầu Giẽ - Ninh Bình đã lắp hệ thống camera giám sát từ năm 2013, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng lắp từ năm 2015... mặc dù hệ thống camera giám sát này đã phát hiện nhiều vi phạm dừng đỗ trái phép, đi vào làn đường khẩn cấp… nhưng đến nay vẫn chỉ để tham khảo hoặc phục vụ việc giám sát, cứu hộ.

Chuyên gia dự án của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), TS. Nguyễn Hữu Đức chia sẻ, hệ thống camera giám sát trên các tuyến cao tốc hiện nay mới phát huy hiệu quả “nội bộ”, chưa được dùng phục vụ xử lý vi phạm trên đường, do chưa có cơ quan nào kiểm định, bổ sung thành cơ sở dữ liệu phục vụ việc xử phạt và điều tra về ATGT. Vì thế, lực lượng CSGT không thể sử dụng những kết quả này làm căn cứ xử “phạt nguội”.

Hiệu quả phạt nguội

Để tạo thuận lợi cho việc phạt nguội, trong văn bản lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 mới đây, Bộ GTVT đã đề xuất chủ phương tiện phải có tài khoản để khấu trừ, nếu bị xử phạt vi phạm. Dự thảo nêu nhiều đề xuất mới liên quan đến cách nhận biết xe kinh doanh và xe không kinh doanh vận tải; thêm quy định kết nối giữa biển số xe với tem kiểm định và thẻ chíp điện tử phục vụ việc thu phí đường bộ; bổ sung quy định liên quan tài khoản giao thông của chủ phương tiện phục vụ phạt nguội và trả phí đường bộ…

cs
Việc lắp camera giám sát sẽ hạn chế được tình trạng CSGT trực tiếp tiếp xúc với người vi phạm.

Trong đề xuất này, qua camera giám sát, CSGT phát hiện vi phạm sẽ báo với ngân hàng để ngân hàng tự động trừ vào tài khoản người vi phạm. Việc phạt nguội được kỳ vọng làm giảm tiêu cực của CSGT, vì người vi phạm không thể xin xỏ, nhờ trợ giúp. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, lực lượng CSGT cũng không nhất thiết phải đuổi theo vi phạm để xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, trong thực tế, nhiều người rất hạn chế về ý thức tham gia giao thông. Có CSGT điều khiển phương tiện thì chấp hành, vắng bóng là vi phạm. Hình thức phạt nguội, trừ thẳng vào tài khoản sẽ giảm thiểu việc CSGT phải căng mình tuần tra, kiểm soát như hiện nay.

Bên cạnh đó, camera giám sát nếu được lắp đồng bộ, còn hỗ trợ CSGT tránh phải tiếp xúc trực tiếp với người vi phạm, từ đó tăng tính minh bạch, giảm bớt các vụ chống người thi hành công vụ; đồng thời tác động đến tâm lý người tham gia giao thông chấp hành nghiêm luật giao thông hơn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Trường, Chủ tịch Hội ATGT Việt Nam cho rằng, hệ thống camera giám sát là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho lực lượng CSGT trong việc phát hiện các trường hợp vi phạm và “phạt nguội” qua hình ảnh. Những hình ảnh do camera ghi lại là căn cứ pháp lý để xử lý các trường hợp vi phạm về tốc độ, vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh và hỗ trợ lực lượng công an điều tra tai nạn, truy tìm vật chứng, tội phạm…

“Bộ GTVT chủ trương xử lý vi phạm qua hình ảnh trên các tuyến cao tốc và quốc lộ trong cả nước bằng hình thức “phạt nguội”. Nghị định 46/2016 của Chính phủ đã cho phép người có thẩm quyền xử phạt sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trực tiếp vận hành cung cấp làm căn cứ xác định vi phạm”, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay.

Ý kiến của bạn

Bình luận