Ảnh minh họa: VTV |
Đề xuất dùng gạch giả đá lát vỉa hè
UBND quận Hoàn Kiếm vừa có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội về việc sử dụng vật liệu lát hè, chiều cao đỉnh bó vỉa, hào kỹ thuật một số tuyến phố trên địa bàn quận.
Theo đó, qua quá trình thực tế thi công và sử dụng trong những năm gần đây, UBND quận Hoàn Kiếm thấy gạch terrazzo và gạch block không còn phù hợp yêu cầu về chất lượng (cường độ thấp) và thẩm mỹ (gạch terrazzo mỏng, yếu không chịu được tải trọng ôtô, gạch block dễ mòn, bạc màu và dễ xộc xệch).
UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất 2 phương án sử dụng vật liệu lát đá trên địa bàn. Thứ nhất, sử dụng đá xanh Thanh Hóa, mặt được tạo nhám và có chiều dày tối thiểu khoảng 5cm. Tuy nhiên, theo UBND quận Hoàn Kiếm quá trình sử dụng đá thường bị mài mòn, trơn trượt nên chưa thực sự phù hợp.
Phương án thứ hai, sử dụng gạch bê tông giả đá (gạch tương tự như gạch terrazzo) là cơ bản phù hợp. Gạch dày 4cm, màu sắc giả đá đáp ứng về mặt mỹ quan tuyến phố, đồng diện màu sắc hè và lòng đường.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, thực tế triển khai lát hè trên tuyến phố Bà Triệu được dư luận đánh giá tốt do không bị trơn trượt và có kỹ, mỹ thuật.
Trước kiến nghị trên, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với sở liên quan kiểm tra, xem xét, hướng dẫn thực hiện theo quy định của TP; đề xuất, báo cáo UBND TP các vấn đề vượt thẩm quyền…
Nhiều nghi ngại khi dùng đá tự nhiên lát vỉa hè
Trước đó, tại cuộc họp về sản xuất và cung cấp vật liệu lát hè trên địa bàn Hà Nội hôm 7/9, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, để đảm bảo tính đồng bộ, văn minh và sử dụng lâu bền công trình hạ tầng, thành phố yêu cầu lát vỉa hè, bó vỉa phải là vật liệu tự nhiên, kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng 50-70 năm.
Cụ thể, 12 quận nội thành của Hà Nội sẽ không chấp nhận dùng các loại gạch kém chất lượng như trước đây mà chủ yếu dùng đá tự nhiên để lát vỉa hè. Quy định này cũng sẽ giúp chấm dứt tình trạng các chủ đầu tư dự án hạ tầng trên địa bàn.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ông Lê Văn Thịnh - Nguyên trưởng phòng quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng lựa chọn trên là sai lầm và Hà Nội đang đi ngược lại so với thế giới.
Theo ông Thịnh, trước năm 1975, các nước phát triển đã từng thi công vỉa hè theo kiểu đổ bê tông phía dưới, phía trên lát đá hoặc gạch.Tuy nhiên sau năm 1975, họ lại lật hết vỉa hè và sử dụng gạch con sâu. Điều này có có thể thấy vỉa hè bằng gạch con sâu của các khách sạn nước ngoài đầu tư tại TP.HCM và Hà Nội.
Ngoài ra, ông Thịnh còn cho rằng, việc sử dụng đá marble (còn gọi là đá vôi) và đá granite (đá hoa cương) chưa thật sự phù hợp hiện nay đối với Hà Nội.
“Nếu Hà Nội dùng đá hoa cương thì rất đắt, khả năng trơn trượt cao và không an toàn. Để chống trơn thì buộc phải đục nhám rất mất thời gian và tiền bạc. Hơn nữa để nhám chống trơn được thì phải để bụi bặm bám vào dẫn đến không sạch sẽ, mất vệ sinh môi trường.
Trong khi đó nếu lựa chọn đá vôi dù thân thiện hơn nhưng khả năng chống mòn kém hơn. Nếu dùng loại đá dày từ 20-25 mm thì sẽ không chịu được áp lực, xe ô tô, phương tiện đi trên vỉa hè là có thể vỡ ngay. Còn loại dày đạt tiêu chuẩn thì ít nhất phải 90-100 mm sẽ đắt hơn rất nhiều. Mức giá 500.000 đồng/m2 mà Hà Nội thí điểm ở một vài quận trong thành phố sẽ không thể nào mua được những vật liệu tốt nhất”, ông Thịnh nói.
Cùng đưa ra ý kiến về chủ trương của Hà Nội, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, việc lát đá tự nhiên phải lưu ý đồng bộ toàn bộ hạ tầng đi ở dưới phải.
“Nhiều tuyến đường hiện nay không có sự phối hợp đó. Có nơi lát xong rồi, sau này cần đục một đường ống, làm dây cáp ngầm chẳng hạn lại đục lên trông rất lơm nhơm.. Làm gì có đường nào, nay vá một đường ngang, mai vá một đường khác , đổ nhựa vào như ở Hà Nội. Vỉa hè là một công trình mang tính tổng hợp chứ không phải chỉ để đi”, ông Liêm nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Hiệu trưởng Đại học xây dựng Hà Nội cho rằng thủ đô còn rất nhiều phải làm và quan tâm đầu tư, từ vấn đề an sinh xã hội, giáo dục, đến phát triển cơ sở hạ tầng. Vì vậy cần phải cân đối, tính toán lại cho phù hợp, tránh dồn cùng một lúc làm trên diện rộng ở 12 quận nội thành.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.